PNO - PN - Trong vụ xử ly hôn tranh chấp tài sản của thầy giáo Nguyễn Đăng Khoa (*, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, Long An) và vợ là bác sĩ Đỗ Thị Kim Ánh, chị Ánh ngồi đơn độc, lặng lẽ trong khi dãy ghế bên kia là đông đảo...
edf40wrjww2tblPage:Content
Đất hương hỏa có chia cho vợ?
Đất anh Khoa - chị Ánh tranh chấp gồm hai phần: đất ở và đất ruộng, tổng giá trị khoảng hai tỷ đồng. Theo anh Khoa, anh chị cưới nhau vào năm 1987, chẳng bao lâu sau thì vợ chồng hục hặc, bất hòa. Chị tự bỏ đi, vài tháng sau lại quay về. Do không vừa ý con dâu, mẹ anh Khoa đã cất căn nhà lá cho vợ chồng anh ở trong khu đất của gia đình để khỏi vào ra chạm mặt, mích lòng; đồng thời tạo điều kiện cho anh hàn gắn hôn nhân. Năm dài tháng rộng, khi căn nhà lá được vợ chồng anh xây thành nhà tường, chị thúc ép anh đăng ký chủ quyền để tránh nhập nhằng, rắc rối về sau nhưng anh nói mẹ chỉ cho vợ chồng ở nhờ trên đất chứ không phải cho luôn, hơn nữa, nhà có đến 11 anh em, không thể độc chiếm.
Bất đồng trong vấn đề tài sản cộng với mâu thuẫn về quan điểm sống, đợi khi Kim Huyền, con gái duy nhất vào đại học, năm 2012, anh Khoa nộp đơn ly hôn. Anh khẳng định, nguyên do ly hôn vì chị là bác sĩ mà không đoái hoài săn sóc cha mẹ chồng bệnh tật nhiều năm. Vai trò của chị trong gia đình chồng chỉ là con số 0, thậm chí số âm. Không hiếu thảo đã đành, có lần, chị còn tìm mọi cách ngăn trở, không cho anh sang nhà mẹ lo ngày giỗ. Khi anh đề nghị ly hôn, chị cũng chấp nhận ngay vì không tìm được hạnh phúc với người chồng vô tâm, rượu chè bê tha, gây nợ nần, lại có khi rượt đánh vợ. Nhìn về nhau, cả hai đều thất vọng “chạm đáy”.
Tòa sơ thẩm chấp nhận cho anh Khoa - chị Ánh ly hôn vào tháng 8/2012. Tuy nhiên, thay vì vẫn ở khu tập thể của bệnh viện như trước đây thì ngay sau khi ly hôn, chị Ánh lại dọn về nhà ở, đồng thời nộp đơn kháng cáo, tiếp tục tranh giành tài sản. Cấp sơ thẩm đã nhìn nhận phần đất ở do mẹ anh Khoa đứng tên trên giấy tay là tài sản thừa kế của 11 anh em nhà anh Khoa và chỉ chia cho chị Ánh 10% giá trị do có công sức đóng góp trong việc tu bổ.
Nhưng, tòa án cấp phúc thẩm - TAND tỉnh Long An lại phán quyết đó là tài sản mẹ anh Khoa cho hai vợ chồng: “Thời điểm năm 1990, việc tặng cho quyền sử dụng đất bằng giấy tờ, lời nói hay hành vi đều được công nhận như nhau. Từ năm 1990 đến nay, vợ chồng đã cất nhà kiên cố trên đất này, không ai tranh chấp, mẹ anh Khoa cũng không có ý kiến phản đối. Khi còn sống, bà không kê khai đăng ký thửa đất này, trong khi vợ chồng anh đã sử dụng liên tục và anh Khoa có tên trong sổ mục kê. Điều đó cho thấy mẹ anh Khoa có ý cho luôn vợ chồng anh phần đất này”.
Anh Khoa bức xúc vì cho rằng mẹ già yếu, chữ nghĩa lại không thông nên nhờ anh đứng tên sổ mục kê để thuận tiện trong việc đóng thuế. Việc đứng tên này không có giá trị pháp lý đối với quyền sử dụng đất để tòa có thể xác định đất này là của vợ chồng anh, đồng nghĩa với phủ định quyền lợi của 10 anh em còn lại.
Tương tự, phần đất lúa, dù mẹ đã tách sổ hẳn hoi cho bốn người con trai dành hương hỏa, thừa tự và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ đề tên anh Khoa chứ không đề tên hộ gia đình, nhưng cả cấp sơ thẩm lẫn phúc thẩm đều xác định đó là tài sản chung của vợ chồng anh Khoa vì được tặng cho trong thời kỳ hôn nhân mà anh lại không chứng minh được mẹ cho riêng mình.
Không khí căng thẳng xuyên suốt phiên tòa phúc thẩm tranh chấp tài sản khi ly hôn của anh Khoa - chị Ánh
Đâu nghĩ có ngày hôm nay!
Trường hợp tranh chấp tài sản thừa kế mà chữ “riêng” có giá đến bạc tỷ như anh Khoa - chị Ánh không hề hiếm. Để tránh rắc rối phát sinh, luật sư Vũ Thị Hoài Vân (Trưởng văn phòng trợ giúp pháp lý cho phụ nữ số 6 TP.HCM thuộc Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp) khuyến cáo, khi chia tài sản cho con, cha mẹ cần xác định rõ là chỉ cho riêng con hay cho cả vợ chồng của con. Nếu chỉ cho riêng con thì khi công chứng, trong hợp đồng tặng cho phải thể hiện rõ điều này. Lỡ có phát sinh tranh chấp về sau, thì hợp đồng tặng cho riêng này là cơ sở để chứng minh trước tòa. Mỗi người cần có ý thức rạch ròi về tài sản ngay khi các mối quan hệ còn mặn nồng, thuận thảo.
Cũng vì “đâu nghĩ có ngày hôm nay”, anh Khoa dở khóc dở cười khi cho rằng vợ đã nhanh tay biển thủ số tiền, vàng gửi tiết kiệm ngân hàng. Theo anh, số tiền hàng tỷ đồng này do anh chị làm trình dược viên chín năm tích cóp được. Không cam lòng nhìn thành quả lao động của mình đổ sông đổ biển, anh Khoa cung cấp số sổ tiết kiệm, ngày gửi do chị giao dịch tại ngân hàng để nhờ tòa xác minh.
Theo chị Ánh, số tiền lợi nhuận chỉ khoảng 200 triệu đồng, số còn lại thực ra chỉ là tiền phải thanh toán lại cho công ty giao thuốc, chị đem gửi tiết kiệm để khai thác lãi nhân lúc tiền nhàn rỗi. Dù tòa phúc thẩm cho rằng chị Ánh có chuyển khoản trả cho công ty dược số tiền tương ứng, có lệnh chuyển, ủy nhiệm chi rõ ràng nên không có căn cứ cho thấy đây là tiền lợi nhuận của vợ chồng, anh Khoa vẫn không tâm phục khẩu phục và đã yêu cầu xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
Cuối phiên phúc thẩm, xót lòng trước cảnh “cạn tàu ráo máng”, chị của anh Khoa xin hai em đừng tranh giành nhau mà thỏa thuận để lại tài sản cho con, các cô bác đều thuận tình cho cháu đứng tên sổ nhà đất thừa kế từ bà nội. Nhắc đến con, chị Ánh bật khóc: “Muộn rồi, đã không thể thỏa thuận. Thiệt hại trong cuộc hôn nhân này với tôi không phải ở tiền của mà là ở con gái. Từng là đứa học giỏi, đỗ cao vào đại học, giờ cháu đang đứng trước nguy cơ bị đuổi học, tệ hơn là bị trầm cảm, bị đau nửa đầu và đã mấy lần té vì mất tập trung khi lái xe trên đường”.
Hẹn gặp tôi tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Kim Huyền buồn bã tâm sự: “Là người đứng giữa, em không biết nghe ai. Mẹ là người lanh lợi, tính toán giỏi và sống mạnh mẽ nên dễ thích nghi; ba thì sống theo nếp xưa, trọng tình nghĩa và chắc chắn sẽ khổ sở, mặc cảm nặng nề khi không giữ nguyên vẹn được đất đai nhà nội. Em căng thẳng, đau đầu vì chuyện cha mẹ đã ly hôn còn tranh giành tài sản, ai cũng nói là cho em, vì em. Điều em cần không phải là thừa hưởng tài sản mà là được ba mẹ yêu thương, quan tâm, tạo điều kiện cho em học hành, mai này có nghề ổn định để lo cho bản thân”.
Tình yêu của chồng đã sưởi ấm trái tim tưởng chừng nguội lạnh của chị. Chị viết: “Tôi nhìn mọi thứ trong cuộc sống nhẹ nhàng hơn sau những chuyến đi...".