Mất răng hàng loạt vì không tái khám đúng hẹn

10/10/2023 - 12:52

PNO - Một số vấn đề về răng miệng cần quá trình điều trị lâu dài, mất thời gian đi lại nhiều lần. Nhiều trường hợp thấy triệu chứng thuyên giảm liền bỏ ngang, không tái khám theo chỉ định của bác sĩ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Viêm tủy biến chứng áp xe có mủ

Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Bảo Anh - Khoa Răng - Hàm - Mặt Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết mỗi ngày đơn vị mình tiếp nhận khoảng 100 trường hợp tới khám răng. Ước chừng 20 - 30% trong số đó không tuân thủ tái khám đúng hẹn. Vài tháng, thậm chí cả năm sau, bị biến chứng gây ảnh hưởng chất lượng sống, không chịu đựng nổi, họ mới quay lại, dẫn tới nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Một trong số đó là anh P.Đ.T. (42 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM). Cách đây 3 tháng, miếng trám răng số 6 (răng hàm vĩnh viễn) của anh T. bị bong trong lúc ăn. Kể từ đó, mỗi lần nhai, thức ăn chạm vào là anh T. đau buốt tận óc. Anh T. tới Bệnh viện Lê Văn Thịnh khám răng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tủy, phải lấy tủy. Quá trình điều trị tủy dự kiến cần đi lại 4-5 lần. Tuy nhiên, sau 1 lần điều trị, do đã bớt đau, bệnh nhân chủ quan, bỏ luôn điều trị. 3 tháng sau, anh lại bị đau buốt nơi chiếc răng này tới mức không ăn, không ngủ được. Góc hàm phía có chiếc răng đau còn sưng vù lên, hơi thở trở nên nặng mùi. Không thể chịu đựng, bệnh nhân đành đến bệnh viện khám.

Bác sĩ Bảo Anh nhận thấy phần nướu gần vị trí chiếc răng kia có lỗ dò, đang chảy mủ. Anh T. được chỉ định chụp X-quang, phát hiện mủ trong xương ổ răng. Đây là tình trạng nhiễm trùng tại chỗ. Nếu bệnh nhân vẫn không tới bệnh viện thì diễn tiến vô cùng nguy hiểm, nguy cơ biến chứng thành nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng. Bác sĩ đã xử trí bằng cách dẫn lưu mủ, làm sạch ổ nhiễm trùng, cho bệnh nhân uống thuốc kháng sinh, kháng viêm và giảm đau. Sau đó, bệnh nhân phải nhổ bỏ răng chứ không thể bảo toàn.

Bệnh nhân răng - hàm - mặt nên tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn để đảm bảo sức khỏe răng miệng và giữ nụ cười đẹp Nguồn ảnh: Internet
Bệnh nhân răng - hàm - mặt nên tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn để đảm bảo sức khỏe răng miệng và giữ nụ cười đẹp - Nguồn ảnh: Internet

Tủy răng là nơi chứa các bó mạch thần kinh, mạch máu và mô liên kết, có chức năng cung cấp dinh dưỡng cho răng và đảm nhận vai trò truyền tín hiệu về cảm giác, tạo ngà răng bao quanh để bảo vệ mô tủy. Viêm tủy răng là một tình trạng thường gặp, do nhiều nguyên nhân: vệ sinh răng miệng kém, viêm nha chu, mảng bám cao răng gây viêm nướu, chấn thương… Viêm tủy răng khiến răng bị đau nhức, ảnh hưởng đến sức nhai và chất lượng sống của người bệnh. Răng bị viêm tủy không thể tự hồi phục mà cần can thiệp càng sớm càng tốt. Nếu ở giai đoạn đầu, chưa cần điều trị tủy, chỉ cần uống thuốc. Tuy nhiên, khi để lâu, tủy bị viêm nặng thì bắt buộc phải lấy sạch tủy ra rồi vệ sinh và trám kín ống răng lại. Quá trình điều trị này cần thời gian đi lại nhiều lần nên bệnh nhân thường bỏ dở. Nếu không tuân thủ điều trị, từ viêm tủy sẽ diễn tiến nặng thành nhiễm trùng mô tủy và các tế bào xung quanh. Bệnh nhân có thể bị chảy mủ ở chân răng, áp xe xương ổ răng, lung lay răng, thậm chí buộc phải loại bỏ chiếc răng này. Đó còn chưa kể tình trạng từ nhiễm trùng tại chỗ diễn tiến thành toàn thân, đe dọa tính mạng.

Viêm nha chu lan rộng gây mất răng hàng loạt
Thời gian qua, bác sĩ Bảo Anh còn ghi nhận những trường hợp viêm nha chu không tuân thủ lịch tái khám. Mới đây, bệnh nhân N.K.T. (48 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) đến bệnh viện trong tình trạng nướu hay bị viêm đỏ, chảy máu. Bệnh nhân được xác định bị viêm nha chu, phải làm sạch để tình trạng viêm nhiễm không lan rộng. Sau đó, bác sĩ chỉ định bà T. uống thuốc kháng sinh để xử trí đợt viêm nha chu cấp tính, yêu cầu bệnh nhân tái khám mỗi tuần. Thế nhưng, bà T. tái khám được 1 lần thì ngưng. Vài tháng sau, bà quay lại trong tình trạng tụt nướu, nhiều chiếc răng bị lung lay và bị mất hàng loạt răng.

Các bệnh nhân đang được điều trị bệnh lý về răng tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh - ẢNH: Q.C.
Các bệnh nhân đang được điều trị bệnh lý về răng tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh - Ảnh: Q.C.

Bác sĩ Bảo Anh giải thích: viêm nha chu được diễn tả khi tổ chức quanh răng bị viêm. Biểu hiện là nướu rất dễ bị chảy máu, sưng đau, nếu không điều trị sẽ diễn tiến nặng, hình thành ổ mủ trong nướu làm tụt lợi, lung lay răng, thậm chí mất răng hàng loạt. Nguyên nhân của viêm nha chu chủ yếu do di truyền. Ngoài ra, ở độ tuổi dậy thì, trẻ bị viêm nướu nếu không chăm sóc và can thiệp đúng cách sẽ dẫn tới tình trạng viêm nha chu sau này.

Bên cạnh đó, nguyên nhân gây viêm nha chu còn do không lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần, các mảng vôi bám vào lâu ngày tích tụ gây viêm nướu. Bệnh viêm nha chu không thể chữa khỏi, việc điều trị sẽ giúp kiểm soát để tình trạng không nặng lên hay lan rộng ra. Với trường hợp viêm nha chu, bác sĩ sẽ xử lý sạch, sau đó cho bệnh nhân thuốc kháng sinh để điều trị đợt viêm cấp tính. Tiếp theo, bệnh nhân cần tái khám hằng tuần, rồi 1 tháng/lần và 3 tháng/lần. Nói chung, điều trị bệnh viêm nha chu vô cùng phức tạp, bệnh nhân phải đi lại nhiều lần. 

Đừng chủ quan với rối loạn khớp thái dương hàm

Thêm một nhóm bệnh về răng - hàm - mặt thường gặp là rối loạn khớp thái dương hàm. Tuy bệnh này không gây nguy hiểm tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của bệnh nhân. Vì nghĩ bệnh không gây tử vong nên nhiều người chủ quan, không tuân thủ điều trị. Mới đây, bệnh nhân N.N.H. (21 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) tới bệnh viện trong tình trạng răng bị mòn. Bệnh nhân kể mỗi lần há miệng to là bị đau (nghe tiếng khậc như trật khớp hàm).

Đôi khi, cơn đau còn kéo dài, lan lên vùng thái dương khiến bệnh nhân không thể tập trung học hành, việc ngủ nghỉ cũng bị gián đoạn. Bệnh nhân được chẩn đoán bị rối loại khớp thái dương hàm. Vì là hội chứng nên chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng. H. được cho thuốc giảm đau, giãn cơ, hướng dẫn cách mát xa để giảm đau. Nhìn tình trạng răng bị mòn, bác sĩ điều tra bệnh sử và biết bệnh nhân rất hay nghiến răng lúc ngủ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm. Bệnh nhân được làm máng đeo răng lúc ngủ để hạn chế tình trạng nghiến làm mòn răng. 

Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn khớp thái dương hàm. Bên cạnh việc nghiến răng khi ngủ, còn do yếu tố di truyền (lệch khớp hàm bẩm sinh), thói quen nhai lệch một bên, hay nhai đồ cứng, stress quá mức làm nghiến răng không tự chủ khi ngủ... Một điểm đáng lưu ý nữa liên quan đến trào lưu niềng răng. Không phải ai cũng lựa chọn được cơ sở nha khoa uy tín, chuyên nghiệp. Trong quá trình niềng răng, việc bác sĩ canh không chuẩn cũng gây ra tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm. Để phòng tránh, cần cố gắng giữ cho tinh thần không rơi vào áp lực căng thẳng. Ngoài ra, nên ăn thức ăn mềm, cắt nhỏ đồ ăn, nhai đều 2 bên hàm. Tránh ngáp to, không nhai kẹo cao su thường xuyên. Khi bị đau, có thể xoa bóp hoặc chườm ấm để cơ giãn ra. Khi bị rối loạn khớp thái dương hàm, nếu không được can thiệp, bệnh nhân sẽ vô cùng khó chịu.

Người bệnh đau tại vùng khớp thái dương hàm, kéo theo đau đầu, đau trong tai, trước tai, cứng khớp hàm, lệch hàm, đau cổ… Chưa kể, thói quen nghiến răng sẽ làm răng bị mòn, nứt, gãy, ê buốt, biến dạng góc hàm, thậm chí dẫn tới bệnh ù tai mạn tính. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI