PNO - PN - Mọi thứ diễn ra chóng vánh trong một buổi chiều. Nhà cửa đang đầm ấm, yên vui bỗng trở buồn hiu hắt khi tôi lấy hết can đảm, thú nhận với mẹ rằng mình đang mang thai. Khi đó, tôi 25 tuổi, chưa chồng.
edf40wrjww2tblPage:Content
Mẹ ngồi thừ ra ngay bậc cửa hàng giờ, các ngón tay chai sạn cứ bần thần vo tròn chiếc cúc trên tay áo lao động sờn cũ. Chiếc cúc đứt chỉ mẹ mới bàng hoàng đứng lên, vồ lấy cái điện thoại bàn, lật đật bấm số chị tôi. Mẹ kể mấy câu không đầu không đuôi, rồi nức nở vào điện thoại: “Mày muốn mẹ sống thì mau về dắt nó đi, chị em bây muốn làm gì thì làm!”.
Sáng hôm sau, chị bắt chuyến xe sớm về nhà, vội vã thu xếp đưa tôi đi. Dắt tôi về căn nhà chật chội ở khu tập thể công chức, chị “thương lượng” với chồng rồi chia đôi gian bếp bằng một tấm màn mỏng, kê thêm một chiếc giường nhỏ, làm thành một cái phòng. Tôi làm quen với cuộc sống mới, giữa nhiệt thành của chị và vẻ tần ngần lịch sự của anh rể.
Làm kế toán ở ủy ban quận, từ khi có thêm tôi trong nhà, chị phải nhận sổ sách của nơi khác về làm thêm ban đêm. Tôi không “biết thân biết phận”, đau ốm liên miên, thêm hai lần động thai, một tay chị lo liệu. Chị bao dung với tôi bao nhiêu, thì càng nóng nảy với người ngoài bấy nhiêu. Chỉ cần hàng xóm có ai bóng gió hỏi chồng tôi đâu, cha đứa bé đâu, chị đã nhấm nhẳng bực dọc, rồi hằn học không chào hỏi suốt mấy ngày sau.
Đêm tôi chuyển dạ, chị tới gõ cửa nhà anh trai tôi, năn nỉ anh… tới bệnh viện thăm cháu, để tôi đỡ tủi. Trong bệnh viện, trước ánh mắt tò mò của những sản phụ cùng phòng, chị tự nhận mình là “chị chồng”, rồi tự viện ra đủ lý do cho sự vắng mặt của “cha đứa bé”. Bằng cách ấy, chị cùng tôi vượt qua bao lần chạnh lòng, tủi hổ trước người đời, cùng những phen chết đứng khi con trẻ ngã bệnh. Mãi đến hai năm sau, khi con trai tôi biết đi, mẹ tôi thương cháu nhớ con mới mặc kệ tiếng đời, dang tay đón tôi về.
Từ lúc về quê, tôi quay lại với công việc bỏ mối cà phê cho các cửa hàng, một tay nuôi dưỡng mẹ già, con thơ. Con trai tôi trở thành niềm vui của mẹ, là “trung tâm” của đại gia đình mỗi dịp sum vầy. Tôi tưởng mình đã tròn vẹn hạnh phúc, đã không còn biết yêu đương, tưởng niềm vui từ gia đình là quá đủ để tôi sống đến hết đời, cho đến khi gặp anh.
Anh mất vợ, là chủ một quán cà phê mà tôi bỏ mối. Từ những gán ghép của nhân viên và nhiều lần hẹn hò, trò chuyện, tôi và anh dần trở nên thân thiết. Và, tôi có anh trong mọi lúc ngặt nghèo.
Con trai viêm ruột thừa cấp, nhập viện, anh có mặt chóng vánh, bình tĩnh đưa tôi đi làm thủ tục phẫu thuật cho con. Thời gian con nằm viện sau phẫu thuật, anh tới lui mỗi ngày vài bận, thay tôi nói chuyện với bác sĩ, y tá để nắm tình hình, phòng khi tôi dại dột nổi đóa. Cái bếp củi con con của mẹ rách mái tơi bời, trời mưa dột nước tứ tung; mẹ giận dỗi mấy ngày khi tôi không kêu thợ sửa mà một hai đòi dẹp luôn “cái bếp hết thời”. Anh nghe chuyện, lật đật sai nhân viên xuống nhà sửa sang, thay mái, rồi khuyên tôi “bớt… đàn ông đi”, bởi “chỉ có đàn ông mới suốt ngày đòi dẹp cái này, bỏ cái kia, còn đàn bà thì lại muốn chèo kéo, ôm đồm”.
Tôi nhận ra, mấy năm trời đơn thân nuôi con, làm chỗ dựa cho mẹ đã khiến tôi “hóa đàn ông” tự lúc nào. Nhân danh “chuyện lớn” là kiếm tiền, lo cái ăn cái mặc; tôi gạt đi những “phiền muộn đàn bà” như căn bếp quá đơn điệu, mái tóc khô xơ, da dẻ cằn cỗi. 30 tuổi, lần đầu tiên sau 5 năm trời dài như năm thế kỷ, tôi khao khát mình được “bớt đàn ông đi”. Những ngày tập tành son phấn, dịu dàng; hay ngay từ trước đó nữa, tôi trở thành người tình của anh lúc nào không hay.
Tôi đã tưởng tượng ra bao nhiêu viễn cảnh tươi đẹp, khi mẹ thở phào, trút đi gánh lo ngày con xuất giá, khi chị mãn nguyện nhìn em có chồng, cháu có cha. Chẳng ngờ, mọi điều tốt đẹp khiến tôi tràn trề hy vọng nơi anh, đối với mẹ, lại là những biểu hiện của một cái bẫy tình của “thằng đàn ông già đời, lắm của”.
Buổi chiều hiu hắt năm xưa lặp lại. Sáng hôm sau, chị tôi quày quả về nhà, ôm lấy tôi, òa khóc. Chị trách tôi “sao quá dại dột”, “sao lại đem lòng tin vào đàn ông”. Chị đấm ngực tự trách mình, rằng đã quá “chủ quan” vì không “kèm cặp”, để tôi lại “sa chân” lần nữa. Mặc kệ tôi cố gắng kể mọi điều về anh, chị kiên quyết lắc đầu. Chị miên man kể về những nỗi khổ tôi đã phải trải qua “chỉ vì tin vào đàn ông”. Tôi rã rời khi câu chuyện buồn dài dặc cứ trở lại bằng câu mở đầu “em nhớ không…”, “em còn nhớ không…” của chị. Tôi hứa sẽ chia tay.
Vẫn chưa yên tâm, chị trực tiếp tìm gặp anh, rồi lớn giọng “vạch trần bộ mặt giả tạo” ngay trong quán cà phê mà anh làm chủ. Chị như hóa thân thành một người lạnh lùng và gai góc, cố giương hết móng vuốt ra để… bảo vệ tôi.
Sau cuộc gặp gỡ ấy, mọi thứ rơi ra khỏi quỹ đạo. Anh và tôi cùng tránh gặp nhau. Biết tôi không còn gặp anh, mẹ thôi khóc lên khóc xuống, đòi sống đòi chết. Nét mãn nguyện, hài lòng trong mắt mẹ bao lần ngăn tôi chạy tới tìm anh, sống chết bảo vệ tình yêu của mình.
Giữa những cuộc gọi thưa thớt dần của chị, tôi lại nhận được một vài tin nhắn thăm hỏi của anh. Cố im lặng, ngủ yên trong tình thương của gia đình, tôi tự an ủi mình, rằng bấy nhiêu “nợ nần” với chị cũng đủ để tôi ở vậy mà bù đắp suốt đời. Nghĩ vậy, mà sao bao ngày xa anh, tôi chưa được một ngày yên ổn?
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.