Mất ngủ chịu ảnh hưởng từ di truyền

09/04/2019 - 06:00

PNO - Bên cạnh những yếu tố đời sống, chứng mất ngủ còn xuất hiện do ảnh hưởng của di truyền. Phát hiện này mở ra hướng đi mới trong việc kết hợp nhiều biện pháp điều trị.

Mất ngủ là một rối loạn đặc trưng bởi những khó khăn khi ngủ, cho dù bệnh nhân có cơ hội ngủ đủ giấc. Tình trạng này diễn ra ngắn hạn (cấp tính), kéo dài vài ngày hoặc vài tuần, hoặc dài hạn (mãn tính), kéo dài suốt một tháng hoặc hơn. Mất ngủ ngắn hạn thường xuất hiện sau các sự kiện căng thẳng, trong khi mất ngủ dài hạn thường do nguyên nhân thứ cấp, chẳng hạn như một vấn đề y tế hoặc tâm thần.

Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ, bệnh nhân mất ngủ có thể cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày, khó tập trung, học tập kém và cảm thấy cáu kỉnh, lo lắng hoặc rơi vào trầm cảm. Đồng thời, bệnh nhân mắc rối loạn giấc ngủ kéo dài cũng có nguy cơ tai nạn giao thông cao, tỷ lệ nghỉ việc nhiều hơn và ít hài lòng với cuộc sống nói chung.

Mat ngu chiu anh huong tu di truyen
 

Nghiên cứu mới, đăng trên tạp chí Nature Communications chỉ ra rằng, bên cạnh những yếu tố đời sống, chứng mất ngủ còn xuất hiện do ảnh hưởng của di truyền. 

Nhóm tác giả từ Đại học Exeter (Anh) phân tích dữ liệu di truyền của 85.670 người tham gia nghiên cứu Biobank tại Anh. Tất cả đều đeo máy cảm biến gia tốc để ghi lại mức độ hoạt động hằng ngày trong vòng một tuần. Sau đó, nhóm tiếp tục so sánh dữ liệu trên với kết quả của 5.819 tình nguyện viên sử dụng các thiết bị đồng hồ đeo tay khác. Cả hai phương pháp đều được cho là chính xác hơn so với dữ liệu tự báo cáo.

Kết quả, nhóm phát hiện ra 47 vị trí gen di truyền liên quan đến thời lượng, chất lượng và thời gian ngủ. Trong số đó, 26 vị trí liên quan đến chất lượng giấc ngủ và 10 vị trí liên quan đến thời gian bắt đầu giấc ngủ chưa từng được xác định trước đây. 

Theo trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Andrew Wood, “các gen điều khiển chất lượng giấc ngủ” có liên quan đến việc sản xuất serotonin, chất dẫn truyền thần kinh liên kết với giấc ngủ sâu, sảng khoái. 

Đặc biệt, một gen có tên PDE11A ảnh hưởng đến cả thời lượng và chất lượng giấc ngủ. Thành viên nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Samuel Jones kết luận: “Nghiên cứu giúp xác định các biến thể di truyền ảnh hưởng đến đặc điểm giấc ngủ và sẽ cung cấp những hiểu biết mới về vai trò của giấc ngủ ở người. Từ đây, chúng ta có thể tìm ra các phương pháp điều trị mới”.

Dù không thể điều khiển yếu tố di truyền nhằm chống lại chứng mất ngủ, chúng ta vẫn có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa, thông qua thói quen hằng ngày:

- Vệ sinh giấc ngủ: loại bỏ các hành vi, thói quen xấu làm giảm sút chất lượng và thời lượng giấc ngủ, chẳng hạn: sử dụng thiết bị điện tử, tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường, caffeine, chất cồn, tập thể dục quá trễ vào buổi tối. Thiết lập thời gian ngủ hợp lý, đảm bảo giấc ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm.

- Quản lý stress và lo âu: các triệu chứng mất ngủ có thể được kích hoạt bởi lo âu. Ngược lại, chất lượng giấc ngủ kém có thể làm tăng sự căng thẳng. Hai chiều hướng tác động tạo nên một vòng lặp và có thể dẫn đến chứng mất ngủ mãn tính. Vì thế, ngay từ những dấu hiệu đầu tiên của căng thẳng và rối loạn giấc ngủ, hãy giải quyết triệt để nguyên nhân khiến bạn lo âu.

- Cẩn thận với trầm cảm: mất ngủ có thể là triệu chứng của trầm cảm; tuy nhiên, hầu hết mọi người chỉ quan tâm đến dấu hiệu của mất ngủ mà quên đi nguyên nhân đằng sau. Vì vậy, nếu các thay đổi lối sống khác không giúp cải thiện tình trạng mất ngủ, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, kiểm tra đầy đủ hơn.

- Thuốc không phải là phương án tối ưu: tự ý sử dụng các loại thuốc không kê đơn không phải là lựa chọn an toàn, hợp lý. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng các biệt dược như zolpidem, eszopiclone, zaleplon hoặc ramelteon nhằm tái lập chu kỳ ngủ tự nhiên. Dù vậy, nhóm thuốc trên cũng đi kèm tác dụng phụ như chóng mặt, mệt mỏi, hoặc mộng du.

Tấn Vĩ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI