Trên phạm vi thế giới, tin tức về làn sóng cắt giảm việc làm đang khiến người lao động lo lắng. Một khảo sát gần đây từ Forbes cho thấy 70% người Mỹ đang ráo riết chuẩn bị cho nguy cơ bị sa thải. Ngoài việc mất nguồn thu nhập, mất việc còn để lại vết thương sâu sắc về mặt cảm xúc, làm lung lay lòng tự trọng, thậm chí đẩy các mối quan hệ gia đình đến bờ vực tan vỡ.
Thực tế, các nghiên cứu chỉ ra rằng mất việc làm có liên quan chặt chẽ đến tỉ lệ ly hôn gia tăng bởi nó kéo theo hàng loạt vấn đề tài chính, tinh thần và bản sắc cá nhân, khiến vợ chồng dễ rơi vào khủng hoảng.
Vậy khi mất việc, làm sao để không mất luôn gia đình? Dưới đây là những phân tích chi tiết về tác động của mất việc và cách vượt qua, dựa trên góc nhìn thực tế từ Forbes.
 |
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Điều chỉnh chi tiêu, hỗ trợ tinh thần cho nhau
Trước hết, mất việc có thể gây tổn thương kéo dài hơn cả ly hôn. Khi một cuộc hôn nhân kết thúc, dù đau đớn, người ta thường tìm thấy lối thoát và dần lấy lại cân bằng sau thời gian chữa lành. Nhưng mất việc lại khác, nó mang đến cảm giác bế tắc không biết bao giờ mới chấm dứt, nhất là với những ai làm trong ngành đặc thù hoặc giữ vị trí cao - nơi cơ hội thay thế ít ỏi và quá trình tìm việc mới có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm.
Sự bất định này khiến các cặp đôi dễ rơi vào vòng xoáy căng thẳng. Người còn việc có thể bắt đầu bực bội vì phải gánh vác tài chính một mình trong khi người mất việc cảm thấy vô dụng, tự ti vì không đóng góp được gì. Tình trạng này kéo dài sẽ tạo ra khoảng cách, biến họ từ đồng đội thành đối thủ trong chính ngôi nhà mình.
Để vượt qua, vợ chồng cần ngồi lại với nhau, cùng đặt ra những kỳ vọng thực tế: bao lâu thì tìm được việc mới, cần điều chỉnh chi tiêu thế nào và làm sao hỗ trợ tinh thần lẫn nhau. Ví dụ, cặp đôi có thể thống nhất rằng trong 3 tháng đầu, người mất việc tập trung tìm cơ hội còn người kia đảm bảo chi tiêu gia đình, thay vì để sự lo lắng mơ hồ làm rạn nứt mối quan hệ.
Mất việc cũng làm lung lay nền tảng tài chính, đẩy gia đình vào vòng xoáy tranh cãi. Khi một nguồn thu nhập biến mất, hóa đơn vẫn đến đều đặn, từ tiền nhà, tiền học cho con đến các khoản sinh hoạt cơ bản. Sự chênh lệch giữa thu và chi nhanh chóng tạo ra tâm lý sợ hãi, dễ dẫn đến cãi vã, oán trách. Khi tiền bạc cạn kiệt, vợ chồng dễ đổ lỗi cho nhau thay vì cùng tìm cách giải quyết.
Nghiên cứu chỉ ra rằng có 54% người xem áp lực tài chính và nợ nần là lý do chính đáng để ly hôn. Mất việc như đổ thêm dầu vào lửa. Để tránh đổ vỡ, 2 người cần lập tức cùng nhau lập lại kế hoạch tài chính. Họ có thể xem xét ngân sách hiện tại, cắt giảm những khoản không cần thiết như ăn ngoài hay mua sắm, đồng thời tìm cách tăng thu nhập tạm thời, chẳng hạn bán hàng online hay làm thêm giờ. Sự minh bạch và hợp tác này giúp họ đứng chung một chiến tuyến thay vì quay lưng với nhau.
 |
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok |
Tìm lại giá trị bản thân ngoài công việc
Mất việc đánh thẳng vào lòng tự trọng và bản sắc cá nhân. Công việc không chỉ là nguồn tiền mà còn là nơi mang lại cảm giác tự hào, mục đích sống và sự công nhận từ xã hội. Khi mất việc, nhiều người cảm thấy như mất đi một phần chính mình, nhất là trong xã hội đề cao thành tựu nghề nghiệp như hiện nay.
Với phụ nữ, điều này càng phức tạp vì họ thường gắn bản thân với cả vai trò nghề nghiệp lẫn trách nhiệm gia đình. Mất việc có thể khiến họ tự trách mình là kẻ thất bại dù lý do sa thải nằm ngoài tầm kiểm soát. Hậu quả là họ dễ rơi vào lo âu, trầm cảm, thậm chí trở nên cáu kỉnh. Một người vợ mất việc có thể ngại giao tiếp, dần xa cách chồng trong khi người chồng không biết cách tiếp cận, khiến cả hai càng thêm cô đơn.
Để vượt qua, họ cần tìm lại giá trị bản thân ngoài công việc. Hãy thử quay lại sở thích cũ như vẽ tranh, làm đồ thủ công… hoặc tham gia tình nguyện ở địa phương để cảm thấy mình vẫn hữu ích. Đồng thời, nên thẳng thắn chia sẻ cảm xúc với người thân để nhận được sự đồng cảm. Ví dụ, một buổi nói chuyện chân thành như “Anh ơi, em thấy mình vô dụng từ khi mất việc” có thể mở ra sự thấu hiểu, giúp cả hai gần nhau hơn thay vì xa cách.
Mất việc là cơn bão lớn nhưng đừng để chúng cuốn trôi hạnh phúc gia đình. Dù tài chính khó khăn hay cảm xúc chênh vênh, chỉ cần đồng lòng, mái ấm vẫn có thể vững vàng trước sóng gió.
Thành Vinh (tổng hợp)