Mất việc ở tuổi trung niên

13/12/2020 - 05:54

PNO - Được gọi là thế hệ FIRE (Forced Into Retirement Early - bị đẩy vào thế nghỉ hưu sớm), phụ nữ tuổi trung niên đã chống trả với cuộc chiến mất việc trong đại dịch như thế nào?

Khi lệnh phong tỏa lần một được thông báo vào tháng Ba, Zina Crosse, 53 tuổi, làm việc trong ngành xuất bản và đang sống với con trai 16 tuổi ở London được thông báo nằm trong diện nghỉ việc, nhưng vẫn trong biên chế hưởng 80% lương do chính phủ tài trợ. Cô vẫn tự tin sau lệnh phong tỏa, cô và mọi người cùng cảnh ngộ sẽ trở lại làm việc bình thường. Tuy nhiên, vào tháng Tám, sếp cô gọi lại cho biết họ buộc phải sa thải cô.

Dù Zina cũng biết tình hình kinh tế bị ảnh hưởng nhiều do COVID-19, cô vẫn bị sốc khi nhận tin. “Tôi làm việc trong công ty xuất bản nhỏ này đã bảy năm và rất yêu công việc. Tôi cảm thấy rất buồn khi phải ra đi nhưng phải gọi điện ngay cho tổ chức trợ cấp xã hội vì tôi là mẹ đơn thân, và là người kiếm tiền duy nhất trong gia đình. Tôi lo lắng về tiền bạc và phải trả tiền nợ nhà”.

May mắn là Zina có một số nghề lẻ từ nhiều năm trước: “Tôi có chứng chỉ hành nghề massage 20 năm trước và có nghề giữ trẻ”. Hiện tại, Zina đang trở lại nghề massage và tiếp tục xin việc bất cứ khi nào cô thấy có thông tin tuyển dụng liên quan. Gần đây, cô được gọi phỏng vấn vào vị trí trợ lý, cô không được nhận việc, tuy nhiên cô cho biết: “Được phỏng vấn lại sau nhiều năm thật tốt. Tôi phải lạc quan, tôi còn nhiều năng lực để cống hiến”.

Zina là một trong hàng ngàn phụ nữ tuổi trung niên bỗng nhiên bị mất việc vì đại dịch. Từ tháng Ba, một trong bốn phụ nữ trên 50 tuổi bị cho nghỉ hưởng 80% lương và làn sóng mất việc đang chập chờn phía trước, khi nền kinh tế bị đe dọa bởi các lệnh phong tỏa liên tiếp.

Thêm vào đó, một nghiên cứu gần đây cho thấy khả năng phụ nữ mất việc ngày càng cao, vì phần lớn họ làm việc trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực giải trí, du lịch, bán lẻ, nghệ thuật - hiện vẫn đang tiếp tục bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. 

Dù đại dịch ảnh hưởng đến mọi người, nhưng với những người trên 50 tuổi, nó đặc biệt khó khăn. Theo một nghiên cứu gần đây của tổ chức Centre for Ageing Better, những người trên 50 tuổi dễ mất việc khoảng một năm hoặc hơn so với những người trẻ tuổi.

“Những ảnh hưởng cũng tương tự như nỗi đau mất người thân - sốc, mất niềm tin, giận dữ và mất mát. Mất việc ở tuổi trung niên là vết thương. Nó không chỉ là mất mát về thu nhập, mà còn là lẽ sống, cấu trúc và hỗ trợ xã hội. Nó đến cùng thời điểm phụ nữ đang đối mặt với thời kỳ mãn kinh, hoặc có thể là ly hôn, con trẻ vào tuổi vị thành niên và bố mẹ già lớn tuổi”, tiến sĩ tâm lý học Lucy Tinning chia sẻ.

Với thị trường lao động đang hướng đến những người trẻ tuổi với giá thành rẻ hơn, điều dễ hiểu là phụ nữ trung niên cảm thấy bi quan cho tương lai trở lại với công việc. Họ thường tự hỏi có phải đây là điểm kết thúc sự nghiệp, dù họ có kinh nghiệm đầy mình. Ngoài ra, họ còn có cảm giác thiếu sự thông cảm từ thế giới bên ngoài, khi nhiều người vẫn ngộ nhận rằng mất việc ở tuổi 50 thì không ghê gớm bằng giai đoạn sớm hơn trong sự nghiệp. 

Mất việc ở độ tuổi không còn năng động, - Ảnh minh họa
Mất việc ở độ tuổi không còn năng động, - Ảnh minh họa

Với phụ nữ có nhiều năm cống hiến cho công ty, mất việc cho họ cảm giác bị đối xử độc ác. Jane, 55 tuổi, quản lý khách hàng cho một ngân hàng. Ông xã cô bị bệnh, cô phải trả tiền nhà và chăm bố mẹ già, thu nhập của cô chỉ đủ cho cả nhà trang trải qua ngày. Khi COVID-19 ập đến, mọi người hầu như không tiêu xài gì.

Khoảng cuối tháng Năm, giám đốc gửi lời mời hẹn một cuộc họp qua Zoom. Cô mất ngủ tối hôm đó, cố đoán xem mình đã làm gì sai. Tuy nhiên, cô vẫn không nghĩ rằng họ sẽ cho cô thôi việc. Cuộc họp ngắn gọn và đúng thủ tục, 13 người bị cho thôi việc, trong đó 9 người là phụ nữ.

Jane nhận được trợ cấp nghỉ việc tương đương với vài tuần làm việc, và cảm thấy giận dữ vì một đồng nghiệp trẻ hơn vẫn được giữ lại. Cô đi phỏng vấn cho công việc mới nhưng không thành công, thị trường ngày càng khốc liệt. Cô không nghĩ do mình thiếu tự tin hay do tuổi tác. Bạn bè cô đã nghỉ hưu nhưng cô không thể làm tương tự. 

Thực tế, nghỉ việc ở tuổi 50 là một tổn thất lớn. Tại Anh, họ phải đợi đến 55 tuổi mới được lấy tiền hưu riêng, còn tiền hưu nhà nước thì phải đợi đến năm 67 tuổi. Đó là lý do tại sao nhiều người tự mở doanh nghiệp riêng dù nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức. 

Ali Mils-Jenkins mở dịch vụ BoomBoss, giúp phụ nữ trung niên bắt đầu xây dựng doanh nghiệp cho riêng họ. Cô tin rằng mất việc có thể biến thành lợi thế riêng. Cô cho rằng với kinh nghiệm, kiến thức họ tích lũy được theo năm tháng có thể được sử dụng để điều hành doanh nghiệp. Hầu hết các nữ học viên do cô đào tạo đều trở thành huấn luyện viên, nhà tư vấn, cố vấn, sử dụng những kinh nghiệm họ đang có.

Ali cho rằng phụ nữ trung niên nên mạnh dạn lấy cơ hội này để trở thành người chủ của chính mình. Bằng cách này, bạn sẽ có thời gian, thu nhập và địa điểm làm việc do mình tự chủ. Khi lớn tuổi, đây là những điều bạn cần quan tâm hơn cả.

Ngay cả khi điều này không thể trở thành hiện thực, nhà tâm lý tư vấn nghề nghiệp Paula Gardner khuyên phụ nữ tuổi trung niên có thể đổi nghề hoàn toàn, hoặc họ có thể trở lại trường đại học. Theo bà, nghỉ hưu sớm không nhất thiết là lựa chọn duy nhất. Nhiều người mở doanh nghiệp, được đào tạo lại, và họ đã hạnh phúc hơn nhiều so với công việc trước đó. 

Phan Quỳnh Dao (theo Stella)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI