Mất niềm tin vào lụa, du khách mua gì làm quà lưu niệm?

30/10/2017 - 14:00

PNO - Sau vụ việc lụa Trung Quốc gắn mác lụa Việt Nam của Khaisilk, thị trường mua bán lụa Việt Nam tại các chợ và cửa hàng rơi vào trầm lắng.

Không chỉ du khách trong nước mà nhiều khách nước ngoài cũng cập nhật thông tin “nóng” này và tỏ ra ngần ngại khi mua sắm quà lưu niệm.  

Cửa hàng lụa vắng tanh

Quan sát hàng loạt cửa hàng kinh doanh về lụa như khăn, quần áo lụa, túi cao cấp, sức mua khoảng một tuần này trầm lắng hẳn. 

Trên đường Lê Quý Đôn, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng (Q.1, TP.HCM)… mặc dù vào ngày thứ bảy nhưng các cửa hàng rất vắng khách. 

Quản lý một cửa hàng lụa trên đường Lê Quý Đôn cho biết, thứ bảy và chủ nhật cửa hàng luôn đông khách, nhưng hai ngày cuối tuần qua chỉ bán được 10 đơn hàng, trong đó khách mua khăn len, váy đầm bằng chất liệu vải oganra, không có đơn hàng nào liên quan đến tơ tằm. 

Mat niem tin vao lua, du khach mua gi lam qua luu niem?
Du khách chọn mua sản phẩm lưu niệm tại chợ Bến Thành - ảnh: phùng huy.

Còn tại chợ Bến Thành (Q.1), hiện sản phẩm lụa “Made in Vietnam” không còn sức hút so với lụa các nước Ý, Nhật… Chị Hiền - một người bán tại chợ này cho biết, trước đây chị thường bán khăn lụa cho du khách người Anh, người Mỹ là chính, chỉ một vài du khách Nhật chọn mua vì khăn lụa của Nhật tinh tế hơn. 

Một tuần trở lại đây, mỗi ngày chị chỉ bán được cho 3 du khách mua khăn lụa Việt, số còn lại chọn mua các quà lưu niệm khác như nón lá, khăn thêu thổ cẩm, giày dép… 

Không ít cửa hàng cách đây một tuần khẳng định chỉ bán lụa Việt Nam, nhưng hiện nay đã thấy nhiều mẫu lụa được cho là của Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan được trưng bày. Tại cửa hàng Thế Giới Khăn Choàng Cổ (Sư Vạn Hạnh, Q.10), bà chủ cửa hàng đã sẵn sàng giới thiệu với khách đâu là khăn lụa Việt Nam, đâu là khăn lụa Trung Quốc, Ý với lý do: phải minh bạch để người tiêu dùng không quay lưng. 

Hiện nay, nhiều cửa hàng cao cấp cho biết, trước mắt họ không có kế hoạch nhập hàng mới về bán, mọi người chờ động thái từ thị trường. Riêng tại các chợ bình dân thì nhiều người bán chia sẻ, khách cần người bán nói đúng xuất xứ và bán đúng giá để họ mua. 

Lơ là với quà lưu niệm Việt Nam

Đó là nhận định của bà Trần Thị Bảo Thu - Giám đốc Tiếp thị Truyền thông công ty Fiditour - khi nói về thực trạng ế ẩm, đơn điệu của quà lưu niệm trong mắt du khách quốc tế. 

Qua khảo sát khu bán quà lưu niệm tại chợ Bến Thành, đường Lê Lai, Nguyễn Huệ, Lê Lợi… Mặc dù sản phẩm bày la liệt, chiếm hết phần lối đi nhưng quanh quẩn chỉ có thiệp giấy, quần áo thổ cẩm, trang sức đá, nhạc cụ dân tộc bằng mây tre, muỗng đũa bằng gáo dừa...  

Ngày 29/10, tại chợ Bến Thành, theo sau một nhóm du khách người Mỹ gồm 7 người, chúng tôi thấy họ chi tiêu chủ yếu vào ăn uống. Tham quan một vòng quanh chợ, mặc dù cũng cầm nắm, quan sát rất kỹ sản phẩm lưu niệm nhưng cuối cùng họ chỉ mua 4 chiếc nón lá vì: thấy đẹp, rẻ và đội cho đỡ nắng khi đi tham quan TP.HCM. 

Một số cửa hàng trên phố mang sắc thái riêng, chuyên về các quà cao cấp thì giá sản phẩm lại quá cao.

Tại cửa hàng quà lưu niệm Bản Sắc Vùng Miền trên đường Lê Lai, chúng tôi thấy một du khách người Anh rất hứng thú với chiếc đĩa đồng in hình chùa Một Cột, nhưng khi nghe báo mức giá 3.042.000 đồng/sản phẩm, vị khách này cho rằng quá đắt. Trong khi sản phẩm búp bê biểu tượng của nước Nhật có giá chỉ bằng 1/3.

Theo bà Trần Thị Bảo Thu, trước đây, một số sản phẩm biểu trưng cho văn hóa  Việt Nam như áo dài, nón lá, thổ cẩm, tranh thêu… từng được rất nhiều du khách ưa chuộng.

Nhưng thời gian gần đây du khách không còn thích thú nữa, vì mẫu mã sản phẩm nghèo nàn, sao chép lẫn nhau, đặc biệt nhiều món có xuất xứ Trung Quốc, làm mất đi giá trị bản địa của vật lưu niệm. 

Mới đây, Sở Du lịch thực hiện một cuộc khảo sát với gần 2.000 du khách tại TP.HCM (trong đó khoảng 1/2 là người nước ngoài).

Phần lớn du khách trong và ngoài nước đều muốn mua sản phẩm mang biểu tượng của địa phương để làm kỷ niệm, nhưng thị trường hàng lưu niệm chưa đáp ứng được yêu cầu này. 

Cụ thể như trong nửa năm trở lại đây, thị trường rộ lên quà tặng giày, ví làm bằng xơ mướp... Được xem là ý tưởng sáng tạo độc, lạ thu hút khá đông du khách tìm mua vì nguyên liệu sản xuất đều đến từ thiên nhiên.

Ngay sau đó, thị trường xuất hiện thêm những đôi giày được cho là sao chép ý tưởng từ xơ mướp nhưng nguyên liệu khác, làm mất lòng tin của không ít du khách. Hoặc như sản phẩm làm bằng sừng, du khách chuộng mua vì chất sừng từ thiên nhiên, có một số tác dụng chữa bệnh, nhưng nhiều cửa hàng vì lợi nhuận đã bày các sản phẩm từ sừng tổng hợp khiến du khách e ngại. 

Không cho rằng do quà lưu niệm nước ta nghèo nàn nên du khách không mặn mà, theo ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng phòng truyền thông công ty TST Tourist, lý do chính là các khu du lịch bán quà từ rất nhiều nguồn, bao gồm nguồn trôi nổi từ các vùng miền khác, trong khi sản vật địa phương thì hầu như không có hoặc chỉ có vài món.

Chẳng hạn như tại TP.HCM, du khách muốn mua quà đặc trưng của TP.HCM nhưng không biết có những sản phẩm nào.

Mới đây, Sở Du lịch thực hiện một cuộc khảo sát với gần 2.000 du khách tại TP.HCM (trong đó khoảng 1/2 là người nước ngoài). Phần lớn du khách trong và ngoài nước đều muốn mua sản phẩm mang biểu tượng của địa phương để làm kỷ niệm, nhưng thị trường hàng lưu niệm chưa đáp ứng được yêu cầu này. 

Sản phẩm quà tặng của Việt Nam đang trong tình trạng kiểu dáng chưa tinh xảo và chưa có tính đặc trưng; nếu đạt độ tinh xảo thì giá thành lại quá cao. Đây cũng là hậu quả của việc mạnh ai nấy làm.

“Các cơ quan quản lý cần xây dựng chiến lược dài hạn để phát triển sản phẩm quà tặng có thương hiệu cao cấp và tin cậy. Đặc biệt, cần phối hợp với các công ty du lịch để trả lời các câu hỏi quà lưu niệm là gì, phân bổ sản xuất ra sao, cách thức quảng bá hình ảnh và tiêu thụ như thế nào?” - ông Trần Văn Long, giám đốc Công ty du lịch Việt - đề xuất. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI