Mắt nhìn vô cuốn tập nhưng đầu để ngoài sân

08/12/2014 - 11:17

PNO - PNO - Thằng cháu tôi năm nay lên lớp 4. Nó học tương đối khá, sáng dạ, nhưng lại có tính ham chơi. Hễ đang học bài, làm bài tập mà thấy lũ bạn chơi ngoài sân là nó bất chấp tất cả, ù té chạy ra sân chơi ngay.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chị tôi thì lại dạy theo kiểu “mẹ hổ”, không muốn cho cháu đi chơi mà bắt phải học liên tục để mong muốn sau này cháu thành tài. Cứ hễ thấy thằng bé mè nheo đòi đi chơi là chị lấy cây roi tre để sẵn, nạt nộ và uy hiếp con: “Mày không chịu học, chạy đi chơi là tao đánh bầm mình”. Thằng bé rụt người lại, mặt chù ụ ngồi học bài nhưng không tập trung, mắt nhìn vô cuốn tập nhưng đầu lại vẽ ra những trò chơi ở ngoài sân.

Mat nhin vo cuon tap nhung dau de ngoai san

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Vốn dĩ nó sợ mẹ nhất nhà nên dù trong lòng muốn đi cũng không dám, vì cây roi tre nằm chình ình ngay trên bàn học. Đã nhiều lần mông nó tím bầm vì roi nên nó biết hễ đi chơi là bị mẹ đánh chứ không phải dọa. Thành ra dù sáng dạ nhưng cuối năm nó luôn đạt kết quả trung bình, có khi suýt rớt vì đạt loại yếu.

Thấy không ổn, tôi xin chị cho mình một tuần kèm cháu học. Kết quả thay đổi rõ rệt.

Những khi bạn nó đến rủ chơi, tôi khuyên các cô cậu hàng xóm nên về và khoảng một giờ sau quay lại để cho cháu học bài xong đã. Khi thấy bạn chơi ngoài sân, nó đòi đi, tôi nhẹ nhàng bảo học xong rồi cậu sẽ cho ra ngoài chơi, đồng thời tôi chuyển góc học tập (khuất tầm nhìn ngoài sân) để cháu không mất tập trung. Bài nào cần thiết, quan trọng tôi cho cháu học trước. Còn bài nào chưa cần, tôi để cháu đi chơi rồi về học sau.

Được thỏa mãn cuộc vui, sau khi chán chê với lũ bạn, cháu có động lực, chịu khó học chứ không mất tập trung nữa. Thời gian này, tôi luôn động viên cháu học, hỏi về ước mơ của cháu và vẽ ra viễn cảnh tương lai cháu sẽ tươi sáng như thế nào, để từ đó cháu có ý thức tự học. Dù tính cháu vẫn còn ham chơi (trẻ còn vốn hiếu động mà) nhưng sự tiến bộ đã thể hiện rõ rệt.

Tâm lý thoải mái bao giờ cũng dễ tiếp thu hơn, dù cho là người lớn hay trẻ con. Vì vậy, cần cân bằng giữa việc học và chơi cho phù hợp để trẻ không rơi vào tâm lý “bằng mặt không bằng lòng”. Vì học theo kiểu miễn cưỡng, bao giờ cũng sinh ra hậu quả học vẹt, học đối phó hơn là say mê tìm tòi, khám phá.

ĐẶNG TRUNG THÀNH (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM)

Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy - học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn. 

Kính mời các bạn gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ:

- Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com
- Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn.

Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút).

Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI