PNO - Những thiên thần áo trắng không chỉ có duy nhất cuộc chiến giành lấy sự sống, giành lấy sức khỏe cho bệnh nhân. Còn một cuộc chiến khác khốc liệt hơn mà họ chọn gánh vác: cuộc chiến giành lấy sự thật.
Cả thế giới vẫn đang từng ngày dõi theo thông tin về dịch COVID-19 nhưng đây không phải là đại dịch đáng sợ nhất đối với 7,7 tỷ người. Đại dịch không vi-rút nhưng tốc độ lây lan, gieo rắc nỗi sợ hãi, gây ảnh hưởng nặng nề với xã hội hơn cả chính là đại dịch thông tin. Trong dịch bệnh lần này, các chuyên gia truyền thông và nhân viên y tế, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân phải thừa nhận đây là lần đầu tiên, nhân loại đối diện với đại dịch thông tin lây lan qua phương tiện mạng xã hội. Họ gọi đại dịch này với tên “infodemic”.
Clip chia sẻ kiến thức về COVID-19 trên cổng YouTube của MedCram
Những thông tin thiếu chứng cứ, thiếu kiểm chứng, tin đồn thất thiệt xung quanh dịch bệnh COVID-19 đã khiến mọi thứ đi quá xa. Kiến thức y khoa họ nhọc công tích lũy cùng hàng ngàn giờ làm việc bỗng chốc hóa hư không sau hàng loạt cơn bão… tin giả. Người đứng ở tiền tuyến đấu tranh, không ai khác cũng là những nhân viên y tế. Họ nỗ lực vì sứ mệnh giữ lấy bình yên cho cộng đồng, tôn trọng khoa học và tôn trọng sự thật.
Không ai khác, các bác sĩ, chuyên gia y tế chính là những người có đầy đủ kiến thức để giải thích, trấn an mọi người. Họ đã vào cuộc. MedCram bấy lâu là kênh cung cấp kiến thức y khoa hữu ích cho cộng đồng. Trong dịch bệnh lần này, đội ngũ cộng tác viên gồm những bác sĩ lành nghề ở các quốc gia trên thế giới đã cùng chung tay với MedCram, nỗ lực giúp mọi người hiểu đúng về dịch bệnh, nhận thức được thực tế đang diễn ra như thế nào. Trên cổng YouTube của MedCram với 500.000 lượt theo dõi, gần 3 tuần nay mỗi ngày đều có những clip chia sẻ kiến thức liên quan phòng chống dịch COVID-19 do bác sĩ Roger Seheult thực hiện. Trung bình mỗi clip nhận đến hàng trăm ngàn lượt theo dõi.
Đây là con số không hề nhỏ đặt trong bối cảnh người dùng mạng bị nhấn chìm giữa biển thông tin giả, thông tin sai sự thật gây hoang mang. Bác sĩ Roger Seheult chia sẻ: “Mọi người tìm kiếm thông tin trên mạng, có khi họ nhận được thông tin giúp ích nhưng cũng có khi họ nhận được thông tin độc hại. Việc của chúng ta không phải là ngăn mọi người tiếp cận thông tin trên các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội. Mạng xã hội có thể trở thành một nguồn tin tích cực giúp lan tỏa thông tin chính xác về các triệu chứng, cách phòng chống cũng như cách thức hỗ trợ đến những người đang cần. Đó là góc độ lạc quan mà những người có chuyên môn đang hướng đến”.
Theo bác sĩ Roger, mạng xã hội không chỉ gieo rắc nỗi kinh hoàng, tin tức độc hại mà còn là công cụ giúp người dân nêu thắc mắc, từ đó các nhà chuyên môn có thể nắm bắt, phản hồi kịp thời. Khi dịch bệnh chưa bùng phát, kênh thông tin của MedCram không có nhiều lượt truy cập. Nhưng khi COVID-19 trở thành mối đe dọa thật sự đến sức khỏe cộng đồng, bác sĩ Roger cùng các đồng nghiệp đang cộng tác cùng MedCram liên tục nhận được thông tin nhờ hỗ trợ tư vấn của người dân. Bác sĩ Roger cho rằng, đây là lúc truyền thông mảng y tế cộng đồng cần phải nắm bắt cơ hội để hướng người dân theo luồng thông tin chính thống, giành lấy sự chú ý của họ khỏi những nguồn tin sai sự thật.
Sứ mệnh vì sự thật
Ý thức đối đầu và đẩy lùi tin giả trong y khoa không phải đến COVID-19 mới có. Bác sĩ sử dụng mạng xã hội giờ đây còn vì một sứ mệnh khác: dập tắt những thông tin sai lệch trong y khoa, gây hại cho cộng đồng. Austin Chiang là một trong số ấy. Anh biến thói quen sử dụng mạng xã hội Instagram và Twitter thành phương thức hỗ trợ cộng đồng. Tính tới thời điểm hiện tại, Austin là bác sĩ đầu tiên trên thế giới có chức danh trưởng phòng mạng xã hội y khoa tại mạng lưới Jefferson Health chăm sóc y tế ở Pennsylvania, Mỹ.
Nhiệm vụ của anh là kết nối các bác sĩ cũng như các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sức khỏe nhằm tạo nên mạng lưới thông tin vững chắc, đẩy lùi tin giả. Austin tốt nghiệp đại học Harvard chuyên ngành đào tạo liên quan hệ tiêu hóa. Trang Instagram cá nhân của anh có hàng chục ngàn người theo dõi, là nơi anh chia sẻ các kiến thức chuyên môn. Từ đó, Austin trở nên nổi tiếng và nhận được sự chú ý của cộng đồng cũng như các kênh truyền thông, khiến anh trở thành một trong những bác sĩ có sức ảnh hưởng nhất tại Mỹ.
Chia sẻ về quyết định trở thành “người nổi tiếng”, bác sĩ Austin cho rằng: “Chúng ta đang đối diện với khủng hoảng lớn nhất trong ngành chăm sóc sức khỏe - khủng hoảng thông tin. Nhiều bác sĩ, nhà chuyên môn chọn chỉ làm công việc chuyên môn tại bệnh viện. Họ không muốn xuất hiện trước công chúng vì nhiều lý do. Một trong những lý do khá phổ biến là họ ngại đưa ra những lời khẳng định vì một lời khẳng định nào đó có thể dẫn đến rủi ro trong tương lai”.
Đoạn clip về dịch COVID-19 do bác sĩ Mikhail Varshavski chia sẻ đã nhận được hơn 5 triệu lượt xem sau hai tuần
Bác sĩ Austin Chiang luôn sáng tạo trong việc nâng cao hiệu quả kết nối. Anh đang ấp ủ những dự án mới. Một trong số đó là đưa ra bộ hướng dẫn sử dụng mạng xã hội cho giới y khoa, tạo điều kiện cho họ tiếp cận công chúng, góp những thông tin quý báu hơn cho mọi người. Nhằm hiện thực hóa ý tưởng này, Austin cùng một số cộng sự đã lập nên Hiệp hội Mạng xã hội Y khoa với trang web https://ahsm.org/, khuyến khích sự tham gia của các bác sĩ, tạo cho họ không gian và động lực chia sẻ, biến những kiến thức hàn lâm trở nên dễ hiểu hơn và hoàn toàn có ích cho số đông.
Trên trang YouTube cá nhân, bác sĩ người Mỹ gốc Nga Mikhail Varshavski (được tạp chí People bình chọn là “Bác sĩ quyến rũ nhất” năm 2015) cũng đăng clip chia sẻ về dịch COVID-19. Bác sĩ Mikhail nhấn mạnh: “Ngoài kia có vô vàn thông tin sai sự thật. Bên cạnh đó còn có những thông tin là ý kiến chủ quan, không có thống kê khoa học nào nhưng được bơm thổi, khiến cộng đồng lo lắng, nghĩ đến một viễn cảnh vô cùng bi quan, u tối. Chính những dòng thông tin này sẽ dẫn dắt mọi người đưa ra quyết định vội vã, có thể ảnh hưởng xấu đến bản thân cũng như những người xung quanh. Sau hơn hai tuần đăng tải, đoạn clip trên đã nhận được hơn 5 triệu lượt xem.
Số ca nhiễm bệnh, số ca tử vong cũng là một trong những nội dung bị bóp méo trong dịch bệnh lần này. Phó giáo sư Lauren Gardner chuyên ngành kỹ thuật dân dụng thuộc Đại học Johns Hopkins tại bang Maryland (Mỹ) cũng đã vào cuộc. Lauren không phải là chuyên gia y khoa nhưng cô nắm rõ về kỹ thuật thống kê. Một trong những dòng tweet gây chú ý nhất của cô những ngày qua chính là dòng chia sẻ dữ liệu cập nhật mới nhất về số trường hợp nhiễm bệnh, tử vong. Lauren chia sẻ kèm lời nhắn gửi: “Chúng ta không nên tạo điều kiện cho nỗi sợ hãi vô căn cứ. Điều chúng ta nên làm là dõi theo thông tin từ nguồn đáng tin nhất có thể và bình tĩnh cùng hợp tác phòng chống dịch bệnh”.
Thế giới mạng không thiếu những thông tin chất lượng, đáp ứng kiến thức y khoa, là nguồn tham khảo hữu ích cho cộng đồng. Những người như bác sĩ Roger, Austin, Mikhail ngày càng xuất hiện nhiều hơn và đó là tín hiệu tốt cho cộng đồng giữa muôn trùng vây của tin giả.