COVID-19:

Mặt trận phía Tây không yên tĩnh

20/03/2020 - 14:13

PNO - Số ca nhiễm COVID-19 phía Campuchia có dấu hiệu tăng nhanh, khiến những người có trách nhiệm ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh thực sự lo lắng. Bến Cầu có 31,5km đường biên với nước bạn, trải dài qua 5 xã, 45.542 dân sống cặp theo 16 cột mốc chính và 59 cột mốc phụ, 1 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu phụ, 2 lối mở truyền thống.

Căng thẳng

8 giờ sáng ngày 17/3, ngôi chợ huyện vùng biên tấp nập người mua bán. Lò bánh mì thịt quay ở khu trung tâm chợ vừa ra mẻ mới. Mùi bánh nóng xộc vào mũi thơm lừng. Chúng tôi tấp vào mua vài ổ bánh rồi bước sang quán nước kế bên kéo ghế ngồi. Anh bạn đồng nghiệp kêu mấy lon nước tăng lực.

Bà Nguyễn Thị Gái chỉnh lại khẩu trang cho cháu gái. Bà là một trong số ít người dân thực sự quan tâm đến dịch COVID-19
Bà Nguyễn Thị Gái chỉnh lại khẩu trang cho cháu gái, bà rất lo trước dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ lan rộng

Bà Nguyễn Thị Gái, 50 tuổi, chủ quán nước, cẩn thận chỉnh lại khẩu trang cho cháu gái trước khi cô bé bước ra đường. Bà Gái cũng đeo khẩu trang cho mình, bà nói: “Ngộp lắm mấy chú ơi, mà phải đeo thôi. Cái bệnh gì mà sợ quá! Mấy ngày nay, ở đây có mấy người phải ở nhà rồi (cách ly - PV)”.

Theo ông Phan Văn Hòa - Phó chủ tịch huyện Bến Cầu, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, hàng ngày lượng khách xuất, nhập qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài khoảng trên 5.000 người; xuất nhập cảnh ở cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở khoảng 200 - 250 người; khoảng 350 - 400 xe container và 150 xe khách qua lại biên giới.

Nhưng giờ đang là mùa khô, ranh giới hai quốc gia có chỗ chỉ cách nhau cái bờ ruộng, các phương tiện giao thông rất dễ chạy qua nếu không được kiểm soát tốt.

Cũng theo ông Hòa, từ ngày có dịch COVID-19, lượng xe, người qua lại biên giới theo đường chính ngạch đã giảm gần 1/3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai nhiều phương án phòng chống trên toàn huyện, xã, khu dân cư… Nhưng nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có thể sẽ có nhiều người Việt Nam làm ăn, sinh sống ở Campuchia và cả du khách nước ngoài sẽ tập trung về Việt Nam. 

Báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Bến Cầu cho biết, tính đến ngày 16/3, đã có 32 người Trung Quốc, 14 người Hàn Quốc và 8 người Việt Nam được cách ly tại địa phương. Sức khỏe những người này hiện vẫn ổn định, chưa có trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19.

Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài cũng đã chuyển hơn 30 người nhập cảnh vào Việt Nam đi cách ly tại bệnh viện dã chiến - khu Trung tâm huấn luyện dự bị động viên K71 của tỉnh. Đồn cũng đã điều 100% quân số tham gia phòng chống dịch. Ngoài 2 trạm kiểm soát biên phòng hiện hữu, đơn vị cũng đã bố trí thêm 7 điểm cảnh giới để tuần tra, ngăn chặn nhập biên trái phép. Các đơn vị phối hợp kiểm soát đường biên mùa COVID-19 như công an, huyện đội cũng tăng cường tối đa nhân lực để hạn chế khả năng lây nhiễm virus từ biên giới.

Tuy nhiên, thượng tá Lê Văn Sơn, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu Mộc Bài vẫn không giấu được lo lắng khi tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp; tâm lý sợ bị cách ly có thể khiến một số du khách khai báo không đúng hành trình di chuyển, gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch.

Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài tăng cường kiểm soát tại các lối mở mới (Ảnh chụp tại chốt kiểm soát cột mốc 172)
Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài tăng cường kiểm soát tại các lối mở mới  - (Ảnh chụp tại chốt kiểm soát cột mốc 172)

Mối nguy được nhìn thấy

Những nỗ lực phòng chống dịch của các cơ quan chức năng huyện Bến Cầu là rất đáng ghi nhận. Nhưng mặt trận phòng chống COVID-19 ở vùng biên giới phía Tây không hề dễ dàng.

Chiều 17/3, đoạn đường từ ngã tư huyện lên Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, chúng tôi vẫn thấy rất nhiều xe ô tô biển số TPHCM đậu hai bên đường. Ước tính theo số đầu xe thì lượng khách qua lại biên giới và đi về trong ngày không dưới 200 người. 

Tại cửa khẩu, hầu hết khách làm thủ tục xuất nhập cảnh đều được kiểm tra y tế, đều sử dụng khẩu trang. Riêng lực lượng xe ôm thì vẫn vô tư lại, tới lui. Theo thống kê, ở đây có ít nhất 70 người hành nghề xe ôm đưa rước khách qua cửa khẩu. Họ được yêu cầu cam kết và thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch COVID-19, nhưng việc họ có đưa người trái phép qua biên giới hay không là điều đáng lo và được các cơ quan chức năng tập trung kiểm soát.

Ngày 18/3, Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia ra thông báo tạm thời ngừng hoạt động các cửa khẩu biên giới với Việt Nam.

Theo đó, việc nhập cảnh đến Campuchia của người dân Việt Nam và người dân Campuchia sang Việt Nam bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không sẽ bắt đầu ngưng kể từ 23g59 ngày 20/3/2020. Biện pháp này nhằm tránh gây khó khăn cho người dân Việt Nam cũng như người dân Campuchia bị cách ly sau thời gian sang Campuchia trở về nước.


Nguyễn Thiện

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI