Xem clip:
Chiều hôm đó, tàu cập vào trụ sắt màu vàng to vật vã. Bây giờ không khó tìm trên mạng những câu chuyện về người thành phố trồng rau trong khoảng trống chật hẹp của thẻo bê tông trên sân thượng như là một minh chứng, rằng muốn xanh thì sẽ xanh…
Nhưng ở đây, nhà giàn Tư Chính DK1/14 này, mới là “bài chủ” cho cái câu “biến cái không thể thành có thể”. Ý nghĩ đó đến trong tôi khi đếm, từ nhà giàn mới bắt qua khu nhà cũ, có đến 11 chậu rau xanh đủ loại như cố tranh lớn với tiếng gà, vịt, lợn. Có khác gì khung cảnh sau hè một ngôi nhà ở quê đâu.
|
Nhà giàn Tư Chính DK1/14 |
Thì đó, chủ nhân ở đây là những người lính 30 năm trước, lớp nối lớp, ra đi từ những làng quê chiêm trũng hay những đụn cát bên lề chân sóng dằng dặc từ Bắc tới Nam. Họ là đứa con của biển, nhưng ở quê thì có lênh đênh trên ghe thuyền đánh cá, cùng lắm một hai tháng quay về bờ, còn ở đâu có dễ.
Rau, gia súc gia cầm, đâu chỉ để ăn, mà là để nhớ, nhớ cha mẹ già, nhớ anh, nhớ chị, nhớ vợ con, nhớ làng mạc mù khơi cuối chân trời; để nói với sóng, với giông gió, với đêm đen và ngày nắng cháy rằng, mình nương vào đó để thấy mình là mình.
Tôi cố gạ chuyện, nhưng họ, những người lính nhà giàn, như hai kẻ có tình ý mà lần đầu gặp nhau nên cứ ấp úng, và rồi trung úy Nguyễn Đức Mạnh, quê Hải Phòng, cũng “bật mí” một điều, rằng có một vài anh lính cứ 6 tháng là thuyên chuyển một lần, bởi họ như bị rơi vào trầm cảm, miệng… đơ ra.
Đàn ông với nhau, nhìn quanh là sóng, là sắt, là tàu, biết nói gì ngoài cắm cúi làm. 30 năm, với một đời người, có thể hoặc không thể thành dâu bể. Nhưng 30 năm với những nhà giàn thế này, chủ quyền quốc gia lại là câu chuyện của những biến động, mà nếu như nhà giàn biết nói, những trụ sắt, luống rau cố vượt qua phong ba kia, hẳn kể với ta rất nhiều.
Tôi đã chờ cuối hành trình này để được nghe lời ấy từ Chuẩn đô đốc hải quân Lê Minh Thành. Giọng ông trầm xuống, có lúc nghẹn. Rằng năm 1989, những cây cọc sắt đầu tiên ở bãi Tư Chính này được cắm xuống. Bãi ngầm Tư Chính cách bờ 250 hải lý, nằm trên vùng lục địa phía nam của Việt Nam. Đây là điểm nằm trên đường hàng hải quốc tế nên có vị trí rất quan trọng.
Thôi thì khó mà nói hết những khốn khó, gian truân của người lính hải quân, những người thợ nhà giàn, bởi từng xảy ra chuyện, vào 2g sáng ngày 5/2/1990, bão quật ngã nhà giàn DK1/3 ở bãi Phúc Tần. Chính trị viên nhà giàn đã nhường chiếc phao và mấy miếng lương khô cho anh em rồi cùng hai chiến sĩ vĩnh viễn ở lại với biển xanh.
Rồi sau đó, ở nhà giàn trên bãi Phúc Nguyên, trận bão năm 1998, giữa đêm đen, chín cán bộ, chiến sĩ bị sóng hất tung, lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình nhưng chỉ cứu được ba người… Rồi sau đó, rồi sau đó…
|
Nhìn từ xa, sắt thép nhà giàn như võ sĩ đứng tấn, lại gần nó như chiếc phao trên biển |
Qua một nhịp kể của ông, tôi hình dung có thêm bao đôi mắt không còn nước để chảy của gia đình, đồng đội của họ. Chỉ biển xanh kia mới biết những người lính ra đi, mang trái tim thắm đỏ tình yêu Tổ quốc, nói gì, nghĩ gì ngoài câu “mình còn, nhà giàn còn”.
“Nhưng, khó mấy cũng phải làm, và qua thời gian, câu chuyện chủ quyền Biển Đông với nhiều kịch tính đã cho thấy quyết tâm làm nhà giàn với tên Trạm Dịch vụ kinh tế và Khoa học kỹ thuật, là quyết định chiến lược đúng đắn trong gìn giữ chủ quyền của chúng ta”, ông nói.
Khu nhà cũ làm từ 1995, sóng lớn rồi bão liên tục, nên sau đó DK1/14 bị nghiêng 15 độ. Đến năm 2011, một khu nhà lớn ra đời, làm hình mẫu cho 5 năm sau ra đời nhiều nhà giàn khác.
***
“Khó khăn mấy, cán bộ, chiến sĩ cũng phải khắc phục, bởi đó là nhiệm vụ Tổ quốc giao phó”, Chuẩn đô đốc Lê Minh Thành nói ngắn gọn. Nhưng lính là thế và chỉ có thế, lính Trường Sa, lính nhà giàn còn gọn hơn nữa. Vì thế mới có chuyện lính nhà giàn ăn tết ở nhà với người thân là… xa xỉ.
“Cứ tết là vợ khóc, thương lắm, nhưng nhiệm vụ mà anh”, trung úy Mạnh nói, mắt hấp háy cười nhưng sao tôi như thấy có con sóng bạc trong đó cứ lăn tăn. Cạnh đó là hai anh lính trẻ lặng im, quê Hải Hậu mới ra đây được ba tháng, hết nhìn biển rồi nhìn những cô gái trong đoàn khách.
|
Rau trên nhà giàn đâu chỉ để ăn, mà là để nhớ, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ vợ con, nhớ làng mạc nơi cuối chân trời |
Tôi nhìn họ, nghĩ chút nữa thôi, đoàn người sẽ rời, và chỉ còn họ với sắt thép, giông gió và hải âu, rồi những chuyến thuyền ngư dân trong cơn hoạn nạn, tìm tới. Người ta nói đi biển dài ngày mà không quen, lúc lên bờ, những bước đầu tiên thường lảo đảo. Vậy họ, quanh năm chỉ thấy sóng và gió, về đất liền, mắt họ sẽ ra sao? Nhìn từ xa, sắt thép nhà giàn như võ sĩ đứng tấn, lại gần nó như cái phao trên biển.
Tôi nhớ khi về đất liền, có bữa ngồi với ông Trần Tấn ở Tam Quang - Núi Thành - Quảng Nam, ông kể năm 2000, ông đi bạn cho tàu ở Vũng Tàu. Bão nổi, chạy không kịp, chính nhà giàn ở bãi Tư Chính này cứu ông. Cột tàu vào trụ sắt, lên giàn ở với bộ đội, qua bão, tàu còn, lại được anh em tiếp tế lương thực.
“Chuyện đó thường xuyên mà anh - y sĩ Hoàng Văn Thảnh nói - 20 năm tết nhà giàn, chúng tôi gặp biết bao nhiêu tàu thuyền của bà con bị nạn, từ sóng gió tới bệnh tật. Lên đây thì bộ đội giúp cho thuốc, sữa, gạo, mắm. Tôi nhớ nhất là năm 2015, tại đây, tôi đã cứu một ngư dân bị tai nạn, ông đó ở Vũng Tàu. Khi khỏe lại, về nhà, ông điện thoại ra, thay mặt gia đình cảm ơn, nói không có bộ đội nhà giàn là chết, vợ con nheo nhóc, cha mẹ già sống sao nổi khi mỗi mình ông là lao động chính. Nói thật, bà con ngư dân vui và yên tâm khi chúng tôi có mặt ở đây…”.
Không là người trong cuộc làm sao hiểu được niềm vui đó, khi giữa mênh mông, mạng người như chiếc lá? Thầm lặng hy sinh ở đời sống này, hiện ra quá nhiều góc độ, điểm nhìn, nhưng đi Trường Sa mới hiểu sự lặng im vì sự bình yên của những mét nước cương thổ quốc gia, lặng im vì tiếng cười chưa hết thảng thốt trong bão tố của ngư dân từ những người lính can trường, thì khó mà đong đếm được sức nặng của sự chịu đựng của họ.
***
Nhớ một bữa ở Vũng Tàu ngồi nhìn ra biển đêm thấy tàu qua lại chớp nháy, một đồng nghiệp cảm khái: “Đường hàng hải quốc tế đó”. Trào lên trong tôi nỗi nhớ Trường Sa, nhớ trụ sắt nhà giàn như cánh tay khổng lồ, rực nóng trong cái chát chúa của biển.
Lần đó ra về, mọi người xuống xuồng đưa tay vẫy, mấy người lính nhà giàn vẫy theo, có chị trong đoàn bật khóc. Sập tối rồi. Tôi không tin vào cái gọi là thói quen của sự lì lợm. Rắn như sắt thép cũng tan chảy, nữa là người.
Những người lính ở đó, sự lặng im như thói quen không thể khác, lại là bão giông ủ kín; sự cô đơn của họ là sóng trắng bạc đầu bao nỗi niềm không thể nói. Cô đơn nhưng không đơn độc. Trái tim họ thuộc về biển. Những nhà giàn nơi xa xôi ấy, trái tim của nó chính là người lính.
Con mắt nhà giàn, chính là cái nhìn quyết liệt mà đằm sâu thương nhớ và thân thiện của bao người lính. Mắt nhà giàn, chính là ngọn đèn không tắt để bao con tàu lạc hướng giữa phong ba tìm tới. Ánh nhìn đó cũng là vệt sáng của lằn ranh, rằng cát, sóng, gió cũng biết nói thành lời “đây là dải lụa xanh nước Việt”.
Trung Việt