Máu bé trai chuyển sang màu nâu khi tiếp xúc với không khí

27/04/2021 - 12:02

PNO - Bé trai 8 tuổi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng mệt, tím môi và các đầu ngón tay, máu chuyển sang màu nâu.

 

Bé trai đang được theo dõi sát tại bệnh viện, ảnh BVCC
Bé trai đang được theo dõi sát tại bệnh viện

Sáng 27/4, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết, các bác sĩ vừa cấp cứu cho bé trai P.L.M.T. (8 tuổi ở Cần Thơ) bị ngộ độc MetHemoglobin (một rối loạn máu trong đó lượng oxy được chuyển đến các tế bào rất ít) nghi do sử dụng thuốc.

Theo đó, 13g30 ngày 20/4, bé T. được Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng mệt, tím môi và tím đầu ngón tay chân.

Khai thác bệnh sử, bác sĩ được biết cách nhập viện 1 tuần, bé có khám da liễu ở một bệnh viện khác, được cho uống và thoa thuốc không rõ loại.

Ngày 19/4, bé T. than mệt, tím môi và các đầu ngón tay, chân nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Lúc này, độ bão hòa oxy máu trong máu của bé T. rất thấp, khoảng 78-85%, đầu các ngón tay, chân tím tái.

Kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị toan máu, tăng lactate, rối loạn nhịp tim. Khi rút máu làm kiểm tra nhanh, bác sĩ thấy máu màu nâu và không đỏ lại khi tiếp xúc không khí nên nghi ngờ bé bị ngộ độc MetHemoglobin (MetHb). Do tình trạng ngộ độc quá nặng và không có thuốc giải độc đặc hiệu nên bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bé T. có biểu hiện đừ, mệt, môi tím, độ bão hòa oxy máu SpO2 thấp, tím các đầu ngón tay, chân kèm rối loạn nhịp tim.

Ngay lập tức các bác sĩ chẩn đoán nhanh bằng cách nhỏ 1 giọt máu của bé T. lên giấy thấm để so với bảng màu chuẩn ước lượng tỉ lệ % MetHb máu. Đây là một chẩn đoán nhanh ngộ độc MetHb khi không có máy xét nghiệm đặc hiệu. Chắc chắn bé bị ngộ độc MetHb, các bác sĩ liền dùng thuốc giải độc Methylen Blue cho bé.

Sau tiêm vài phút bé T. hồng hào trở lại, các đầu ngón tay, chân hết tím, nhịp tim bình thường, độ bão hòa oxy trong máu tăng lên rõ rệt. Định lượng nồng độ MetHb trong máu sau khi tiêm thuốc giải độc chỉ còn 0,9% so với bình thường từ 0-3%. Hiện bé T. vẫn đang được các bác sĩ theo dõi sát.

Bác sĩ Quang cho biết, ngộ độc MetHemoglobin thường gặp trong các tình huống như uống nước củ dền, nước giếng chứa nhiều chất Nitrite, ăn khoai mì cao sản (sắn); dùng các thuốc chữa bệnh như Dapsone, Quinones, Sulfonamides; tiếp xúc thuốc diệt cỏ có Propanil, thuốc nhuộm Anilin. Triệu chứng thường gặp của ngộ độc MetHb là môi xanh tím, tím các đầu ngón tay chân; trường hợp nặng tím tái toàn thân, suy hô hấp.

Điều trị giải độc bằng Methylen Blue rất có hiệu quả, tuy nhiên thuốc Methylen Blue rất hiếm, hầu như không có tại các bệnh viện nên việc điều trị các trường hợp ngộ độc Methemoglobin nặng gặp nhiều khó khăn. Trong tình huống này, thay máu bằng hồng cầu lắng là một giải pháp điều trị hiệu quả cho các ca ngộ độc MetHb nặng, góp phần cứu sống bệnh nhân.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI