Mắt mờ do bệnh nguy hiểm mà cứ tưởng hậu COVID-19

31/03/2022 - 06:19

PNO - Bác sĩ Trần Đình Minh Huy, giảng viên bộ môn mắt Trường đại học Y Dược TPHCM, đại sứ Viện Cận thị thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cảnh báo về tình trạng nhiều người chủ quan khi xuất hiện triệu chứng nhìn mờ, nghĩ do hậu COVID-19 nhưng thực tế lại là các nguyên nhân nguy hiểm khác.

Nữ bệnh nhân nghĩ rằng mình bị nhìn mờ và cảm giác có đốm đen ở mắt do hậu COVID-19 nhưng khi đi khám phát hiện bị nhiễm ký sinh trùng từ mèo - ẢNH: M.H.
Nữ bệnh nhân nghĩ rằng mình bị nhìn mờ và cảm giác có đốm đen ở mắt do hậu COVID-19 nhưng khi đi khám phát hiện bị nhiễm ký sinh trùng từ mèo - Ảnh: M.H.

Vài ngày nay, khi khám và nghiên cứu tại Trung tâm Mắt, Viện Nghiên cứu và Đào tạo thị giác Hải Yến, bác sĩ Trần Đình Minh Huy liên tiếp ghi nhận các bệnh nhân bị nhìn mờ, suy giảm thị lực. Tất cả bệnh nhân đều mặc định mình bị như vậy là do hậu COVID-19. Tuy nhiên, thực chất đó là triệu chứng do ung thư di căn, đái tháo đường biến chứng, nhiễm ký sinh trùng từ mèo. 

Điển hình là trường hợp bệnh nhân N.T.Đ. (68 tuổi, quê quán Đồng Nai). Ngày 28/3, bà Đ. đến khám, mô tả khoảng hai tuần nay nhìn xa bị mờ, kèm nhức đầu và cho rằng đây là hậu quả do các đợt sốt khi mắc COVID-19. Hàng xóm của bà cũng có người bị giống như vậy và đã tự hồi phục sau vài tuần. Do đó, hai tuần nay bệnh nhân chỉ theo dõi và tự uống vitamin tại nhà với hy vọng cơ thể hồi phục hoàn toàn giai đoạn hậu COVID-19 thì những triệu chứng ở mắt cũng sẽ khỏi.

Sau khi khám và hỏi bệnh sử bà Đ., bác sĩ Huy phát hiện ngoài nhìn mờ và nhức đầu, bà còn bị tình trạng song thị - nhìn một thành hai; mắt trái bị lé vào trong. Ngoài ra, cách đây bốn năm, bà đã phẫu thuật ung thư vú, và vẫn đang điều trị ung thư bằng thuốc.

Bà Đ. cũng nhớ lại, trước thời điểm mắc COVID-19, thi thoảng bị các đợt nhức đầu rồi tự hết. Xét thấy bà Đ. có nhiều yếu tố nguy cơ và dấu hiệu bất thường chứ không chỉ đơn giản là do hậu COVID-19 nên bác sĩ chỉ định chụp MRI sọ não - hốc mắt và phối hợp thăm khám với bác sĩ ung bướu. Kết quả xác nhận đây là trường hợp K vú di căn não gây chèn ép dây thần kinh nội sọ làm xuất hiện các triệu chứng bệnh nhân đang phải chịu đựng. Điều này cho thấy có thể một số bệnh khác vẫn đang diễn tiến đi kèm với một bệnh nhân mắc COVID-19. 

Một trường hợp khác là bệnh nhân P.Đ.T. (54 tuổi, ngụ tại Q.Bình Thạnh). Ngày 25/3, ông T. đi khám vì mờ mắt ba tuần nay. Ông kể đã nhiễm COVID-19 cách đây một tháng và phải nhập viện điều trị khoảng một tuần. Ông T. có tiền sử điều trị đái tháo đường khoảng bảy năm nay. Từ khi khỏi COVID-19 và được xuất viện hai ngày, ông bỗng bị mờ một bên mắt. Bệnh nhân hỏi bạn bè cũng bị COVID-19 và được tư vấn rằng uống vitamin sẽ cải thiện.

Thế nhưng, ông uống vitamin và chờ ba tuần nay, thị lực vẫn chưa hồi phục. Khi thăm khám, bác sĩ Huy ghi nhận thị lực mắt trái bệnh nhân giảm rất sâu so với thị lực của mắt còn lại, nhãn áp bình thường. Tiếp đến, lúc nhỏ dung dịch dãn đồng tử để kiểm tra ở phía đáy mắt, bác sĩ thấy hình ảnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc và tình trạng xuất huyết rải rác trên võng mạc, tắc nghẽn nặng đường thoát lưu máu từ mắt. Bệnh nhân đã được điều trị đặc hiệu, yêu cầu tái khám theo lịch để theo dõi các biến chứng. Biến chứng ở mắt này thường hay gặp trên bệnh nhân đái tháo đường nếu không được kiểm soát tốt đường huyết và theo dõi sát sao.

Thêm một ca khác là cô gái trẻ 23 tuổi, tên N.T.B.S. (ngụ tại Q.Phú Nhuận). S. tới khám chiều 28/3 vì tưởng mình bị mờ mắt phải một tuần nay và cảm giác như có một đốm đen to ở phía trước mắt là do hậu COVID-19. Thế nhưng khi hỏi kỹ, bác sĩ thấy thời điểm bệnh nhân bị COVID-19 đã cách đây ba tháng. Sau đó, S. từng đi khám và theo dõi hậu COVID-19 tại một bệnh viện đa khoa nhưng chưa ghi nhận gì bất thường.

Bác sĩ Huy thăm khám và thấy các triệu chứng tại bán phần trước của mắt bệnh nhân ổn định, ngoại trừ phản xạ đồng tử mắt bên phải có bất thường nhẹ. Sau khi nhỏ dung dịch làm dãn và kiểm tra kỹ ở đáy mắt thì bác sĩ phát hiện phù đĩa thị giác và lắng đọng vùng hoàng điểm. Đây là tình trạng rất đặc trưng của một trường hợp viêm võng mạc thần kinh liên quan đến nhiễm một loại ký sinh trùng đặc biệt thường gặp ở mèo. 

Từ những trường hợp trên, bác sĩ Huy lưu ý, khi mắc COVID-19, chúng ta có thể gặp các triệu chứng tại mắt và một số rối loạn về thị giác. Tuy vậy, không phải mọi triệu chứng tại mắt hoặc rối loạn thị giác ở người nhiễm COVID-19, hậu COVID-19 đều là do ảnh hưởng từ vi-rút SARS-CoV-2. Bởi thế, bệnh nhân luôn cần sự tư vấn kịp thời, có chuyên môn của các bác sĩ tại những cơ sở thăm khám uy tín. Người dân đừng nên suy diễn, nghe đồn đoán dẫn tới hướng điều trị bị sai lệch, bỏ qua cơ hội được can thiệp sớm. 

 Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI