edf40wrjww2tblPage:Content
Nỗ lực truy tìm trẻ... tự mất tích
Để xử lý một vụ mất tích, lực lượng công an địa phương gần như phải tung hết trinh sát đi nắm bắt thông tin (trong ảnh: Công an Q.Tân Bình giải cứu một trường hợp bị bắt cóc)
Ngày 30/3, Công an Q.12, TP.HCM cho biết, ông Trần Văn Quân, trú Q.12 đến Công an P.Tân Chánh Hiệp, Q.12 trình báo về việc con trai ông là Trần Văn Sơn, bị mất tích từ 25/3.
Ngày 28/3, chị Đồng Thị Trà, 22 tuổi, trú Q.Gò Vấp, TP.HCM đến Công an P.17, Q.Gò Vấp trình báo việc em gái là Đồng Thị Thu mất tích từ 19/3.
Cả hai trường hợp trên đều chưa lần ra manh mối nạn nhân. Hiện, lực lượng trinh sát của hai quận trên đã vào cuộc truy tìm.
Tại Q.Tân Bình, TP.HCM, chỉ trong hai ngày 21 và 22/3, công an quận đã tiếp nhận và xử lý thông tin ba vụ “mất tích”. Thượng tá Lê Hoàng Châu, Phó trưởng Công an Q.Tân Bình cho biết, lực lượng công an tung nhiều quân, tỏa khắp nơi để tìm kiếm nạn nhân. Các trinh sát căng như dây đàn để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Kết quả tìm kiếm, cả ba trường hợp ở Q.Tân Bình đều… chủ động “mất tích”.
Vụ thứ nhất: do sợ ba mẹ la mắng vì điểm kém, em H.T.D. (SN 2002) đã rủ em gái là bé H.N.P.M. (SN 2008, cùng ngụ Q.Tân Bình) bỏ đi… thuê khách sạn ở. Sau khi tiếp nhận thông tin từ công an phường, Công an Q.Tân Bình ngay lập tức ra thông báo truy tìm (kèm ảnh hai bé) gửi công an các quận, huyện, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP.HCM, đồng thời cơ quan này tung gần như toàn bộ lực lượng trinh sát cùng sự tham gia của công an các phường suốt hai ngày để tìm tung tích của hai anh em H.T.D.
Vừa tìm được hai anh em H.T.D., chưa kịp thở phào thì Công an Q.Tân Bình lại nhận được thông tin em L.N.M.Đ. (SN 2001, học sinh lớp 7, Trường Ngô Quyền, Q.Tân Bình) đi học mà không thấy về. Nhiều trinh sát của đơn vị này lại vào cuộc và sau năm giờ tìm kiếm, phát hiện ra cháu Đ. đang… chơi game tại nhà bạn.
Cũng trong thời điểm này, Công an Q.Tân Bình nhận được tin báo về một nữ sinh 17 tuổi bị một người đàn ông lạ mặt đưa đi. Gia đình cô gái cho biết, nữ sinh này rất ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ… Tung quân đi tìm kiếm, các trinh sát “té ngửa” khi phát hiện nữ sinh này đang ở trong nhà một người bạn trai. Cô gái tỉnh queo trả lời: “Con thương ảnh nên con… tự đến đây”!
Thấy V.T.H. (học lớp 7) rời nhà, vợ chồng ông V.X.C. (ngụ Q.Gò Vấp), cứ nghĩ con đi học giáo lý tại nhà thờ như thường lệ. Thế nhưng, cả ngày và đêm hôm đó, H. bặt tăm. Ông bà C. tá hỏa khi biết H. không đến nhà thờ vào sáng hôm ấy. Khi trình báo công an, gia đình nói H. rất ngoan ngoãn, lễ phép. Mấy tháng gần đây, cậu đột nhiên thay đổi, có nhiều biểu hiện lạ như đi sớm, về muộn, hay mệt mỏi... Tuy nhiên, khi bị cha mẹ la mắng, H. lại ngoan ngoãn xin lỗi và hứa sẽ thay đổi, cố gắng học tập chăm chỉ. Trong khi cơ quan công an đang miệt mài phá án thì bỗng dưng H. thất thểu trở về nhà lúc giữa đêm.
Theo lời H. kể, khi em đi ngang qua nghĩa trang gần nhà thì bị hai thanh niên bắt trói và dẫn đi rồi bị bỏ đói nhiều ngày trong một ngôi nhà. Sau đó, lợi dụng sơ hở của kẻ xấu, H. bỏ trốn và được một người chạy xe ôm tốt bụng chở về nhà… Nghe câu chuyện ly kỳ của H., vợ chồng ông C. nửa tin nửa ngờ. Đến khi công an khai thác thì H. lí nhí cho biết, vì chơi game với bạn hết tiền, sợ bị cha mẹ la mắng nên… tự mất tích.
Vợ chồng ông N.V.B., ngụ đường Phan Huy Ích, Q.Tân Bình, TP.HCM, cũng phải bỏ việc nửa tháng để truy tìm con trai là N.H.T. (học sinh lớp 8) bỗng dưng mất tích. Thấy T. không về nhà, vợ chồng ông cứ nghĩ con mê chơi. Song, chờ hai-ba ngày vẫn không thấy T. về, ông bà hốt hoảng đến công an khóc lóc cầu cứu. Trong khi cơ quan công an tích cực tìm kiếm T. thì em đã tự về nhà trong tình trạng sức khỏe suy kiệt. Sau khi tìm hiểu thì thời gian qua T. bị “mất tích” trong… tiệm net.
Hai học sinh lớp 7 bỏ nhà đi bụi vì bị bố mẹ la mắng
Liên kết gia đình - nhà trường: lỏng lẻo
Thượng tá Lê Hoàng Châu cho rằng, gia đình và nhà trường cần sâu sát trong việc quản lý các em. “Trong vụ hai anh em D. bỏ nhà đi, nếu nhà trường phối hợp chặt chẽ hơn, thông báo kịp thời với gia đình về tình hình học tập của D., thì sẽ ít khả năng D. rủ em gái bỏ nhà đi. Công an Q.Tân Bình đã đề nghị UBND Q.Tân Bình chỉ đạo Phòng GD quận cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, đồng thời cảnh báo những khả năng các em có thể “mất tích” vì những lý do như: học kém sợ ba mẹ la mắng, hay ham chơi game…” - Thượng tá Châu cho biết.
Ông Nguyễn Quốc V., phụ huynh học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) Q.7 bày tỏ bức xúc với Báo Phụ Nữ: “Ngày Quốc tế Phụ Nữ 8/3, nhà trường cho học sinh nghỉ học không thông báo gì nên tôi vẫn đưa con đi học như bình thường và đến 11g20 đến đón thì không thấy con đâu, sân trường vắng tanh. Lúc đó mới biết vì ngày lễ nên trường cho học sinh nghỉ sớm. Chờ đến trưa vẫn không thấy con về, cả nhà tìm kiếm khắp nơi. Đến chiều con mới về nhà và cho biết được nghỉ học sớm nên đi chơi với bạn…”.
Thực tế, học sinh càng lớn thì mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình càng lỏng lẻo, không còn việc đưa con đến tận lớp, trả trẻ tận tay phụ huynh. Học sinh THPT tự đi học, tham gia học nhóm, học thêm... có rất nhiều cơ hội để các em “bùng” đi chơi.
Ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) nói: “Có nhiều cha mẹ vì quá bận rộn nên thiếu quan tâm đến việc con chơi với ai, có những sở thích gì. Trường tan học cả tiếng mà nhiều phụ huynh vẫn chưa đến đón con. Nếu quan tâm đến con và bình tĩnh hơn, khi thấy các cháu về không đúng giờ thì phụ huynh có thể gọi điện thoại đến hàng xóm và những người bạn thân để xác định cháu có đi chơi cùng bạn hay không. Nếu biết con có sở thích chơi game thì có thể tìm kiếm ở các tiệm net trước... Nhà trường rất khó để quản việc các bé làm gì sau giờ tan học. Lịch học hầu như cố định trong suốt học kỳ, giáo viên có nghỉ đột xuất thì vẫn có giám thị giữ trật tự lớp và liên lạc thông báo cho phụ huynh biết. Khi trò có điểm kém hoặc biểu hiện sa sút, giáo viên chủ nhiệm đều trao đổi với phụ huynh để tìm nguyên nhân. Sổ liên lạc điện tử cũng là một giải pháp để phụ huynh bận rộn có thể theo dõi tình hình của con khi ở trường”.
Ông Phan Minh Khoa, Phó giám đốc TTGDTX Chu Văn An (Q.5, TP.HCM) nói: “Học trò có rất nhiều “chiêu” để cúp học đi chơi. Đang học, có em than bệnh rồi hai em khác xin phép giúp bạn đưa bạn về nhà để cúp chung cả nhóm. Với những trường hợp này, giáo viên phải có cách. Học sinh bệnh thì yêu cầu lên phòng y tế để khám chứ không cho về ngay, nếu muốn về thì giáo viên gọi điện thoại cho người nhà vào đón. Muốn xin nghỉ học phải có ý kiến phụ huynh, em nào nghỉ quá so với phép thì giáo viên chủ nhiệm phải liên lạc phụ huynh để có thông tin”.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Thịnh, Công an Q.Gò Vấp, thông tin đánh giá ban đầu là rất quan trọng, người dân không nên vì quá hoảng loạn về người thân mà trình báo quá sự thật. Điều đó vô tình dễ dẫn đến đánh giá thông tin ban đầu sai với bản chất vụ việc, và vô tình tạo lên áp lực cho công an trong quá trình điều tra, truy tìm.
Hải Dương - Gia Tuệ