Mất trắng tài sản vì cho người quen... mượn đất canh tác

19/06/2018 - 17:42

PNO - Tin tưởng chỗ thân quen, bà Đỗ Thị Ngọc (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cho bà Trần Thị Sáu (ở cùng huyện) mượn đất canh tác. Vài năm sau bà Ngọc lấy lại đất thì “tá hỏa” phát hiện đất đã đứng tên bà Sáu.

Trong đơn gửi đến báo Phụ nữ, bà Đỗ Thị Ngọc phản ánh, cách nay 23 năm bà được UBND tỉnh Long An cấp 14.848m2 đất tại xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Sau đó, bà Ngọc cho bà Trần Thị Sáu là chỗ thân quen mượn đất canh tác. Năm 2002, nhà nước thu hồi một phần đất mở đường, diện tích thực tế khu đất chỉ còn 12.928m2.

Sau nhiều năm cho bà Sáu mượn đất, đầu năm 2008, bà Ngọc đến UBND xã Thạnh Lợi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì giật mình khi nghe nghe cán bộ xã thông báo thửa đất của bà đã được cấp giấy chủ quyền từ năm 2005. Quá ngạc nhiên vì bà chưa từng làm thủ tục đăng ký xin cấp giấy chủ quyền bao giờ.  Tìm hiểu, bà Ngọc không thể tin vào sự thật khi biết người đã âm thầm làm các thủ tục pháp lý chiếm đất của bà chính là bà Sáu, người bạn bà tin tưởng nhiều năm qua. 

Nghi ngờ bà Sáu giả mạo chữ ký, hồ sơ pháp lý để được cấp giấy chủ quyền, bà Ngọc khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Qua kiểm tra, chính quyền địa phương xác định khiếu nại của bà Ngọc là có cơ sở, đã ra quyết định thu hồi và hủy giấy chủ quyền do bà Sáu mạo danh đứng tên. 

Mat trang tai san vi cho nguoi quen... muon dat canh tac
Cho bạn mượn đất canh tác, giờ bà Ngọc phải lặn lội khắp nơi đi đòi lại đất

Thế nhưng, lúc này bà Ngọc chỉ giành lại được đất trên giấy, còn thực tế bà Sáu vẫn không chịu trả đất. Trong khi chính quyền địa phương dù đã thu hồi, hủy bỏ giấy chủ quyền đứng tên bà Sáu nhưng cũng không chịu giải quyết việc cấp giấy chủ quyền cho bà Ngọc dù tất cả hồ sơ, giấy tờ đều thể hiện bà Ngọc là “chính chủ” của thửa đất. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng không có biện pháp gì buộc bà Sáu phải trả lại đất cho bà Ngọc. Bức xúc, năm 2010, bà Ngọc khởi kiện bà Sáu ra tòa buộc trả lại đất cho mình. 

Sau ba năm “ngâm” hồ sơ, vụ kiện mới được đưa ra xét xử. Tại hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bà Ngọc khẳng định không bán đất cho ai và cũng không ủy quyền cho bất kỳ ai đứng ra bán đất. Còn bà Sáu khai mua đất của bà Ngọc từ bà H. nhưng lại không có bất kỳ giấy tờ pháp lý gì chứng minh bà Ngọc ủy quyền cho bà H. đứng ra bán đất cho mình. Trong khi đó, bà H. khẳng định, hoàn toàn không lấy đất của bà Ngọc đem bán cho bà Sáu. 

Thế nhưng, cuối cùng, hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm vãn lấy lý do căn cứ vào công sức bảo quản, tôn tạo đất của bà Sáu để tuyên cho bà này được tiếp tục sử dụng khu đất. Đồng thời tuyên cho bà Ngọc chỉ được nhận lại 580 triệu đồng (tương đương giá trị một nửa khu đất). Đặc biệt, số tiền này tòa phúc thẩm buộc bà H. phải trả vì cho rằng... bà này lấy đất bà Ngọc đem bán.  

Thắng kiện, bà Sáu nhanh chóng làm thủ tục đứng tên chủ quyền khu đất và đem bán cho người khác. Không thể chấp nhận hai bản án vô lý trên, bà Ngọc gửi đơn kháng nghị đến Tòa án nhân dân Tối cao (TAND). Qua xem xét bản án, cuối năm 2015, TAND Tối cao đã quyết định ra kháng nghị Giám đốc thẩm bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Long An. 

Đầu năm 2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM đưa vụ việc ra xét xử Giám đốc thẩm. Qua xem xét, Hội đồng giám đốc thẩm nhận định: “Bà Ngọc cho bà Sáu mượn đất. Bà Sáu thực tế thu hoa lợi trên đất của bà Ngọc trong nhiều năm nên việc tòa sơ thẩm, phúc thẩm cho rằng vợ chồng bà Sáu có công sức bảo quản, tôn tạo đất để từ đó tính công sức cho vợ chồng bà Sáu bằng 1/2 giá trị thửa đất là không có cơ sở chấp nhận”.

Ngoài ra, theo TAND Cấp cao tại TP.HCM, qua xem xét hồ sơ vụ án cho thấy, bà Ngọc không ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Sáu; không ủy quyền cho bà H. chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Sáu. Như vậy, tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm công nhận cho vợ chồng bà Sáu được quyền sử dụng phần đất bà Ngọc là trái luật. Cuối cùng, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, yêu cầu TAND tỉnh Long An đưa vụ kiện ra xét xử sơ thẩm lại từ đầu. 

Theo bà Ngọc, sau một thời gian dài “ngâm” án, vừa qua TAND tỉnh Long An cho biết dự kiến trong tháng 7/2018 sẽ đưa vụ việc ra xét xử lại.

Cần xem xét trách nhiệm của cán bộ cấp giấy chủ quyền sai trái 

Theo quy định việc cấp giấy chủ quyền luôn được thực hiện rất chặt chẽ. Người được cấp giấy phải có đầy đủ các giấy tờ pháp lý về nguồn gốc đất như: đất mua của ai, ai tặng cho hoặc được cơ quan chức năng nào cấp đất... Bên cạnh đó, người được cấp giấy chủ quyền phải chứng minh được quá trình sử dụng đất, đóng thuế đất... Trong vụ việc này, bà Sáu chỉ đóng vay trò là người sử dụng đất, không có bất kỳ giấy tờ pháp lý nào chứng minh thửa đất là của mình như nhận định của TAND Cấp cao tại TP.HCM nhưng vẫn được cán bộ cấp giấy chủ quyền, rõ ràng có vấn đề không minh bạch. Các cơ quan chức năng cần kiểm tra xử lý nghiêm. 

Luật sư Đoàn Việt Thắng - Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận   

Nguyễn Hiền 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI