Mặt trái của việc các trường đại học đua nhau mở ngành mới

28/12/2021 - 09:37

PNO - Suốt cả năm học 2021-2022 cũng như đề án tuyển sinh năm học 2022-2023 nhiều trường vừa công bố cho thấy ngành học mới mở ra liên tục. Với một số trường chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực, đây là tín hiệu tích cực. Song, với mặt bằng chung của giáo dục đại học hiện nay, việc các trường đua nhau mở ngành học mới lại dẫn đến nỗi lo về chất lượng cũng như hệ lụy về cơ cấu nguồn nhân lực trong tương lai.

Mở ngành để đón đầu nhu cầu thực tiễn

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), từ đầu năm 2020 đến ngày 30/7/2021, có đến 562 ngành đào tạo đã được mở. Trong đó chỉ có 149 ngành do Bộ GD-ĐT mở, các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) tự chủ mở đến 413 ngành. Các ngành mới như khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh, internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng, nghệ thuật số (digital art), robot và trí tuệ nhân tạo… được đánh giá là đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực mới và thu hút một lượng lớn người học. 

Năm 2022 cũng tương tự. Để phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong số bảy ngành sẽ mở của Trường ĐH Công nghệ TPHCM, đáng chú ý là nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ (robot và trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu). Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cũng mở thêm các ngành phục vụ sự phát triển của nền kinh tế - xã hội như: kinh tế tài nguyên thiên nhiên, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quản lý đô thị thông minh và bền vững, robot và hệ thống điều khiển thông minh. Việc các trường mở ngành mới cho thấy sự đa dạng hóa dịch vụ đào tạo. Điều đó còn tạo thêm sức ép cạnh tranh để các trường đổi mới liên tục. 

 

Sinh viên Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng trong giờ thực hành - ẢNH: PHÚC TRẦN
Sinh viên Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng trong giờ thực hành - Ảnh: Phúc Trần

Đa phần những ngành mới của các trường đều dựa trên nền tảng và thế mạnh vốn có. Tuy nhiên, không phải trường nào mở ngành mới cũng dựa trên những yếu tố then chốt đó - dù các ngành mới mở của họ đều là những ngành được dự báo sẽ cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong tương lai. Nhiều trường bắt đầu “lấn sân” sang lãnh địa mới. Mới đây, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM công bố đề án tuyển sinh năm 2022 gây chú ý khi mở ngành mới giáo dục mầm non. Ngành này được nhà trường mở ra trong bối cảnh giáo viên mầm non đang thiếu trầm trọng trên cả nước. Hay Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM mong muốn mở thêm ngành kinh doanh thời trang và dệt may…

Thừa nhân lực nghề "hot", thiếu nhân lực phục vụ khoa học cơ bản?

Việc các cơ sở giáo dục ĐH mở ngành “hot” để đón đầu là xu hướng tất yếu. Nhiều năm trước, từng có giai đoạn các ngành ngoại ngữ, kế toán, quản trị kinh doanh… được các trường đua nhau mở. Kết quả, sau nhiều năm, các ngành này đã bão hòa, thậm chí thừa nhân lực. Chưa kể chất lượng đầu vào giữa các trường có thế mạnh và truyền thống đào tạo so với các trường mới mở ngành có sự chênh nhau khá lớn. Ví như điểm trúng tuyển năm học 2021 ngành quan hệ công chúng đã và đang được nhiều trường hướng đến việc mở mới: Học viện Báo chí và Tuyên truyền từ 35,8 - 38 (trong đó điểm môn tiếng Anh thường là điểm quy đổi từ điểm IELTS); Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) từ 27 - 29,3. Cũng ngành này, điểm chuẩn Trường ĐH Hòa Bình là 15 - 16,5…

Trước thực trạng ồ ạt mở ngành mới dựa vào độ “hot” của thị trường nhiều hơn là năng lực đào tạo, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực - giáo sư Phạm Tất Dong đã khuyến nghị các trường cần hết sức cân nhắc, không nên mở ngành nếu chất lượng đào tạo không bảo đảm. Bởi sau vài năm sẽ thấy rõ sự ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, và lâu dài là ảnh hưởng đến quy hoạch ngành nghề.

Ông khẳng định, việc các trường mở ra những ngành mới khác xa với thế mạnh truyền thống, chuyên môn đào tạo của mình - rất khó mời được các chuyên gia giỏi nhất của ngành đó. Chưa kể, chạy theo nhu cầu của thị trường để mở ngành mới theo cách “ăn xổi” cũng sẽ dẫn đến “thiệt hại” cho chính nhà trường. Như chỉ tiêu năm 2021 hai ngành quan hệ công chúng, công nghệ truyền thông của Trường ĐH Hòa Bình là 50, nhưng thực tuyển chỉ 20, thậm chí năm 2020 thực tuyển là… 8. 

Việc các ngành “hot” ngày càng rộng cửa còn dẫn đến một hệ lụy khác: Cơ cấu nguồn nhân lực bị xáo trộn, vừa thừa vừa thiếu. Mùa tuyển sinh năm 2021 chứng kiến không ít trường hợp 30 điểm vẫn trượt ĐH; 61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên vẫn không trúng tuyển nguyện vọng nào.

Nhiều nguyên nhân đã được các chuyên gia phân tích, trong đó đáng chú ý là do sự dịch chuyển thị hiếu rất mạnh sang các nhóm ngành có liên quan tới công nghệ thông tin, kinh tế tài chính, và có yếu tố hợp tác quốc tế khiến cho điểm chuẩn của các ngành thuộc khu vực này đồng loạt tăng lên. Các nhóm ngành này của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng có mức điểm chuẩn tăng. Trái lại, điểm chuẩn những ngành đào tạo truyền thống đặc biệt có uy tín của trường này (kỹ thuật điện tử viễn thông, kỹ thuật điện, kỹ thuật điều khiển tự động hóa…) hầu hết lại giảm.

Trường ĐH Hàng hải có điểm trúng tuyển các ngành then chốt, đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nhân lực cho an ninh, kinh tế biển… thậm chí còn dưới mức trung bình 5 điểm/môn. Cả Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), các ngành toán, cơ, khoa học trái đất như địa chất, kỹ thuật địa chất, khí tượng, thủy văn, hải dương học… dù lấy điểm không cao và dù Nhà nước luôn cần nhân lực giỏi trong các lĩnh vực này nhưng vẫn rất khó tuyển sinh. 

 

Phải kiểm soát chất lượng 

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam, cho rằng, quan trọng không phải là việc các trường ĐH mở thêm nhiều ngành mới mà là phải kiểm soát chất lượng chương trình, đội ngũ giảng viên và điều kiện đào tạo. Khâu chuẩn bị không tốt thì khó bảo đảm đầu ra, chất lượng lao động chắc chắn bị ảnh hưởng. Do đó, Bộ GD-ĐT cần kiên quyết kiểm soát các trường, không để tình trạng mở ngành mới tăng quá nhanh, thiếu quy hoạch. Bộ cũng cần yêu cầu các trường nắm tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm để biết được thực trạng thừa - thiếu, từ đó điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh với năm kế tiếp. 

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI