Mất mạng vì... kem mây, snack khói?

27/12/2016 - 07:01

PNO - Hai món ăn thời thượng “kem mây, snack khói” gần đây khiến giới trẻ Sài Gòn điên đảo. Không phải vì món ăn ngon mà bởi độ “sành điệu” khi vừa thưởng thức món, vừa “nhả khói” đầy mũi miệng.

Hai món ăn thời thượng “kem mây, snack khói” gần đây khiến giới trẻ Sài Gòn điên đảo. Không phải vì món ăn ngon mà bởi độ “sành điệu” khi vừa thưởng thức món, vừa “nhả khói” đầy mũi miệng. Vui là vậy, nhưng đằng sau những món độc, lạ này là nguy cơ bỏng lạnh, rụng răng, thủng dạ dày…

Trào lưu gây sốt

Tiệm kem mới khai trương trên đường Khánh Hội (Q.4, TP.HCM) lúc nào cũng đông khách. Thanh (19 tuổi, ngụ Q.4) đi cùng nhóm bạn không cần xem thực đơn, gọi ngay: “Kem mây, snack khói đi anh”. Chỉ năm phút sau, nhân viên đem đến những món ăn tỏa khói nghi ngút. Thanh nhanh chóng cho đầy snack vào miệng, sau đó mũi, miệng thi nhau “phà khói”. Thành viên đi cùng nhanh chóng chụp khoảnh khắc đó rồi đưa lên facebook khoe.

Nhân viên quán tên Mai "bật mí", món này giờ “sốt” lắm, nhờ nó mà quán được nhiều khách biết tới. Mai giải thích, “kem mây, snacks khói” hay còn gọi là kem nitơ lỏng gần đây được du nhập từ các nước châu Âu. Kem tươi được làm lạnh rất nhanh bằng nitơ lỏng. Công đoạn này chỉ kéo dài trong chưa đến 20 giây sẽ cho ra lò một ly kem mềm mịn đủ hương vị cho khách hàng lựa chọn.

“Muốn thưởng thức một cách sành điệu, khách phải ăn nhanh khi kem còn nghi ngút khói. Vừa ăn kem vừa phà khói đầy mũi, miệng như hút thuốc nên khách hàng rất hào hứng”, Mai khoe. Món ăn thời thượng này hiện có hầu hết trong thực đơn các quán chè kem, sinh tố từ nhà hàng sang trọng đến quán bình dân. Giá dao động từ 20.000- 60.000đ/ly.

Mat mang vi... kem may, snack khoi?
Nhân viên chế biến món ăn có nitơ lỏng với khói bốc nghi ngút

Tại một quán chè vỉa hè xập xệ trên đường An Dương Vương (Q.6, TP.HCM), trên những chiếc ghế vừa để ngồi, vừa làm bàn, từng nhóm bạn trẻ háo hức chờ được phục vụ. Quầy pha chế đưa hẳn ra ngoài để khách hàng mục sở thị. Trong những cái tô lớn, người pha chế nhanh tay cho kem tươi vào rồi bơm nitơ lỏng lên. Sau đó đảo nhanh tay để kem tươi đông cứng, rồi thêm các hương dâu, kiwi, vani… tùy theo yêu cầu của khách. Trong tích tắc, khách có ngay một ly kem hương vị như mong muốn và dày đặc khói. Vừa dọn món, người này vừa nhắc: “Ăn nhanh nha, quá ba phút là không còn “nhả khói” được đâu”.

Lân la làm quen với Trình - người pha chế kem mây trên đường Thành Thái (Q.10, TP.HCM), chúng tôi để ý thấy kem tươi đựng trong bọc nhựa, từng bịch snack và các chai hương liệu tạo mùi không có bao bì, nhãn mác. Trình giới thiệu: “Tất cả đều do mình tự làm nên đảm bảo an toàn”.

Hỏi Trình có học qua làm kem nitơ ở đâu không, Trình thật thà: “Mình coi trên các trang mạng của nước ngoài rồi hỏi thêm bạn bè, sau đó tự mua khí nitơ lỏng về thử nghiệm. Thấy mọi người ăn khen ngon, lạ và gợi ý mở quán nên mình thử sức chứ cũng không qua trường lớp gì. Còn về liều lượng kem, nitơ lỏng dùng như thế nào thì mình “nhắm nhắm” cho đại chứ cũng không có công thức”.

Món lạ lắm nguy cơ

Lần đầu thử snack khói, Nguyễn Thị Trà (sinh viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM) bộc bạch: “Thấy bạn bè khoe trên facebook dữ quá nên em thử cho biết. Cảm giác đầu tiên là tê buốt răng và lưỡi, vì muốn nhả được khói thì phải ăn nhanh. Món ăn cũng bình thường, chỉ có điều là “lạ”. Còn Nhung (ngụ Q.5, TP.HCM) kể, sau khi ăn kem mây, snack khói, cổ họng đau rát, lưỡi có cảm giác như nứt từng mảnh, ăn uống không còn cảm giác.

Trao đổi với TS Phan Thế Đồng - Trưởng khoa Khoa học cơ bản trường ĐH Hoa Sen TP.HCM, ở các nước Tây Âu, nitơ lỏng được sử dụng phổ biến để pha chế một số loại cocktail cầu kỳ. Người ta có thể dùng dạng khí hóa lỏng này làm chất đông kết nhanh, và một số quán dùng nó để làm lạnh ly cốc hoặc đông lạnh các thành phần, tạo làn khói huyền ảo. Gần đây, nitơ lỏng được sử dụng phổ biến tại Việt Nam trong lĩnh vực bảo quản, chế biến thực phẩm.

“Nitơ lỏng có nhiệt độ rất thấp nên khi ra khỏi bình chứa nó sẽ bay hơi và tạo khói ngay. Khí này thường được ứng dụng trong việc bảo quản mẫu. Mặc dù nitơ không phải là khí độc nhưng có thể gây bỏng lạnh hoặc hoại tử da khi tiếp xúc nhiều, ở mức độ lớn bởi vì nó rất lạnh”, TS Đồng cho biết.

Theo các chuyên gia hóa học, nhiệt độ của nitơ lỏng là khoảng -1960 C và có thể gây bỏng lạnh nếu tiếp xúc trực tiếp. Nguy hiểm hơn khi hít phải khí nitơ nồng độ cao vào máu, não bộ sẽ phát một tín hiệu cho haemoglobin (đây là một protein phức tạp chứa phần tử sắt có khả năng thu nhập, lưu trữ và phóng thích ôxy trong cơ thể) ngừng vận chuyển ôxy làm tim ngừng đập. Nitơ lỏng có thể được ứng dụng phổ biến trong việc chế biến thực phẩm nhưng nó không phải chất an toàn nên phải cẩn thận.

Trẻ em ăn đồ quá lạnh dễ dẫn đến bệnh viêm hô hấp trên, hư răng, nguy cơ rụng răng cũng rất có khả năng xảy ra. Để đảm bảo an toàn sức khỏe, đối với những món ăn tỏa khói bắt mắt như kem khói, snack khói, nên hạn chế sử dụng và chỉ nên ăn khi nitơ lỏng được thêm vào đã bốc hơi hoàn toàn. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng nên quan tâm đến thành phần làm kem, snack, các loại hương tạo màu, mùi. Hơn nữa, cũng cần quan tâm đến bình chứa nitơ lỏng có an toàn hay không. Nếu bình chứa không sạch, nhiễm vi sinh (một số bào tử của vi sinh vật có thể sống ở nhiệt độ rất thấp), nhiễm kim loại nặng, nhiễm tạp chất độc hại thì dĩ nhiên nitơ lỏng chứa trong nó không thể sử dụng an toàn cho thực phẩm - TS Đồng khuyến cáo.

Lê Thành 

Mới đây, một cô gái đến từ Anh suýt mất mạng sau khi uống loại cocktail tên là Jagermeister được pha với nitơ lỏng để tạo hiệu ứng tỏa khói trong dịp sinh nhật lần thứ 18. Cô bị khó thở, đau bụng dữ dội và được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ đã phải ngay lập tức cắt bỏ dạ dày của cô gái này để bảo toàn tính mạng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI