|
Bệnh nhân Võ Thị V. sau khi đi trị bệnh về mắt hơn một năm, mới phát hiện bị u não |
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ (BS) Huỳnh Lê Phương, Trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, cho biết trung bình một tháng, khoa phẫu thuật khoảng 100 ca u não các loại. Trong đó, có rất nhiều bệnh nhân bị u vùng tuyến yên có triệu chứng mờ mắt, mắt bị lác, nhìn đôi… mà chỉ đi điều trị triệu chứng về mắt. Đến khi mắt nhìn không rõ, hoặc giảm thị lực hoàn toàn thì mới được phát hiện nguyên nhân bệnh do u não. Khi đó, khối u đã rất to, nguy hiểm tính mạng, và nhiều trường hợp thị lực không thể phục hồi.
Chớ xem thường triệu chứng mắt mờ, nhìn đôi
Khi được thông báo kết quả, anh D. và gia đình hoang man, lẫn ngạc nhiên. Người nông dân hiền lành không hiểu tại sao bị u não mà anh lại bị mờ mắt, chứ không phải nhức đầu như người hàng xóm vừa mất vì điều trị trễ u não. Anh Lê Văn D. kể: “Hai năm trước, tự dưng một bữa tôi thấy mắt bị mờ. Tưởng mình đi làm đồng về mệt nên bị vậy, nhưng nghỉ ngơi xong mắt vẫn không sáng. Mỗi ngày, mắt mờ hơn một chút và ra nắng rất khó chịu”.
Anh D. đến một BV để khám mắt, BS nói mắt bị khô và cho thuốc uống, thuốc nhỏ mắt. Mười ngày sau không đỡ, nên anh D. chuyển qua BV khác, BS cũng nói bị khô mắt. Khi anh đi TP.HCM khám mắt, BS nói bị teo gai thị. Đến tháng 11/2020, do mắt mờ hẳn nên anh D. đến BV Chợ Rẫy khám mới “lòi” ra u não.
Dù anh D. đã được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u nhưng tiên lượng về thị lực, BS Huỳnh Lê Phương cho biết “khó phục hồi hoàn toàn vì dây thần kinh thị giác bị chèn quá lâu”.
Còn chị Võ Thị V., 49 tuổi, ở H.Ba Tri, tỉnh Bến Tre, nằm ở phòng số 1 Khoa Ngoại thần kinh, cứ lấy tay che mắt trái rồi nhìn dáo dác xung quanh, rồi lại lấy tay che mắt phải. Đây là chuyện thường gặp ở khoa này, vì bệnh nhân bị u tuyến yên phát triển to chèn ép dây thần kinh thị giác làm mờ mắt, hay dùng cách này để kiểm tra mắt mình còn nhìn rõ không. Chị V. cho biết, hơn một năm trước, lúc nhìn ra nắng, chị thấy mắt phải bị chói và nhìn hình bị nhòe.
Vài ngày sau, mắt bị nhòe nhiều hơn, chị đi khám ở BV huyện, và BV tỉnh thì đều được chẩn đoán bị khô mắt. Điều trị hơn hai tháng không đỡ, chị V. lên một BV ở TP.HCM khám, cũng được chẩn đoán mắt bị khô. Tiếp tục điệp khúc uống thuốc nhưng bệnh không thuyên giảm, chị V. tìm đến một BS chuyên về mắt.
Lúc này, BS khuyên chị đến BV Chợ Rẫy khám thần kinh và được chụp MRI não. Kết quả khám cho thấy chị V. có khối u tuyến yên với kích thước 3,5 - 4cm. Khối u chèn dây thần kinh thị giác, khiến mắt chị bị ảnh hưởng; thị lực mắt phải chỉ còn 3/10, mắt trái giảm thị lực nặng.
Không phải tất cả u não đều nguy hiểm
Rất nhiều bệnh nhân, sau khi được chẩn đoán u não thì tinh thần suy sụp, nghĩ là dấu chấm hết. Trong khi đó, BS Huỳnh Lê Phương khẳng định: “Đừng nghĩ bị u não là chết, có những u não, sau khi mổ xong hồi phục triệu chứng hoàn toàn, vẫn có cuộc sống sinh hoạt bình thường”.
BS Huỳnh Lê Phương phân tích: không phải tất cả u não đều nguy hiểm. U não nguy hiểm hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố: vị trí u, kích thước u, tính chất u (u lành tính hay không lành, mô u như thế nào, nguồn gốc tế bào u từ mô não, từ màng não hay do tế bào u di căn…) và cuối cùng là sự xâm lấn của cấu trúc u đó với cấu trúc thần kinh, mạch máu và mô não lành quan trọng xung quanh u.
Có những u lành vị trí nằm sâu, dù kích thước không quá lớn, nhưng đã xâm lấn tới cấu trúc thần kinh mạch máu mô não quan trọng thì điều trị là một thử thách. Nhưng ngược lại, có những u não dù chẩn đoán trước mổ nghi ngờ u ác tính nhưng kích thước nhỏ, nằm gần ngoài mặt vỏ não và ranh giới u chưa xâm lấn nhiều, thì vẫn tiên lượng tốt cho bệnh nhân.
“Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị u não như: phẫu thuật lấy trọn u đơn thuần; phẫu thuật lấy bán phần u kết hợp bổ sung xạ phẫu tia gamma; phẫu thuật lấy u hoặc sinh thiết mô u bằng thiết bị định vị không gian 3 chiều (3D) xác định chính xác vị trí u, dùng cho những trường hợp khối u nằm sâu, giúp phẫu thuật không gây tổn thương các cấu trúc mạch máu, dây thần kinh mô não quan trọng cận kề. Với u ác tính sẽ phẫu thuật lấy u kết hợp xạ phẫu, xạ trị, hóa trị và gen trị liệu theo phác đồ chặt chẽ”, BS Huỳnh Lê Phương nói.
Như trường hợp anh Nguyễn Văn T., 42 tuổi, ở tỉnh Lâm Đồng. Hai năm trước, anh ngủ dậy thì bị mờ mắt. Anh T. đi khám mắt, BS kết luận bị tật khúc xạ và cho đeo kính. Tuy nhiên, đeo kính cũng không giúp anh T. nhìn rõ hơn và mắt ngày càng giảm thị lực nặng. Sau khi một bên mắt gần như không nhìn thấy, anh T. đến BV Chợ Rẫy khám thì được chẩn đoán bị u vùng sàn sọ trước xâm lấn hố yên.
Nhắc về ca này, BS Huỳnh Lê Phương, người trực tiếp phẫu thuật, cho hay: “Anh T. bị u màng não vùng củ yên. Khi anh đến BV thì tình trạng mắt đã mờ một bên, khối u đã 4-5cm, xâm lấn cấu trúc thần kinh, mạch máu kế bên, chèn dây thần kinh thị giác. Với những ca đã xâm lấn, cuộc mổ sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, ca phẫu thuật của anh T. đã thành công và đến nay, sau một năm mổ, anh đã hồi phục hoàn toàn”.
Có một điều đáng tiếc là hầu hết trường hợp bị u não khi đến BV thì gần như u đã rất to, hoặc đã xâm lấn gây ảnh hưởng đến các mô cơ quan trong sọ. Đặc biệt, những trường hợp u vùng sàn sọ, vùng tuyến yên rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý về mắt. Có những người đi điều trị giảm thị lực, liệt vận nhãn, mắt bị song thị trong nhiều tháng, nhiều năm, đến khi mắt bị mất thị lực thì mới phát hiện u não. Khi đó, chỉ hy vọng điều trị được u não còn thị lực khó có cơ hội phục hồi. Với những trường hợp đến sớm, đến kịp thời thì kết quả khả quan.
Thùy Dương