Mất sạch rồi, chỉ sau một đêm...

19/10/2020 - 11:04

PNO - Những đứa con xa quê lục tìm các số cứu hộ được chia sẻ trên Facebook, rồi kiên trì gọi, gọi hàng trăm cuộc. Ai đó may mắn thở phào khi nghe đầu dây bên kia có tiếng “alo”.

Mới mấy ngày trước, người dân Thừa Thiên - Huế kêu cứu. Vợ chồng tôi nhận cuộc gọi hỏi thăm nhiều đến mức phải tắt nguồn để tiết kiệm pin. Cách vài tiếng, chúng tôi mới mở máy cập nhật tình hình cho người nhà ở Quảng Bình, Quảng Trị đỡ lo, rồi lại tắt máy để đề phòng trường hợp rủi ro.

Chúng tôi ngồi trên dòng nước lụt mênh mang rồi nhoẻn miệng cười. Tôi nói to: “Đời chẳng ngán cái gì nữa!". Chồng tôi hét lên hưởng ứng: "Chẳng sợ cái quái gì nữa!”.

Vậy mà từ đêm hôm qua, tôi lại sợ. Nước sông Gianh, sông Kiến Giang ở Quảng Bình lên nhanh quá. Cả đêm chúng tôi đọc tin cầu cứu của bạn bè, người quen trên Facebook. Ở cách xa mấy trăm cây số mà vẫn nghe thấy trong tâm tưởng những tiếng kêu đến lạc giọng, những cuộc điện gọi cứu hộ trong vô vọng. Nhiều người đi cứu hộ lắm chứ, nhưng không kịp.

Những tiếng kêu cứu thảm thiết từ Quảng Bình đêm 18/10. Họ chờ cứu hộ tới sáng 19/10 nhưng lực lượng cứu hộ quá mỏng.
Những tiếng kêu cứu thảm thiết từ Quảng Bình đêm 18/10. Đa số người dân ngồi nóc nhà chờ cứu hộ tới sáng 19/10 vì lực lượng cứu hộ quá mỏng. Ảnh: Facebook

 

Nước dâng lên liên tục, nhiều nhà ngập đến mái. Ảnh do người dân Lệ Thủy cung cấp
Lũ ở Quảng Bình vượt mức lịch sử năm 1979 gần 1 mét. Nước dâng lên liên tục, nhiều nhà ngập đến mái. Ảnh do người dân Lệ Thủy cung cấp

Từ khi làm dâu đất Lệ Thủy, Quảng Bình, đây là lần đầu tiên tôi nghĩ về cái tên “Lệ Thủy”, nơi mạ đang thui thủi một mình giữa những ngày lụt lịch sử. “Lệ Thủy” giờ bốn bề mênh mông nước, đâu đâu cũng thấy nước mắt rơi.

Chúng tôi cũng như nhiều người con khác đi xa định cư, chiều qua điện về quê nhà Lệ Thủy. Mạ bảo: “Không sao, bây đừng lo”. Chị bảo: “Nước mới vào nhà ngang đầu gối, ở đây cao nên tạm ổn”. Cách vài tiếng chúng tôi lại điện, lại nghe tin nước lên, nhanh lắm.

Ai cũng bảo, người Lệ Thủy chống lụt như hàng năm vẫn đón gió mùa: bình thản, tự tin như với một người khách quen mỗi năm trở lại, như người Nam bộ chờ con nước Cửu Long. Nhưng năm nay, “người khách quen” ấy đã xô đổ hết thảy, kể cả sự vững chãi, kiên định vốn có của người dân nơi đây.

Giọng chị trong điện thoại nghe như buông xuôi: “Nước ngập đến bụng rồi. Gà vịt chết hết rồi. Xe ngập rồi. Đồ đạc hỏng hết rồi…”. Câu nào của chị cũng có “rồi” ở cuối, như một sự kết thúc giới hạn chịu đựng.

Nước vẫn chưa có dấu hiệu rút. Ảnh do người dân Lệ Thủy cung cấp
Sáng 19/10, nước vẫn chưa có dấu hiệu rút. Ảnh do người dân Lệ Thủy cung cấp

Điện thoại mạ mãi không liên lạc được. Đâu chỉ những ngày lụt bão này, đã mấy năm nay mạ ở một mình. Năm người con, nhưng đã có ba người ở Sài Gòn, một ở Huế - là chồng tôi , chỉ còn lại mỗi chị gái ở cùng làng với mạ. Giờ chị còn lo cho hai con nhỏ, nước ngập quá sâu không thể đi đâu, không thể làm gì.

Giữa đêm khuya, người dân quê dỡ mái ngói kêu cứu. Nhà nào nhà nấy đều nhờ con cái ở tỉnh khác gọi cứu hộ. Điện thoại họ sập nguồn, điện thoại những đoàn cứu hộ cũng nghẽn. Những đứa con xa quê lục tìm các số cứu hộ được chia sẻ trên Facebook, rồi kiên trì gọi, gọi hàng trăm cuộc. Ai đó may mắn thở phào khi nghe đầu dây bên kia có tiếng “alo”. Kết nối được rồi, định vị được nơi cần cứu rồi, giờ lại kiên trì bám trụ để chờ cứu hộ.

Cũng có những người già kiên quyết không chịu di tản, không muốn rời xa ngôi nhà đã gắn bó cả đời người, thế là con cái ở xa khóc lóc van xin: “Hãy di tản vì chúng con! Chúng con thở không nổi nữa rồi!”. Cơn đại hồng thủy khiến nhiều người đớn đau, nghẹt thở như vậy.

Không phải nhà nào cũng còn pin điện thoại hoặc sạc nhờ máy nổ của hàng xóm. Đa số đã cạn kiệt pin điện thoại, có nghĩa đứt mọi liên lạc với thế giới. Ảnh: Facebook
Không phải nhà nào cũng còn pin điện thoại hoặc có thể chèo thuyền sang sạc nhờ máy nổ của hàng xóm. Đa số người vùng lụt đã cạn kiệt pin điện thoại, có nghĩa đã đứt mọi liên lạc với thế giới. Ảnh: Facebook

Suốt đêm qua vợ chồng tôi không thể liên lạc được với mạ, cũng không dám gọi nhiều, lòng như thiêu như đốt. Nhà mạ ở trên cao, biết là vậy, nhưng nhiều nhà khác nước đã tràn vào ồ ạt, nước ở khu vực trũng thấp đã ngập lên mái ngói. Nhỡ mạ lúi húi dọn dẹp đồ đạc rồi ngã, nhỡ trong đêm tối mạ ngồi không yên mà đi đứng loạng quạng, nhỡ nước vào nhà mà mạ chỉ có một mình… Nhà chúng tôi cũng bị cô lập bởi nước lụt của Huế mấy ngày nay, bế tắc, chẳng biết làm gì.

Đêm qua, có lúc cứu hộ cũng bất lực vì quá nhiều tiếng kêu cứu, người ta thả áo phao cho trôi dọc bờ sông Kiến Giang, ai vớ được gì hay đó. Chúng tôi nghe tiếng kêu cứu từ người thân một sản phụ chuyển dạ không thể tự đến bệnh viện ở xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh. Bạn bè, người thân chia sẻ liên tục những tin nhắn SOS.

Có nhà kêu cứu từ khuya đến sáng vẫn chưa có ai đến giúp họ di tản. Nhưng dù sao cảm giác trời sáng, cảm giác nhìn thấy hàng xóm vẫn đem lại chút bình an sót lại.

Người Lệ Thủy lên tra (gác xép) tránh lụt, chờ cứu hộ. Ảnh do người dân Lệ Thủy cung cấp
Nhà cửa và vật nuôi chìm trong nước, người Lệ Thủy lên tra (gác xép) tránh lụt, chờ cứu hộ. Ảnh do người dân Lệ Thủy cung cấp

Sớm nay, vợ chồng tôi như nuốt lấy từng tiếng chuông đổ. Điện thoại mạ khởi động lại được rồi. “Nhà vẫn ổn, mạ không sao! Nước mới vô đến sân thôi. Bây đừng lo, nước mà vô nữa thì mạ lên gác ở. Nhà chị bây răng rồi?”, mạ nói.

“Mạ tuyệt đối đừng đi đâu ra ngoài nghe mạ! Nhà chị ngập đến ngực rồi, đã di chuyển lên tầng trên từ đêm qua. Đồ đạc, vườn tược, gà vịt mất hết. Vùng thấp ngập tới mái rồi mạ ơi! Bà con mình ở Chợ Chè, Thạch Hạ, Hồng Thủy đã chạy ra được động cát, ngồi co ro giữa mưa cả đêm”. “Chao ôi! Thôi thì còn người là còn của”. Cuộc nói chuyện chỉ chớp nhoáng rồi chúng tôi nhắc mạ tắt máy để phòng khi cấp bách.

Người dân vùng lụt giờ cũng chỉ mong bảo toàn tính mạng. “Còn người là còn của”, sao nghe như một lời buông xuôi, chua chát.

Nhiều cụ già đã bảy tám mươi tuổi được đưa đến nơi an toàn, họ ngửa mặt kêu trời. Mất sạch rồi. Xe cộ, đồ đạc, vật nuôi, nương vườn… mất trắng chỉ sau một đêm. Họ ngồi nghĩ đến lúc nước rút, lại phải bắt đầu tất cả như thời thanh niên tay trắng lập nghiệp. Có còn kịp không, cho một đời người hữu hạn?

Vũ Hoài - Đình Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI