Hồng Liên tìm đến tôi khi gặp một băn khoăn trong công việc. Cách đây vài tháng, Liên được một doanh nghiệp mời làm việc cho một dự án vì cộng đồng. Đó là một dự án từ thiện rất ý nghĩa. Liên lập tức nhận lời nhưng kiên quyết không nhận thù lao. Lý do Liên đưa ra là cô muốn được đóng góp sức mình phục vụ cộng đồng.
Lòng tốt “quá liều”
Công việc tiến hành được một thời gian thì Liên thấy bất ổn vì hầu như không nhận được một phản hồi nào về chất lượng công việc. Liên luôn chờ đợi nhà đầu tư đồng hành bằng cách góp ý, nêu yêu cầu cụ thể theo thực tế công việc. Nhưng tuyệt nhiên không. Khi họp bàn, phía nhà đầu tư chỉ nói về quyền lợi của các cộng tác viên và tiếp tục thuyết phục Liên… nhận lương.
|
Nếu lòng tốt "quá liều", nó chưa chắc đã còn là tốt. Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Mỗi cuộc họp qua, Liên đều trở về với cảm giác thất vọng. Chị thấy lạc lõng và rời rạc khi không nhận được tương tác trong từng việc chị làm… Liên hỏi tôi: “Tôi đã làm vô điều kiện, nhưng họ có vẻ không mặn mà với sản phẩm”.
“Chị muốn tập trung vào công việc, nhưng họ quan trọng cả hai: công việc và quyền lợi của nhân sự, thì mong muốn nào cần được ưu tiên?”, tôi hỏi. Liên đang suy nghĩ, tôi liền nói thêm: “Có thể chính vì chị không nhận lương nên họ rất khó góp ý hay đòi hỏi chị phải cải tiến
công việc”.
Liên phân trần: “Chị chỉ không nhận lương vì chị muốn làm trong tâm thế cho đi…”. “Vậy sao chị lại ngăn cản khi người ta cũng muốn cho đi? Chị muốn cho họ chất xám của chị, còn họ muốn cho chị chút quyền lợi trong khả năng của họ?”, tôi hỏi.
Đến đó, Liên nhận ra dường như chị đã ích kỷ trong việc kiên quyết làm theo ý mình, dù là với một mục đích tốt. Và cả hai bên đều gặp khó khăn khi quan hệ đối tác đã bị phá vỡ từ đầu với yêu cầu “không quyền lợi” của Liên.
“Cái bẫy” hy sinh
Câu chuyện công việc của chị Liên tưởng chỉ thuần túy công việc, nhưng nó lại chứa bản chất của cán cân cho - nhận trong mọi mối quan hệ đời sống.
Rất nhiều chị em đang vào vai chị Liên, cũng bắt đầu công việc trong hào hứng, cống hiến hết mình và tận tụy cho đi. Trong khi đó, quan hệ gia đình luôn cần sự cân bằng, tối thiểu là cân bằng trong thiện chí. Gia đình nơi người ta yêu thương và cùng đóng góp cho cuộc chung sống.
Vậy nên, khi bạn tận tụy làm hết phần việc của mọi người, bạn đã góp phần phá vỡ quan hệ gia đình đúng nghĩa.
Đối tác của chị Liên là những người chuyên nghiệp và kinh nghiệm, họ từng bước từ chối điều đó để điều chỉnh mối quan hệ về đúng trạng thái của nó.
Nhưng “đối tác” trong gia đình thường không sáng suốt đến vậy - họ là chồng, là con, là những người không đủ tinh tế để biết từ chối những hy sinh quên mình từ vợ, từ mẹ họ. Họ đôi lúc còn trẻ con, lười biếng và buông thả để mặc cho những hy sinh đó nuôi nấng đời mình.
Để đến khi mối quan hệ chồng-vợ, mẹ-con bị chuyển sang mối quan hệ giữa người hy sinh - người nhận thì bi kịch nảy sinh. Tôi từng nghe rất nhiều phụ nữ tuyệt vọng nói rằng: “Tôi đã tận tụy hết mình, nhưng lại không được gì cả”.
|
Gia đình cần sự đóng góp hơn là sự hy sinh hay mang ơn. Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Nhưng họ đã tận tụy vì điều gì: tận tụy tương tác trong mối quan hệ vợ-chồng, mẹ-con, hay chỉ tận tụy hy sinh theo cách của họ? Họ đã hết lời nói về nỗi lòng của một người đàn bà, hay là nỗi thống khổ tận cùng của một người hy sinh mà không được đền đáp?
Thường, chị em sẽ không đối diện mâu thuẫn với chồng con với tư cách một người mẹ, người vợ đúng nghĩa, mà với tư cách một người đã chịu nhiều thiệt thòi. Câu hỏi được đặt ra luôn luôn là: “Em đã vì anh/mẹ đã vì con mà làm điều a, điều b, sao anh/con lại…?”. Đó là chất vấn của một “người có công”, nó không đánh thức một tình yêu thương và sự tương tác tự nguyện, mà nó kêu đòi sự trả ơn.
Về phía còn lại, nếu bạn là một người chồng, bạn có thể chân thật bày tỏ ý kiến khi cần, dù là ý kiến trái chiều với vợ. Nhưng một khi bạn đã là một kẻ chịu ơn, tâm thế sẽ khác. Hơn nữa, một khi đã sống trong sự phục vụ quên mình của người khác, làm sao bạn học được cách sống cho đúng vị trí người chồng, càng không thể biết sống cho vừa với kỳ vọng về một kẻ chịu ơn?
Lúc đó, đối thoại gia đình dễ trở nên bế tắc. Người hy sinh thấy bất hạnh vì không được đền đáp. Kẻ nhận cũng khốn cùng với những ràng buộc tinh thần trong vai một kẻ chịu ơn.
Mọi người đều có cơ hội đóng góp
Vậy, ta cần làm gì để thoát khỏi kịch bản đó?
Nếu bạn đang là “những đứa trẻ trong gia đình”, hãy cẩn thận với sự hy sinh của người thân, đừng chỉ nhận một chiều mà hãy đóng góp những gì mình có thể.
Nếu bạn đang kiệt sức vì tận tụy hết mình mà vẫn không nhận được tương tác phải phép từ người thân, hãy bắt đầu lại bằng một cuộc trò chuyện không có “di chứng của sự hy sinh”.
|
Cần cho các thành viên gia đình cơ hội đóng góp vào cuộc sống chung. Ảnh: Rawpixel.com |
Hãy ngừng nhắc về công lao. Hãy cho người khác cơ hội được đóng góp. Chia việc, chia trách nhiệm thì không dễ - nhưng luôn dễ hơn việc kêu đòi phải được sống trong sự ghi công, biết ơn của người khác.
Hãy lên tiếng, bàn bạc, chia sẻ để chồng con cùng cân đối và chia việc. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, để cho những thành viên cơ hội đóng góp. Nếu họ chưa tự nguyện, hãy giúp họ làm quen.
Tình yêu thương và lòng biết ơn không nhất thiết phải đến từ sự hy sinh quên mình. Nó cần phải đến từ những tương tác đúng nghĩa giữa những con người. Trong một gia đình, những đóng góp càng cần thiết ai cũng thấy mình có phần.
Một tình yêu và sự biết ơn nảy nở tự nhiên như thế mới làm con người ta thăng hoa và hạnh phúc, chứ không phải một tâm lý chịu ơn phải quỵ lụy mang vác đến hết đời…
An Na