Mật ngữ rừng xanh hay tiếng nói từ trái tim trẻ thơ

04/03/2024 - 19:40

PNO - Tôi đã đọc được rất nhiều lời nhận xét ấm áp dành cho tác phẩm Mật ngữ rừng xanh của tác giả Lê Hữu Nam. Tôi thực sự phấn khích khi có trong tay bản thảo ấy và nghĩ sẽ đưa ngay cho con trai của mình khi con biết đọc…

Một câu chuyện về môi trường mà không bị gò bó và khô khan. Cốt truyện đầy trí tưởng tượng mà hợp lý... Mật ngữ rừng xanh chắc chắn sẽ tác động lên trái tim các độc giả nhí và tình yêu với rừng, với các loài thú sẽ đến với các em một cách tự nhiên, mãnh liệt, như chính cách kể chuyện đầy đam mê của tác giả.

Vạn vật sống, con người sống" 

Đó là phương châm hành động người kỹ sư lâm nghiệp chọn để cống hiến cả đời mình cho khu rừng đặc biệt nhất thế giới. Anh và gia đình chọn bờ rìa khu rừng ngoại ô thành phố Đà Lạt để được gần với rừng và muông thú. Cũng chính từ đây, anh đã truyền ngọn lửa đam mê sang cậu con trai 12 tuổi, để cậu tiếp tục công việc yêu thích đó như lẽ sống còn, khi anh đã hy sinh vì cố cứu một con voi đang mang thai bị mắc bẫy của bọn lâm tặc. Anh hy sinh trên đường đến bệnh viện, bên cạnh Miên - con trai của mình - sau khi giúp voi mẹ hạ sinh đứa con bé bỏng. 

Kể chuyện về môi trường nhưng Mật ngữ rừng xanh không bị gò bó và khô khan
Kể chuyện về môi trường nhưng Mật ngữ rừng xanh không bị gò bó và khô khan

Những giây phút cuối cùng trên xe cứu thương, anh đã để lại lời căn dặn cho con trai về những tấm bản đồ bằng da thú linh thiêng chứa đựng linh hồn của những con thú bị giết hại, dặn cậu tìm gặp những người đàn ông đã từng cùng cha cậu tạo thành những bóng ma để bảo vệ khu rừng.

Những đứa trẻ có cùng niềm vui 

Miên tiếp tục hành trình của cha qua nhiều hoàn cảnh cam go, giữa lằn ranh sinh tử, trong điều kiện khắc nghiệt. Cậu cương quyết từ chối lời thỉnh cầu của mẹ mình về việc đã đến lúc vào trung tâm thành phố sống, khi thành phố muốn biến khu rừng họ đang sống thành một khu du lịch sinh thái. Cậu một mình phóng vào rừng cùng chú ngựa lùn Ali, không quên mang theo “báu vật” là di ảnh người cha và chiếc túi đựng tấm bản đồ da thú.

Ở đây, tại căn lều đã dựng lên từ khi cha còn sống, Miên đã xây dựng một đội quân mãnh thú. Như một binh chủng thật sự, đội quân đó có cả  lính đánh bộ là những con bò sát; lực lượng không quân là những con đại bàng nặng cả tạ; lực lượng “ném bom” là những chú khỉ, vượn. Hơn hết, lực lượng chủ lực là những con thú dũng mãnh tấn công trực diện, với: hổ Đông Dương, báo, sư tử, tê giác... Tất cả được huấn luyện bài bản, từ kỹ năng thám thính đến ém quân, tấn công bất ngờ, trói và canh giữ tù binh là những tên lâm tặc, săn bắn thú. Nhưng, chúng luôn biết kiềm chế tính hoang dã của mình để không sát hại con người dù phải trả giá bằng tính mạng của mình hay đồng loại.

Miên làm được điều đó bởi cậu có khả năng nghe và nói chuyện cùng chúng. Bọn thú rừng biết rõ Miên chính là hậu duệ của người đàn ông đã hy sinh để bảo vệ chúng. Điều chúng càng rõ hơn là kẻ đã gieo rắc sự chết chóc tàn khốc lên mọi sự sống trong cánh rừng này lại chính là đồng nghiệp của cha Miên. Họ từng là những kiểm lâm bảo vệ khu rừng này, cho đến khi một kẻ quay đầu thành “ác quỷ” gây ra bao tội lỗi với muôn loài và lạnh lùng quay đi trước cái chết của đồng nghiệp dù sau đó, chính hắn phải trả cái giá rất đắt cho hành vi dã man của mình.

Tác giả Lê Hữu Nam (bìa trái)  tại buổi ra mắt  Mật ngữ rừng xanh
Tác giả Lê Hữu Nam (bìa trái) tại buổi ra mắt Mật ngữ rừng xanh

Rồi những người bạn xấp xỉ tuổi nhau - Jo, Lâm và cô bé Susan - có mối quan hệ từ những người cha là bạn học thời sinh viên, đều là những trí thức sát cánh bên nhau, âm thầm chiến đấu bảo vệ rừng. Để giành lại sự sống cho từng gốc cây, từng con vật của khu rừng đang bị tàn phá bởi lòng tham, sự mê muội, ham muốn sản vật từ rừng một cách thiếu hiểu biết của chính quyền sở tại, có lúc bọn trẻ tưởng chừng phải bỏ ngang cuộc chiến trước những vũ khí hiện đại cùng lòng tham tàn bạo của bọn lâm tặc, săn bắn thú. Nhưng rồi bọn trẻ đã động viên nhau, tin tưởng, nhắc lại tinh thần của thế hệ cha anh để có thể tiếp tục chiến đấu. 

Những đứa trẻ hoàn toàn không biết bên ngoài khu rừng còn có những người lớn đang từng ngày, từng giờ tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế, cùng giải mã những ký tự Việt cổ trên tấm bản đồ da thú, cũng như tìm kiếm những mảnh còn thiếu. 

Mọi bí mật cuối cùng được sáng tỏ. Chính những đứa trẻ với tâm hồn trong sáng đã lắp ghép thành công 4 mảnh da thú thành tấm bản đồ hoàn chỉnh. Các ký tự Việt cổ mà những nhà khoa học Pháp để lại đã được giải mã bởi vị giáo sư cùng ông già bí ẩn trên đồi U Ám. Khu rừng đã được tái sinh để giữ màu xanh cho thành phố, giữ các tầng thạch quyển mỏng manh được bền vững, tránh nguy cơ xói mòn, động đất.

Một kết thúc đẹp khi những đứa trẻ, sau này, lại tiếp tục con đường bảo vệ nhiều khu rừng trên khắp thế giới bằng những buổi hội thảo mang tính quốc tế. Kẻ xấu năm xưa đã biết quay đầu là bờ, trở thành người chăm sóc đặc biệt cho những con thú trong rừng cùng chàng trai con của đồng nghiệp mình năm ấy - cậu bé Miên. 

Hy vọng tác phẩm được chuyển thể thành phim

Mật ngữ rừng xanh là một tác phẩm văn học giàu trí tưởng tượng dành cho thiếu nhi mà không thừa chi tiết nào. Bằng tình yêu dành cho trẻ em, dành cho rừng và muông thú, tác giả đã xây dựng cốt truyện rất ấm áp, liên kết các sự kiện hiện tại trên khắp thế giới để tạo nên chất keo kết dính về những điều tốt đẹp của thiên nhiên.  

Câu chuyện có hậu khi mọi thứ được hóa giải, giữ lại giá trị đúng của nó như niềm ao ước của bao đời. Trong đó, có cả hạnh phúc của những đứa trẻ được tiếp tục sống với niềm đam mê bảo vệ thiên nhiên, động vật. Một tác phẩm như thế rất xứng đáng được chuyển thể thành phim, để giúp trẻ em hiểu rõ về thiên nhiên và xây dựng ý thức bảo vệ thiên nhiên.

Trong quyển Hạnh phúc là con đường, tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ đã trích dẫn thuyết Rối loạn thiếu hụt thiên nhiên trong đời sống con người của Richard Louv, mô tả cái giá mà con người trả cho sự tách rời khỏi tự nhiên: sự phát triển nhanh chóng của truyền thông điện tử, quy hoạch đô thị kém và sự biến mất của các không gian mở cũng như việc bỏ qua những tiết học trên lớp lẫn thực tế về tự nhiên dành cho học sinh. 

Những bằng chứng khoa học cho thấy rối loạn thiếu hụt thiên nhiên góp phần làm suy yếu khả năng sử dụng các giác quan, gây khó khăn trong chú ý, dẫn đến tình trạng béo phì và tỉ lệ mắc bệnh về cảm xúc, thể chất cao hơn. Rối loạn thiếu hụt thiên nhiên đồng thời làm suy giảm kiến thức sinh thái và khả năng chăm sóc thế giới tự nhiên.

Tôi chợt nhớ đoạn clip phỏng vấn Lê Hữu Nam lúc anh nằm trong bệnh viện với chằng chịt dây nhợ, như 12 năm trước đó anh đã phải chạy đua với thời gian vì bệnh tim bẩm sinh. Đó là thời điểm một tháng trước ngày anh ra đi mãi mãi. Anh nói: “Tôi muốn viết một câu chuyện để giáo dục các em tình yêu thương rừng, muông thú như những câu chuyện có thật trong cuốn Bảy chuyến du hành vào thiên nhiên”. 

Việc nuôi một con vật, chăm sóc một cái cây sẽ giúp trẻ hiểu, yêu quý và sống tốt hơn. Hay khi được tham gia các hoạt động thiện nguyện, khám phá thiên nhiên, trẻ sẽ yêu mọi thứ quanh mình hơn. Trải nghiệm cuộc sống xa nhà cũng giúp trẻ cứng cáp, trưởng thành nhanh chóng, như cậu bé Jo trong câu chuyện này. Chính những pha mạo hiểm cùng nhau của 3 bạn nhỏ Jo, Lâm và Susan ở cánh rừng đã giúp bọn trẻ có khả năng giao tiếp với động vật, thuần dưỡng chúng, làm bạn với chúng và cùng nhau chiến đấu bảo vệ khu rừng. 

Trương Thế Vinh-Nguồn ảnh: Internet

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI