"Màu cỏ úa” và kẻ du ca qua hai thế kỷ

25/11/2020 - 06:00

PNO - Cuốn phim tài liệu do một nữ đạo diễn trẻ thế hệ 9X thực hiện, không chỉ khắc họa sống động, chân thực chân dung của một trong bốn tên tuổi lẫy lừng nhóm bộ tứ sông Hồng, mà còn khơi dậy tinh thần du ca đẹp đẽ của một thời chưa xa.

“Hạnh phúc vốn đơn sơ”

Tốt nghiệp ngành kiến trúc, theo nghiệp truyền hình, rồi bất thình lình rẽ lối điện ảnh, nhưng thay vì chọn con đường ít gai góc, Lan Nguyên (Nguyễn Thúy Lan) lại chọn thể loại tài liệu hiện thực để đi. Hành trình này đến với cô không hề dự định trước, được bắt đầu từ tình yêu và kết thúc cũng bằng tình yêu, của rất nhiều người.

Trong đó có nhà quay phim Trần Doãn Nam, người đã đồng hành và động viên cô từ những ngày đầu cũng chỉ vì yêu nhạc Trần Tiến. Còn là nhạc sĩ Dương Thụ, diễn viên Hồng Ánh, Thuần Lê, Bùi Công Anh, Nguyễn Quang, Hằng Trịnh… và nhiều bạn bè khác. Bởi nếu không yêu, thậm chí yêu một cách liều mạng, cô đã không thể hoàn thành bộ phim này.

“Tôi là đứa trẻ nghiện xem ti vi và lớn lên cùng âm nhạc của bác Trần Tiến. Nhưng khi bước vào thế giới ấy, cũng là lúc tôi nhận ra màn ảnh đã không còn đủ chứa bác và những người ở thế hệ của bác. Vậy là tôi đi tìm” - Lan Nguyên tâm sự đầu phim.

Đạo diễn Lan Nguyên (bìa trái) và quay phim Trần Doãn Nam trong lần đầu gặp nhạc sĩ Trần Tiến tại nhà ông ở Vũng Tàu
Đạo diễn Lan Nguyên (bìa trái) và quay phim Trần Doãn Nam trong lần đầu gặp nhạc sĩ Trần Tiến tại nhà ông ở Vũng Tàu

Màu cỏ úa khắc họa chân dung nhạc sĩ Trần Tiến qua âm nhạc và qua những lời tâm sự của ông, của bạn bè, người thân, dù quay trực tiếp hay qua những đoạn băng tư liệu mà Lan Nguyên đã dày công sưu tầm. Một Trần Tiến say mê âm nhạc, yêu đời sống, nhưng cũng có những khoảng cô đơn không ai chạm đến được. Một Trần Tiến gần gũi, có thể ngồi vỉa hè uống bia hơi hát ca sảng khoái, luôn dành nhiều sự quan tâm đến thế hệ trẻ. Một Trần Tiến nhạy cảm qua lời kể của bạn bè. Và một Trần Tiến kiêu bạc, luôn giữ được cốt cách nghệ sĩ, không bao giờ chịu ngồi uống với những người ông không thích dù bàn tiệc sang trọng, đắt tiền cỡ nào.

Lan Nguyên nói, Màu cỏ úa không có những góc khuất về cuộc đời nhạc sĩ Trần Tiến như những ngôi sao, vì “tính cách ra sao thì âm nhạc bác đã thể hiện ra như thế”. Bộ phim là một câu chuyện dài, là những đối thoại của cô với bác Tiến mà thôi.

Và mặc dù không muốn xây dựng một tượng đài, bộ phim cũng phần nào hé lộ gia tài âm nhạc đồ sộ và đáng nể của Trần Tiến ở nhiều chủ đề, mà chủ đề nào ông cũng viết rất đời, rất ngọt, và dễ đi vào lòng người. Ai cũng có thể hát theo, hát ở bất cứ nơi đâu, trên biển, trong nhà hát, hay trên bãi đất trống người người quây quần bên nhau. 

Tôi không biết Trần Tiến định nghĩa thế nào về hạnh phúc, vì ông là người lính, đã đi qua cuộc chiến và mất mát. Vì ông là một con người dám tiến về phía trước để nhận những mũi tên và sự cay đắng của thời cuộc, mà vẫn dám sống thật với bản thân, vẫn dũng cảm đứng dậy sau những lần tuyệt vọng, và vẫn nghêu ngao hát khúc du ca. Nhưng nếu như câu hát ông viết “hạnh phúc vốn đơn sơ”, thì nỗi đơn sơ ấy chính là âm nhạc của ông đã thâm nhập vào đời sống, và sống cuộc đời của riêng nó, ở mọi tầng lớp, từ học sinh, sinh viên đến các tầng lớp lao động, từ vỉa hè đến sân khấu lộng lẫy. Âm nhạc Trần Tiến không khước từ nơi chốn, bởi bản thân giai điệu và lời ca đã đủ đẹp như tâm hồn ông. Để từ đó, người nghe sống đẹp hơn, rất nhiều lần.

Thắp lên tinh thần du ca

Hai năm đầu thực hiện bộ phim, ê-kíp đã theo chân nhạc sĩ Trần Tiến “du ca” khắp nơi, về Quảng Bình - mặt trận đầu tiên ông tham chiến, đến khu vực thủy điện Hàm Thuận, Đa Mi, rồi đi Vũng Tàu, lên Đà Lạt... cùng với Hà Trần, Ngũ Cung, Đoan Trang hát cho dân lao động nghe. Nhưng thời gian luôn đặt ra nhiều thử thách. Đó là lúc Lan Nguyên thấy để hoàn thành bộ phim, cô còn thiếu quá nhiều mảnh ghép. Cô đã phải liên tục đấu tranh giữa cảm xúc và lý trí, giữa việc quay hay không quay. Rất nhiều kỷ niệm khi đã trải qua, Lan Nguyên mới nghĩ, nếu khán giả được chứng kiến, thì sẽ hiểu nhiều hơn về vị nhạc sĩ họ yêu mến. 

 

Vì được quay bằng nhiều loại máy quay khác nhau nhờ mượn được từ nơi cô đang làm việc, thậm chí quay bằng cả điện thoại, nên phần chỉnh màu và âm thanh của phim đòi hỏi sự dụng công rất nhiều ở khâu xử lý hậu kỳ. Cuối cùng, cả ê-kíp đã thống nhất chuyển bản phim sang màu đen trắng, để không chỉ tạo sự đồng nhất, mà còn đúng với tinh thần và sắc màu yêu thích của nhạc sĩ.

Lan Nguyên nói, cô hy vọng bộ phim ra mắt sẽ tiếp thêm động lực để nhạc sĩ Trần Tiến có thể thực hiện chuyến du ca ở cuối hành trình, hoặc ít nhất là có thể được nghe, được xem thế hệ hôm nay biểu diễn nhạc của ông trên sân khấu một lần nữa. Cô cũng hy vọng bộ phim sẽ thắp lại tinh thần du ca mà các nhạc sĩ đi trước như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến đã nhóm lên. 

Lan Nguyên chọn bộ phim tài liệu đầu tay của cô cái tên thật buồn: Màu cỏ úa. Đó có thể là sắc xanh chấm thêm vàng vàng trong ca khúc Sắc màu của Trần Tiến, có thể là màu áo lính ám ảnh Trần Tiến vào trong cả những giấc mơ. Đó còn là sắc màu của sự tàn phai khi thế hệ nhạc sĩ một thời dần lùi vào quá vãng. Còn Trần Tiến ư? Khi được gọi là kẻ du ca, ông dí dỏm bảo rằng: “Tao mà du ca cái gì? Du côn ca thì có”.

Và ông đã đặt cái tên “Du côn ca” ấy cho nhóm nhạc của Lan Nguyên. Còn cô thì dùng cái tên ấy đặt thành mộng ước của một chuỗi dài những cuốn phim âm nhạc về những nhạc sĩ đã có nhiều cống hiến cho Việt Nam, mà hơn ai hết, Lan Nguyên ý thức được, thời gian không chờ đợi bất kỳ ai.

Hoàng Linh Lan

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI