Rối loạn giấc ngủ ở trẻ có rất nhiều nguyên nhân. Ngoài những bệnh lý thực thể, đôi khi đó còn là biểu hiện của các bệnh tâm lý mà nếu không được phát hiện và điều trị sớm dễ tiến triển thành trầm cảm, thậm chí có hành vi tự tử - Ths-BS Phạm Minh Triết, trưởng khoa tâm lý bệnh viện nhi đồng 1 tp.hcm cảnh báo. Mỗi năm, chỉ riêng khoa tâm lý bệnh viện nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 50 trẻ bị rối loạn giấc ngủ.
Các nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở trẻ
Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong sự tăng trưởng của trẻ. Nếu trẻ ngủ đủ, khi thức sẽ khỏe mạnh, linh hoạt hơn, học hành tập trung và các tế bào bạch cầu trong cơ thể của bé cũng hoạt động chống lại bệnh tật tốt hơn. Đối với trẻ dưới hai tháng tuổi cần phải ngủ từ 15 - 18 giờ/ngày, từ 2 - 12 tháng tuổi cần ngủ từ 14 - 15 giờ/ngày, 3 - 5 tuổi cần ngủ từ 11 - 13 giờ/ngày và 5 - 12 tuổi cần ngủ từ 10 - 11 giờ/ngày.
Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều phụ huynh phải đưa con đi khám vì bé bị rối loạn giấc ngủ. Ở lứa tuổi sơ sinh, tình trạng rối loạn giấc ngủ chủ yếu do đồng hồ sinh học chưa thích nghi được. Hoặc cũng có thể các bé bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, dị ứng, nghẹt mũi, ướt tã… Nếu con bị mất ngủ do nguyên nhân nói trên, cha mẹ dễ nhận thấy thông qua sự bứt rứt và tiếng thở nặng nề. Cũng có một số bé gái ở độ tuổi dậy thì, khi gần tới kỳ kinh nguyệt sẽ mất ngủ do nội tiết tố trong cơ thể thay đổi.
|
Nhiều bé phải đi khám tâm lý vì rối loạn giấc ngủ - Ảnh: Thanh Huyền |
“Với các trường hợp này chỉ cần chữa khỏi bệnh lý đi kèm, thay đổi tư thế nằm, vệ sinh cơ thể sạch sẽ thì trẻ sẽ ngủ ngon giấc. Tuy nhiên, bé mất ngủ do bệnh tâm lý thì không phải phụ huynh nào cũng nhận ra ngay, để lâu sẽ xảy ra nhiều hệ lụ y khôn lường”, BS Triết cho biết. Với nhóm bệnh tâm lý gây rối loạn giấc ngủ hay gặp ở trẻ có thể kể: tăng động giảm chú ý, rối loạn lo âu, stress, trầm cảm…
Ám ảnh bị ép ăn, bé bốn tuổi ba tuần không ngủ
Cách đây vài ngày, BS Triết vừa khám cho một bé gái bốn tuổi tên My, ngụ tại Q.5, TP.HCM. “Khi gặp tôi, tâm trạng phụ huynh vô cùng bấn loạn. Con của họ ba tuần qua chưa hề chợp mắt, bỏ ăn. Lúc nào mệt quá cháu chỉ uống sữa, bám dính cha mẹ không rời”, BS Triết kể.
Sau khi hỏi han, BS mới rõ nguồn cơn. Bé lười ăn, cha mẹ đã gửi bệnh nhi qua nhà bà nội, nhờ bà ép con ăn hộ. Sau khi ở với bà hai ngày, trở về bé My la hét, quấy khóc. Mệt quá bé thiếp đi nhưng lại giật mình dậy ngay. Mỗi lần được mẹ bế đi về hướng nhà bà nội cháu lại giãy nảy. Quá mệt mỏi với tình trạng quấy khóc của con, cha mẹ đã cho bé My đi học mầm non để có thời gian nghỉ ngơi và đi làm. Bị gửi tới trường khiến tình trạng bé thêm nặng. My liên tục la hét, hoảng loạn, đêm về chui vào nằm giữa cha mẹ, hai con mắt thâm quầng hốc hác.
Trước biểu hiện đó của con gái, cha mẹ bé phải nghỉ làm đưa con đi khám tâm lý. BS chẩn đoán bệnh nhi bị stress nặng. BS đã trò chuyện với phụ huynh và bệnh nhi, can thiệp về tâm lý, giúp cha mẹ bé có sự điều chỉnh thích hợp, cho thuốc hỗ trợ giấc ngủ. Cháu bé đang ám ảnh, căng thẳng vì bị ép ăn như vậy, BS khuyên phụ huynh hoàn toàn không nên cho bé đi học ở một môi trường xa lạ trong thời điểm này.
Mất ngủ kéo dài do quan hệ bất hòa trong gia đình
Liên quan tới trẻ bị rối loạn giấc ngủ do bệnh tâm lý, trường hợp của bệnh nhi Hải Yến, 12 tuổi, ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM khá đặc biệt. Các BS khoa tâm lý giật mình bởi cô bé tự bứt hết một bên tóc để lộ mảng da đầu trắng hếu. Cha của Hải Yến chia sẻ với BS, con gái mình cứ một tuần lại có hai-ba đêm ngồi thức, mắt nhìn chằm chằm vào khoảng không.
Sau khi thăm khám, BS Triết kết luận Yến bị rối loạn lo âu do mối quan hệ bất hòa với chính cha ruột. Cha của cô bé bắt con học vẽ nhưng Yến lại không muốn. Bé Yến phải trải qua liệu trình điều trị tâm lý chín tháng tinh thần mới ổn định trở lại. Tuy nhiên, nếu cha mẹ của bệnh nhi không thay đổi cách tương tác với trẻ cho phù hợp thì bệnh tình của Yến rất dễ tái phát.
Ở những bệnh nhi tuổi vị thành niên, rối loạn lo âu kéo dài có nguy cơ chuyển biến thành trầm cảm. Lúc này nhiều bé chọn cách giải quyết vấn đề rất tiêu cực như tự hủy hoại bản thân, tự tử…
BS Triết vẫn còn ấn tượng sâu sắc về trường hợp của bé gái tên Hương, 14 tuổi, ngụ tại Q.Gò Vấp, TP.HCM. Hương bị sốc sau khi chuyển trường. Suốt một tuần cô bé thức trắng đêm, tới sáng Hương mệt mỏi và nghỉ học. Câu chuyện được đẩy lên đỉnh điểm ở tuần thứ hai kể từ khi chuyển trường. Bị cha bắt đi học, Hương đã dùng dao rạch tay để tự tử, rất may được phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời. Không chỉ đưa con đi điều trị nâng đỡ tâm lý, gia đình đã phải chuyển bệnh nhi trở lại trường cũ.
Qua đó, BS Triết lưu ý phụ huynh, thấy trẻ có biểu hiện mất ngủ, ngủ chập chờn không rõ nguyên nhân từ hai-bốn tuần thì phải đi khám. Nếu bé có bệnh lý thực thể cần điều trị dứt điểm (viêm hô hấp, dị ứng, trào ngược dạ dày…), thiếu dinh dưỡng thì bổ sung canxi, magiê, sắt. Trong trường hợp mất ngủ do rối loạn tâm lý trẻ lại càng cần được can thiệp sớm để tránh diễn tiến tiêu cực cho sức khỏe và tính mạng.
Thanh Huyền