Mật ngọt giêng hai

27/02/2020 - 14:15

PNO - Đã từng nếm vị đắng sầu đâu, ít ai có thể tưởng tượng rằng hương sầu đâu lại ngọt ngào dường ấy. Ngọt, và nồng say như mật.


Tuổi thơ tôi gắn liền với trái sầu đâu. Cây sầu đâu dễ mọc, lớn nhanh, mà lại hữu dụng, nên mẹ tôi cứ mặc cho nó tha hồ phát triển. Miền Bắc gọi cây sầu đâu là cây xoan. Trung - Nam bộ thì gọi bằng những cái tên na ná: sầu đông hoặc thầu đâu. Những cây sầu đâu lâu năm, phần gỗ lõi ngả đen mun lượn màu cánh gián, đem đóng bàn, tủ hoặc làm nhà đều khỏi chê. Vân đẹp, gỗ bền, không mối mọt, chỉ mỗi tội hơi mềm…

Ngày xưa, dân gian đem vỏ cây làm thuốc xổ giun sán, lá cây dùng làm thức ăn gia súc, làm phân xanh, hoặc giú các loại quả xanh cho mau chín. Giống sầu đâu Ấn Độ, lá của nó còn có thể dùng để làm gỏi ăn ngon phải biết. Với những cây sầu đâu to, thân vững chãi, mẹ tôi còn tận dụng trồng thêm bụi thanh long bên dưới gốc cây.

Thanh long rất “chịu” cảnh sống ký sinh bám vỏ sầu đâu, cứ thế tựa gốc mà leo lên; đụng chạc ba là bắt đầu vươn tay đẻ nhánh; rễ phụ chằng chịt bấu víu, hút nhựa sầu đâu mà ra hoa kết quả… 

Sầu đâu xanh tốt suốt mùa hè. Nhưng đến cuối đông, lá sầu đâu ngả vàng, rụng tiệt, trơ cành nhánh khẳng khiu hệt bộ xương khô cô đơn giữa giá rét. Lúc này, nhìn cây, rất dễ nhầm tưởng nó đã… chết khô. Vậy mà ra giêng, chỉ ấm trời ít hôm, cây đã cựa mình thức giấc, đầu cành tua tủa lộc non. Rồi vội vàng xanh, hối hả xanh. Cái màu xanh nõn nà bắt mắt nhanh chóng bung ra, phủ kín “bộ xương khô” trong một thời gian chừng non tháng. Và trổ đầy hoa trắng, bung xòe rực rỡ, lợp lá lợp cành…

Và hương!

Bắt đầu cữ giêng hai, hoa sầu đâu mãn khai dậy hương ngan ngát suốt đêm. Đã từng nếm vị đắng sầu đâu, ít ai có thể tưởng tượng rằng hương sầu đâu lại ngọt ngào dường ấy. Ngọt, và nồng say như mật. Say ong say bướm. Say giọng chích chòe gọi bạn tình đêm đêm khắc khoải… Và say luôn cả người đang lặn lội tìm xuân trong giấc mộng giêng hai hư thực đến mê người… 

Y Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI