Mặt trái bệnh hoạn và đáng thương của đời sống 'ảo'

14/04/2017 - 07:00

PNO - Cúng bái tổ tiên trên 'Face', cưới ảo trên mạng xã hội... cho thấy thực trạng đáng thương của nhiều người khi phải neo mình vào một đời sống không thật.

Trong xã hội hiện đại, mọi người cố gắng tiết kiệm thời gian bằng cách bắt robot thực hiện công việc hàng ngày, hay tận dụng đường truyền internet để khắc phục trở ngại về khoảng cách.

Thế nhưng, sự ỷ lại vào công nghệ dần thay đổi cả truyền thống và những nét đẹp tinh thần tồn tại bao đời nay.

Mat trai benh hoan va dang thuong cua doi song 'ao'
Liệu ôm chú robot Paro có thực sự làm người phụ nữ này hạnh phúc ở tuổi xế chiều?

Vào dịp Thanh minh vừa qua, nhiều người Trung Quốc không còn tự đến tảo mộ người thân mà thay vào đó, họ nhờ cả vào công nghệ và dịch vụ.

Một nghĩa trang ở Nam Kinh “thức thời” đưa ra dịch vụ đặc biệt dành cho những gia đình bận rộn: nếu thân nhân không thể đến tảo mộ, nhân viên của nghĩa trang sẽ quét dọn, lau chùi giùm mộ phần.

Đồng thời, họ cũng thắp hương, cắm hoa, để bánh trái lên viếng người đã khuất và truyền hình ảnh trực tiếp buổi lễ đến gia đình thông qua ứng dụng WeChat.

Nhiều khu nghĩa trang lập các trang web tưởng nhớ trực tuyến, nơi người thân có thể tỏ lòng tôn kính tổ tiên bằng cách đốt nhang ảo và mua quà ảo với giá vài nhân dân tệ hoặc miễn phí.

Một số nơi gắn bảng mã QR trên các bia mộ để khi quét mã bằng điện thoại, trang web tưởng niệm có ảnh và video của những người quá cố sẽ hiện lên.

Các mã vạch gồm nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như nhãn dán, tấm thẻ bằng đồng hoặc thẻ nhựa với mức giá trung bình 436 USD.

Nghĩa trang Changqing ở Bắc Kinh thậm chí còn loại bỏ ngôi mộ thực tế và đem tro của người đã khuất bỏ vào trong một chiếc bình hữu cơ, sau đó gửi mã QR cho gia đình như một loại mộ ảo.

Đây là cách tiết kiệm không gian mới nhất ở Trung Quốc, nơi các nhà chức trách đang dần loại bỏ phương pháp chôn cất truyền thống.

Việc thuê mướn dịch vụ dọn mộ ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây, nhưng cũng vấp phải không ít lời chỉ trích từ xã hội vì làm mất đi sự thành kính của lễ Thanh minh.

Peter Kuang, một kỹ sư phần mềm 36 tuổi, lên tiếng: “Theo truyền thống, nấm mộ là nơi an nghỉ của người đã khuất. Ngay cả khi không tin vào kiếp luân hồi, mộ phần là nơi bạn quỳ gối, thắp nhang và khấn vái tổ tiên, không phải để cầu xin phước lộc hay thực hiện nghĩa vụ mà là nhằm tỏ lòng tôn kính”.

Thực tế, quá trình hiện đại hóa và cuộc cách mạng kỹ thuật số đang dần làm phai mờ ý nghĩa của nhiều truyền thống dân tộc, đặc biệt là tết Nguyên đán và tết Trung thu.

Bên kia bán cầu, nước Mỹ cũng chật vật vì tỷ lệ ly hôn ở nhóm người trên 50 tuổi đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990 đến nay. Hôn lễ, vốn được xem là sự kiện gắn kết thần thánh giữa hai con người, giờ đây cũng có thể tiến hành thông qua mạng internet.

Chẳng cần trao nhẫn cưới, chẳng cần tiệc rượu, chỉ cần hai người trong cuộc đồng ý kết hôn, lập một phòng tiệc ảo và mời ít nhất hai bạn bè đến dự để làm chứng cho buổi lễ.

Theo cuộc khảo sát của Công ty David’s Bridal vào năm 2013, 49% phụ nữ cho biết họ sẵn sàng kết hôn qua Skype để tiết kiệm tiền bạc và thời gian chuẩn bị cho lễ cưới. Từ đó, các chuyên gia xã hội quan ngại rằng, cuộc hôn nhân qua mạng cũng sẽ chóng đến, chóng đi và càng góp phần làm tăng tỷ lệ ly hôn ở Mỹ, vốn đang ở mức xấp xỉ 40%. 

Tuy nhiên, dù sao thì phụ nữ tại Mỹ cũng còn có quyền tự do lựa chọn ly hôn cho mình, chứ không như tại Dubai, một người đàn ông có thể ly hôn vợ mình theo luật Hồi giáo chỉ bằng cách gửi ba lần tin nhắn “Tôi ly dị cô” mà không cần nêu bất kỳ lý do nào.

Trước đây, trẻ nhỏ được cha mẹ, thầy cô nuôi dạy hay người già được con cháu chăm sóc vốn luôn là niềm tự hào của văn hóa Á Đông. Thế nhưng bây giờ, công việc này cũng được dành cho robot.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2016, người máy KeeKo xuất hiện trong khoảng 200 trường mẫu giáo ở Bắc Kinh, Chiết Giang và Giang Tây. Chú robot tương tác với trẻ nhỏ bằng cách chơi trò chơi, hát, nhảy múa, đọc truyện, trò chuyện, thậm chí làm toán.

Từ đó, nhiều phụ huynh quan ngại liệu con em họ có phát triển được cảm xúc, hành vi mang tính “người” hay chỉ như được xem một đoạn slideshow trình chiếu bài giảng vô tri. 

Còn đối với những người lớn tuổi tại Nhật Bản, ôm trong tay chú robot hải cẩu tên Paro với bộ lông êm ái màu trắng có giúp họ hạnh phúc, hay lại càng cảm thấy cô đơn? 

Truyền thống là những điều tốt đẹp tạo nên văn hóa và sự gắn kết cộng đồng chứ không phải một dạng nhiệm vụ cho mỗi cá nhân. Công nghệ có thể giúp con người thực hiện công việc hàng ngày, nhưng không thể thay thế được bản sắc truyền thống.

Bảo Tùng (Theo BBC, SCMP, Consumer Affair, ABC) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI