Mắt mờ, tổn thương do xài kính áp tròng “hàng độc”

05/12/2024 - 06:28

PNO - Để tạo phong cách riêng, giới trẻ đang săn kính áp tròng độc đáo, biến đổi tròng mắt thành mắt mèo, mắt báo, ngôi sao, trái tim… Nhiều người đã bị tổn thương mắt nặng do thói quen này.

“Hàng độc” mới sành điệu

Các loại kính áp tròng  đổi màu mắt, định hình tròng đen mắt được giới trẻ ưa chuộng  - Ảnh minh họa
Các loại kính áp tròng đổi màu mắt, định hình tròng đen mắt được giới trẻ ưa chuộng - Ảnh minh họa

Nam sinh N.Q.H. (17 tuổi, ở quận Bình Thạnh) luôn nghĩ rằng tròng kính càng độc lạ thì càng sành điệu. H. không bị cận thị nhưng thích mang kính áp tròng, bởi cảm thấy mắt sẽ to và thu hút hơn. Trước đây, H. chỉ đeo loại đổi màu mắt nâu, hoặc xanh dương, xanh lá.

Vài tháng nay, H. biết đến 1 hội cosplay (hóa trang thành nhân vật yêu thích) trên mạng xã hội, từ đó biết thêm nhiều loại kính độc đáo khác “biến” tròng đen thành hình ngôi sao, trái tim, bông hoa, đầu mèo, mắt mèo, mắt báo…

Trong lần xem live stream trên Facebook, H. mua kính áp tròng mắt hổ với giá 57.000 đồng, mang đi chơi được bạn bè khen. Người bán giới thiệu kính nhập từ Hàn Quốc, bảo hành 6 tháng. Sau 3 ngày mang kính, mắt của H. bị cộm xốn, chảy nước mắt. Cố mang thêm 2 ngày nữa, mắt sưng tấy, đau nhức, H. phải vào Bệnh viện Mắt TPHCM khám. Bác sĩ chẩn đoán H. bị viêm mắt, trầy giác mạc phải uống thuốc kháng viêm, kháng sinh nhiều ngày.

Tậu được cặp kính biến tròng đen thành hình mạng nhện màu xanh nước biển hiếm gặp, M.K. (25 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) thích thú khi bạn bè ganh tỵ. K. mang kính kể cả lúc ngủ, chỉ tháo kính vệ sinh vào buổi sáng rồi đeo trở lại. Làm “người nhện” được gần 1 tuần, K. bị ngứa xung quanh mắt, mỏi và chảy nước mắt liên tục, tới khi nhìn mờ phải đi khám, K. được bác sĩ cho biết bị loét giác mạc nặng phải nhập viện. Bác sĩ cố gắng giúp K. giảm viêm mắt, kiểm soát để không bị giảm thị lực thêm, nhưng cô cần điều trị lâu dài.

Theo chuyên viên khúc xạ Phan Đằng Long - Khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt TPHCM - kính áp tròng là dụng cụ hỗ trợ thị lực. Một số bạn trẻ không bị cận cũng dùng như phụ kiện thời trang và bị tổn thương giác mạc do sử dụng kính kém chất lượng.

Việc vệ sinh kính rất quan trọng

Chuyên viên khúc xạ Phan Đằng Long thăm khám cho người bệnh - ẢNH: PHẠM AN
Chuyên viên khúc xạ Phan Đằng Long thăm khám cho người bệnh - Ảnh: Phạm An

Kính áp tròng dễ sử dụng, di chuyển cùng với mắt nên giúp người bị tật khúc xạ nhìn rõ hơn; không ảnh hưởng bởi khói bụi, mồ hôi, nước mưa… Tuy nhiên, đa số người chuộng kính áp tròng thường không tuân thủ tư vấn của bác sĩ, cũng như hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.

Việc giới trẻ chạy theo trào lưu đổi màu mắt, “tạo hình” tròng đen mắt, chấp nhận mua kính trôi nổi là nguyên nhân gây trầy xước giác mạc, viêm loét, nhiễm trùng. “Thậm chí, có bệnh nhân không nhận ra mắt đang bị tổn thương do kính áp tròng, tiếp tục đeo cho tới khi đau nhức, nhìn không rõ mới đến bệnh viện, lúc đó tình trạng viêm nhiễm đã nặng. Đã có bệnh nhân không thể hồi phục thị lực mà phải phẫu thuật ghép giác mạc mới nhìn thấy được” - ông Phan Đằng Long cho biết.

Giác mạc mắt mỏng, rất dễ bị tổn thương. Bệnh nhân cần đến bác sĩ khám, chọn loại kính phù hợp, bảo đảm không bị viêm nhiễm đang tiến triển tại mắt… Đeo kính áp tròng thời gian dài khiến mắt không đủ độ ẩm, làm giảm khả năng bôi trơn tự nhiên, dẫn đến khô và mờ mắt. Kính áp tròng che phủ giác mạc, hạn chế lượng ô xy đến mắt. Nếu đeo kính quá lâu hoặc dùng loại kính không thoáng khí, giác mạc có thể bị thiếu ô xy, gây sưng và mờ mắt. Vì vậy, người dùng nên nhỏ nước mắt nhân tạo thường xuyên để làm dịu mắt, trung bình từ 8-10 tiếng cần tháo kính ra cho mắt thư giãn.

Trước khi đeo phải ngâm rửa kính bằng dung dịch dùng riêng cho kính áp tròng nhằm giảm thiểu ký sinh trùng, vi khuẩn. Vệ sinh tay thật sạch khi tháo, lắp kính, vệ sinh hộp đựng kính hằng ngày.

“Việc tháo và vệ sinh kính rất quan trọng. Rất nhiều bạn trẻ mang kính áp tròng thời gian dài, thậm chí ngủ qua đêm không tháo kính gây viêm nhiễm nặng nề. Khi được hỏi, người bệnh cho biết do người bán nói có thể đeo kính xuyên suốt. Điều này rất nguy hiểm. Lạm dụng kính áp tròng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mắt mạn tính: loét giác mạc, tăng nhãn áp, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như mù lòa” - ông Phan Đằng Long lưu ý.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI