Ngày 15/3, HĐND TP.HCM khóa IX khai mạc kỳ họp thứ bảy - kỳ họp bất thường với chuyên đề giám sát thực hiện chương trình cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công tại TP.HCM và triển khai thực hiện nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
|
Người dân vui vẻ chờ làm thủ tục hành chính ở P. Bình An, Q.2, TP.HCM chiều 14/3 |
Ngược xuôi nơi công quyền
Trước kỳ họp, trong vai người dân, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã tìm đến các cơ quan công quyền khắp nội, ngoại thành TP.HCM để ghi nhận thực tế đối với con số báo cáo “80% người dân, tổ chức hài lòng về dịch vụ hành chính công”.
Sau nhiều năm thực hiện cơ chế “một cửa”, các công sở ở TP.HCM đã được đầu tư hiện đại với những trang thiết bị số hóa; thái độ phục vụ dân cũng chuẩn mực hơn. Ở nhiều nơi, chúng tôi còn được mời thực hiện dịch vụ trực tuyến… Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ghi nhận được hình ảnh nhiều cụ già đứng bần thần trước cái máy lấy số thứ tự, thắc thỏm khi bước ra khỏi cổng cơ quan công quyền mà không có biên nhận hồ sơ trong tay.
Hiện tại, chính quyền từ cấp xã phường đến quận huyện phải thực hiện hơn 170 loại thủ tục hành chính, trong đó có nhiều thủ tục hoàn toàn không thống nhất với nhau. Anh Lê Nguyễn Minh Đức - một người làm dịch vụ giấy tờ nhà đất ở huyện Hóc Môn - cho biết: “Chỉ riêng chuyện công chứng hồ sơ nhà đất thôi mà mỗi phòng công chứng (công) đã quy định khác nhau về các loại giấy tờ có liên quan. Chỗ sao y, chỗ không sao y để lưu, chỗ chỉ yêu cầu đưa bản chính chứng minh nhân dân ra để xem mà không cần bản lưu. Cho nên, với nhiều trường hợp, khi khách hàng không yêu cầu, chúng tôi đưa dân ra phòng công chứng tư thực hiện các thủ tục cho gọn lẹ, dịch vụ rõ ràng”.
Nhưng điều anh Đức và nhiều người dân phiền hà nhất là thái độ của người tiếp dân ở cơ quan công quyền. “Cứ như ban phát” - ông Trần Thái Binh, cán bộ hưu trí từng làm việc tại Nhà máy Z751 nhận xét. Ông nói, cán bộ có nhỏ nhẹ, ân cần, nhưng kiệm lời giải thích với dân: “Chúng tôi là dân hưu trí, nhàn rỗi nên mới thay con cháu trong gia đình đi làm các thủ tục hành chính, thế nhưng, cán bộ tiếp dân chỉ dẫn nhanh quá, lại ít lời, nên được giải thích xong rồi, vẫn không nắm được mình nên làm cái gì cho đúng, cho đủ”.
Câu chuyện cán bộ hướng dẫn không đến nơi đến chốn làm chúng tôi nhớ lại tình cảnh bà Nguyễn Thị Hương - sinh năm 1933, ngụ tại khu phố 2, P. An Phú Đông, Q.12, người phải mất hơn một năm trời để xác nhận… cái dấu huyền không có trên tên của chính mình. Bà Hương và chồng là ông Dương Chẩm (đã mất) có hai người con trai tên Dương Minh và Dương Phách.
Không hiểu do sai sót từ đâu, trong khai sinh của anh Dương Phách (sinh năm 1956), tên mẹ bị ghi là Nguyễn Thị Hường. Năm 1992, anh Phách bị tai nạn giao thông nằm một chỗ, mất hết giấy tờ tùy thân. Năm 2015, chính quyền địa phương thấy hoàn cảnh khó khăn, đã hướng dẫn gia đình làm lại giấy tờ để Phách có thẻ bảo hiểm y tế. Tới khi lôi khai sinh ra mới hay tên mẹ có thêm dấu huyền, buộc phải đi cải chính hộ tịch.
Năm 2016, UBND P. An Phú Đông tiếp nhận đơn xin cải chính hộ tịch của anh Phách. Do khai sinh được làm tại Q. Gò Vấp trước năm 1975, cán bộ tư pháp của phường tư vấn cho gia đình đến UBND Q. Gò Vấp xin cải chính lại tên mẹ. Bà Hương không biết chữ, anh Phách không thể đi đứng bình thường, còn anh Minh phải làm việc lo cái ăn, cái mặc cho cả nhà nên bà Nguyễn Thị Thanh Hà (nguyên Bí thư chi bộ khu phố 2) được ủy quyền lo giấy tờ giúp gia đình bà Hương.
Bà Thanh Hà cho biết, đã bảy lần đến phòng tiếp dân UBND Q. Gò Vấp để xin cải chính giấy tờ, mỗi lần lại được cán bộ tiếp dân hướng dẫn thêm một thủ tục (có bút tích trên hồ sơ). Đến cuối tháng 7/2017, cán bộ tiếp dân UBND Q. Gò Vấp lại yêu cầu bà Hà lên Sở Tư pháp TP.HCM để lục hồ sơ gốc khai sinh của bà Hương (để xác nhận xem tên cụ bà 84 tuổi này trong khai sinh gốc có dấu huyền hay không) mà không cần để ý toàn bộ chứng minh nhân dân, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế của cụ trước sau vẫn tên là Hương.
Mãi đến ngày 15/8/2017, khi Báo Phụ Nữ TP.HCM tiếp nhận yêu cầu giúp đỡ của bà Thanh Hà và chuyển những thắc mắc về thủ tục hành dân đến ông Lê Hoàng Hà - Chủ tịch UBND quận Gò Vấp - thì một ngày sau, bà Hương được xác nhận hộ tịch mà không cần chờ phần trích lục ở Sở Tư pháp TP.HCM như hướng dẫn của vị cán bộ hộ tịch nọ.
Dân còn bị "hành" nếu cán bộ còn vô cảm
Câu khẳng định của ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - tại phiên họp bất thường HĐND thành phố chiều 15/3 đã làm cả nghị trường như lắng lại: “Hiện tại, có thực tế là có một bộ phận cán bộ, công chức thờ ơ, sợ trách nhiệm, làm chậm quy trình, hồ sơ của dân, đồng thời cũng có sự nhũng nhiễu, cố tình chậm hồ sơ để doanh nghiệp, người dân phải “chạy”. Hiện tượng “chạy” đó còn có nguyên nhân từ phía người dân “giúp nhau”, tiếp tay để “chạy”.
Cải cách hành chính ở một số nơi vẫn còn hình thức; nhiều khâu, thủ tục, con người của bộ máy hành chính vẫn còn gây khó cho dân. Tất cả những sự thật đó không “qua mắt” được dân và cũng đã được UBND TP.HCM nhìn nhận, nêu rõ trong báo cáo kết quả thực hiện chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011-2017.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM - cho rằng: “Chỉ số hài lòng của dân đạt trên 80% nghe thì mừng, nhưng khi tiếp xúc với dân, dân còn than phiền nhiều quá. Dân còn nêu chuyện bị nhũng nhiễu. Phải chăng khảo sát sự hài lòng đó của ta cũng còn hình thức? Thiết nghĩ, chúng ta cần đánh giá sao cho có mức độ, gần sát thực tiễn hơn”.
Trăn trở trước thực trạng người dân bị nhũng nhiễu mà không thể lên tiếng, đại biểu Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM - đề xuất: “Phải tuyên chiến với phí không chính thức”. Theo bà, trong thanh tra, giám sát, rất cần rà soát lại có bao nhiêu doanh nghiệp, cá nhân khi đến các đơn vị bị thu những phí không chính thức; những phí nào có phiếu thu, phí nào không có phiếu?
“Phải có đánh giá phí không chính thức nặng nề như thế nào với doanh nghiệp. Xóa được các loại phí không chính thức này, mới có thể hy vọng tăng chỉ số hài lòng của người dân” - bà Bích Châu nói.
Cùng tranh luận về những nội dung của đề án cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa - Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân TP.HCM - cho rằng, trong những nội dung cải cách, chỉ có một nội dung liên quan đến người dân, đó chính là đơn giản hóa thủ tục hành chính; những nội dung còn lại như ứng dụng khoa học công nghệ, tinh giản biên chế, bộ máy, nâng cao trình độ cán bộ… đều là chuyện cải tổ bộ máy nhà nước.
Ông nói: “Thực chất, dân không cần gì hơn, dân chỉ cần thủ tục đơn giản. Đã là thủ tục thì phải thống nhất, thống nhất đến từng chi tiết. Hiện nay, chúng ta có nhiều thủ tục mà tôi là cán bộ nhà nước cũng còn phải hỏi “cái này làm thế nào”. Mục đích chúng ta phải minh bạch, phải làm sao cho dân hiểu một cách rõ ràng, thống nhất các thủ tục. Có như vậy mới chính là cải cách
hành chính”.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trung bình mỗi năm, TP.HCM giải quyết hơn 14.500.000 hồ sơ. Có những ngành, mỗi ngày phải giải quyết trên 1.000 hồ sơ, tức có cán bộ phải giải quyết trên 100 hồ sơ/ngày. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ hồ sơ không được giải quyết đúng hẹn của TP.HCM khoảng 5% (năm 2017, tỷ lệ này giảm chỉ còn 3%). Dù tỷ lệ này không cao, nhưng con số quy ra là 725.000 hồ sơ tồn đọng/năm, tương ứng với chừng ấy người dân, tổ chức có hồ sơ trễ hẹn.
|
Nghi Anh - Mẫn Nhi