Mặt trăng - nguồn cảm hứng khám phá của con người

09/09/2022 - 06:40

PNO - Trong nhiều thế kỷ, mặt trăng được nhân loại tôn kính trong các nền văn minh, tôn giáo và là nguồn cảm hứng cho nghiên cứu khoa học.

Vệ tinh linh thiêng

Các sứ mệnh Apollo của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hay chương trình Artemis mới đây tiếp tục phản ánh sự quan tâm lớn lao của con người đối với mặt trăng, vệ tinh tự nhiên duy nhất của trái đất.

Trái: Các nhà quan sát mặt trăng thời Trung cổ đã sử dụng bảng thiên văn này để lập biểu đồ vị trí các thiên thể. Phải: Điêu khắc hình mặt trăng ở vùng Tây Bắc Cộng hòa Séc, có niên đại 1.500 năm trước Công nguyên - ẢNH: NATIONAL GEOGRAPHIC
Trái: Các nhà quan sát mặt trăng thời Trung cổ đã sử dụng bảng thiên văn này để lập biểu đồ vị trí các thiên thể. Phải: Điêu khắc hình mặt trăng ở vùng Tây Bắc Cộng hòa Séc, có niên đại 1.500 năm trước Công nguyên - Ảnh: National Geographic

Các nền văn hóa đã theo dõi chu kỳ mặt trăng trong hàng chục ngàn năm và những ghi chép đó đã giúp xác định thời gian. Chu kỳ hoàn chỉnh của mặt trăng mất khoảng 29,5 ngày, khoảng gần một tháng dương lịch. Thuật ngữ month (tháng) cũng bắt nguồn trực tiếp từ moon (mặt trăng). Trong khi mặt trời là nền tảng của lịch Gregorian hiện tại, âm lịch theo chu kỳ mặt trăng vẫn là một phần không thể thiếu trong các nền tôn giáo và văn hóa Trung Quốc, Do Thái hay Hồi giáo.

Sự nổi bật của mặt trăng trên bầu trời đêm ảnh hưởng lớn đến nhân loại. Thần thoại Hàn Quốc minh họa mặt trời và mặt trăng với tư cách anh chị em hoặc bạn đồng hành của các loài. Người Hy Lạp cổ đại tôn thờ truyền thuyết lãng mạn Selene, cô gái chở mặt trăng trên cỗ xe của mình trên bầu trời mỗi đêm.

Người Trung Hoa tôn kính nữ thần Chang’e (Hằng Nga), chính là nguồn gốc quan trọng của dịp tết Trung thu hiện nay nhằm ghi dấu ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm: 15 tháng Tám âm lịch. Đối với Ai Cập cổ đại, mặt trăng lại là hiện thân của nam giới bởi các vị thần Khonshu và Thoth. Trong khi thần mặt trăng Chandra (hay Soma) của đạo Hindu được xem có quyền lực kiểm soát khả năng sinh sản.

Con người cũng đã xây dựng các công trình kiến trúc, như các vòng tròn thời kỳ đồ đá mới ở Scotland, các kim tự tháp ở Mexico, nhằm tôn vinh quả cầu rực rỡ trên bầu trời đêm. Mặt trăng lưỡi liềm và ngôi sao là biểu tượng gắn liền với đạo Hồi và được in trên cờ của một số quốc gia, như Thổ Nhĩ Kỳ, Libya, Pakistan…

Nghiên cứu khoa học cất cánh

Năm 1609, Thomas Harriot đã trình làng một thiết bị quan sát hình ống gồm thấu kính lồi và lõm. Qua đó đã phóng đại hình ảnh mặt trăng với những chi tiết mà mắt người chưa từng nhìn thấy. Hình ảnh những vùng tối mô tả cánh đồng dung nham bị đóng băng lâu năm trên mặt trăng đã được phác thảo bởi Thomas Harriot. Ngày nay, khu vực này được gọi là Mare Crisium - biển của mặt trăng. Các hiểu biết khoa học và phát triển trong nghiên cứu chị Hằng đều bắt đầu từ chiếc kính thiên văn sơ khai này.

Galileo Galilei cũng bắt đầu khám phá mang tính cách mạng của mình đối với người bạn đồng hành của trái đất. Với kính thiên văn thô sơ của mình, ông đã quan sát bóng tối di chuyển và thay đổi trên bề mặt trong chu kỳ 29,5 ngày của mặt trăng. Từ những quan sát của mình, Galileo hiểu rằng mặt trăng được bao phủ bởi những ngọn núi, miệng núi lửa, thung lũng và không hề bằng phẳng như niềm tin từ lâu của các triết gia.

Cho đến thời điểm đó, người ta vẫn cho rằng mọi thứ tồn tại trong vũ trụ đều quay quanh trái đất, tất cả các ngôi sao nằm cố định trên bề mặt “thiên đường”. Các nghiên cứu thiên văn của Galileo về mặt trăng, cùng với các khám phá sao Mộc, sao Kim, đã làm thay đổi quan điểm đó.

Quan sát mặt trăng, Johannes Hevelius đạt được những bước tiến lớn. Ông đã dành nhiều năm để vẽ lại hình ảnh chính xác hơn về những gì có thể nhìn thấy từ trái đất trên bề mặt chị Hằng. Ông đã xuất bản Selenographia vào năm 1647. Đó là tập bản đồ mặt trăng đầu tiên. Từ đây, chuyển động quay của mặt trăng được biết là theo một quỹ đạo hình elip quanh trái đất.

Và có lẽ lẫy lừng nhất trong thời đại chúng ta vẫn là các khám phá không gian của NASA. Từ năm 1958, các phi vụ thám hiểm không gian bao gồm nhiệm vụ đổ bộ lên mặt trăng của chương trình Apollo, trạm không gian Skylab, chương trình tàu con thoi, cho đến Trạm vũ trụ quốc tế ISS, tàu vũ trụ Orion, hệ thống phóng không gian SLS, chương trình Artemis lên kế hoạch đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng...

Các kết quả được ứng dụng trong đời sống nhờ quá trình khám phá không gian rất đa dạng trong quân sự, y học... và giúp nhân loại có những bước tiến khổng lồ với công nghệ số và sinh học. 

Nam Anh (theo National Geographic)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI