Người trẻ cũng bị mất ngủ
Do áp lực cuộc sống, những lo toan và căng thẳng quá độ khiến nhiều người dù còn rất trẻ đã bị bệnh mất ngủ. Một trong số đó là nam sinh viên P.Q.H. - 20 tuổi, quê quán Long An, sinh viên năm thứ ba của một trường đại học quốc tế tại quận 7, TPHCM. Mẹ H. ruột gan như lửa đốt vì tình trạng của con trai mình. H. thuê nhà trọ gần trường để tiện việc đi học. H. ở một mình.
|
Khi bị mất ngủ kéo dài gây xáo trộn cuộc sống, sức khỏe, cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời - Ảnh minh họa: INTERNET |
Từ ngày con lên TPHCM học đại học, mẹ H. thấy mạng xã hội của con trai luôn ở trạng thái đang hoạt động. Thậm chí có hôm thức dậy giữa khuya, người mẹ cầm điện thoại xem giờ, vẫn thấy nick của con còn sáng. Mới đây, gọi điện thoại và nhắn tin trong nhiều ngày nhưng con không trả lời, mẹ H. lo lắng, thuê xe lên TPHCM tìm con. Khi người mẹ gõ cửa phòng, H. ra mở cửa. Đập vào mắt chị là dáng vẻ bơ phờ, mắt thâm quầng, đỏ ngầu của con.
Người mẹ lựa lời hỏi han, rất lâu H. mới tâm sự mình bị mất ngủ kéo dài khiến tinh thần uể oải và không muốn giao tiếp. Lý do là H. không quen ở một mình. Từ nhỏ, cậu đã không thể ngủ riêng mà phải ở chung với ông nội. Hễ ở một mình, H. sẽ thức trắng đêm. Cậu tâm sự mình bị hồi hộp, đánh trống ngực, bóng đè. Suốt thời gian lên TPHCM học đại học, H. vạ vật gục mặt, ngủ chập chờn ở thư viện hoặc quán cà phê vì quá mệt. Chỉ khi xung quanh mình có người, cậu mới có thể đi vào giấc ngủ.
Điều này khiến kết quả học tập của H. giảm sút trầm trọng. Cậu thi trượt vài môn, phải đóng tiền học lại. Càng như vậy, H. lại càng căng thẳng, áp lực và tình trạng mất ngủ càng nặng hơn. Mẹ H. đang cố gắng thuyết phục con đi khám tâm lý nhưng cậu chưa đồng ý. H. mặc cảm, sợ mọi người chê cười.
Trước đó, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM từng điều trị cho nam bệnh nhân tên N.V.H. (ngụ tại quận 10, TPHCM) có bệnh sử 33 năm mất ngủ. Ông H. là bệnh nhân của bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh - phụ trách Đơn vị Rối loạn giấc ngủ Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Từ 20 tuổi, ông H. đã bắt đầu bị mất ngủ kèm rối loạn lo âu. Sau đó, bệnh nhân dùng nhiều loại thuốc với mong muốn sẽ ngủ được nhưng lại bị
lờn thuốc.
Mỗi ngày, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM khám khoảng 50 trường hợp liên quan tới rối loạn giấc ngủ. Trong đó, có những trường hợp mất ngủ cấp tính và mất ngủ mạn tính. Nếu rối loạn giấc ngủ trong vòng 3 tháng thì gọi là cấp tính, lâu hơn là mạn tính.
Rối loạn giấc ngủ được chia thành 3 dạng. Thứ nhất, rối loạn nguyên phát, bệnh nhân tự dưng bị từ trẻ và tình trạng tiến triển nặng dần. Mất ngủ do rối loạn nguyên phát khó điều trị nhất. Thứ hai, mất ngủ cấp (vì lo lắng, căng thẳng nhất thời về gia đình hoặc công việc), sau đó người bệnh sử dụng các thuốc gây nghiện khiến bị lờn với tất cả các loại thuốc. Kể từ đó, dù dùng thuốc hay không, bệnh nhân cũng không thể ngủ. Thứ ba, do tâm thần kinh (lo lắng hoặc tưới máu não kém). Đây là mất ngủ thứ phát, điều trị hiệu quả nếu bệnh gốc được cải thiện.
Mối liên quan giữa mất ngủ với các bệnh lý tâm thần
Tại hội nghị Khoa học kỹ thuật 2023 do Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức vào cuối tháng Bảy, thạc sĩ, bác sĩ Lê Nguyễn Thụy Phương - nguyên giảng viên bộ môn tâm thần Trường đại học Y Dược TPHCM - đã có đánh giá về mối liên quan giữa tình trạng mất ngủ với các bệnh lý tâm thần.
|
Dùng caffeine cũng dẫn tới tình trạng mất ngủ - Ảnh minh họa: INTERNET |
Định nghĩa mất ngủ bao gồm các dấu hiệu như khó đi vào giấc ngủ, khó khăn duy trì giấc ngủ và thức giấc quá sớm. Nếu mất ngủ dưới 3 tháng gọi là cấp tính hoặc do rối loạn khả năng thích ứng. Còn nếu tình trạng mất ngủ diễn ra trên 3 tháng có thể liên quan tới rối loạn tâm thần (lo âu, trầm cảm), tăng nguy cơ tự sát và lạm dụng chất kích thích. Bên cạnh đó, mất ngủ cũng có thể gây ra các tình trạng y khoa khác như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường.
Những yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng mất ngủ là tiền căn bệnh nhân có sang chấn tâm lý từ nhỏ, mắc bệnh lý tâm thần mạn tính (rối loạn lo âu, trầm cảm), mắc các bệnh lý mạn tính khác, bị đau mạn tính hoặc phải làm việc theo ca kíp thất thường.
Ngoài ra, có những yếu tố làm khởi phát tình trạng mất ngủ. Chẳng hạn như tai nạn dẫn tới chấn thương về mặt cơ thể, ly hôn, người thân qua đời, thay đổi công việc, mất việc, thi rớt, làm ăn thua lỗ…
Bên cạnh đó, những nhận thức hành vi của chúng ta cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Ví dụ: nằm trên giường xem ti vi để cố đi vào giấc ngủ, nằm trên giường lâu để cố ngủ nhiều hơn, ngủ những giấc ngủ ngắn trong ngày và lo lắng quá mức về việc mình không ngủ được.
Không chỉ vậy, một số yếu tố khác cũng góp phần gây mất ngủ. Chẳng hạn như đang sử dụng thuốc có chất kích thích (methylphenidate hoặc modafinil), chống trầm cảm (SSRIs, SNRIs), glucocorticoid, opioid... Ngủ nhiều ban ngày, tập thể dục gần giờ ngủ, dùng caffeine, rượu, nicotine, môi trường ồn ào hoặc có trẻ em khóc đêm cũng dẫn tới tình trạng mất ngủ.
Đối với các trường hợp mất ngủ cấp tính, việc điều trị tập trung giải quyết vấn đề gây stress cho bệnh nhân. Người bệnh có thể dùng thuốc điều trị trong thời gian ngắn hạn.
Việc điều trị mất ngủ mạn tính phức tạp hơn, cần kiên trì và sự hợp tác từ bệnh nhân. Ngoài thuốc men theo chỉ định, tùy từng trường hợp, bệnh nhân sẽ được áp dụng liệu pháp nhận thức - hành vi cho giấc ngủ (CBT - I). Đó là một cách tiếp cận đa yếu tố đối với mất ngủ mạn tính nhằm giải quyết những suy nghĩ và hành vi phổ biến cản trở giấc ngủ tối ưu. Phương pháp tiếp cận CBT - I sẽ giải quyết suy nghĩ tiêu cực và thái quá về giấc ngủ, sự kỳ vọng không phù hợp về số giờ ngủ và nhận định sai về ảnh hưởng của mất ngủ.
Theo bác sĩ Thụy Phương, khoảng 1/2 bệnh nhân mất ngủ mạn tính có rối loạn tâm thần đồng mắc và hầu hết các rối loạn tâm thần đều có triệu chứng mất ngủ. Mất ngủ rất thường gặp trên nhóm bệnh nhân tâm thần phân liệt ngay cả trước và sau điều trị. Mất ngủ trên bệnh nhân tâm thần phân liệt nếu không điều trị sẽ làm tăng nguy cơ loạn thần, tiên lượng về lâu dài cũng xấu hơn.
Những điều nên làm để ngủ ngon: - Xây dựng thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ. - Nếu đói, có thể ăn bữa nhẹ trước khi ngủ. - Tập thể dục mỗi ngày. - Dành khoảng 1 giờ để thư giãn trước khi ngủ. - Nếu khi đi ngủ vẫn đang lo lắng về việc gì đó, hãy viết ra giấy và giải quyết vào buổi sáng. - Giữ phòng ngủ tối, mát mẻ, yên tĩnh. - Nếu nằm trên giường 20 phút vẫn chưa ngủ thì nên rời khởi giường. Những điều cần tránh: - Ngủ trưa và cố ngủ những giấc ngắn. - Nhìn đồng hồ (càng nhìn sẽ càng lo lắng và khó ngủ). - Tập thể dục trước khi ngủ (khiến tỉnh táo). - Không ngủ được nhưng nằm trên giường xem ti vi và đọc sách. - Ăn no căng trước giờ đi ngủ. - Uống trà, cà phê vào chiều tối. - Sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích. |
Thanh Huyền