PNO - PN - Sáng 17/11, lũ đã bắt đầu rút. Những đôi mắt vừa vô vọng vừa hy vọng như muốn xé một khúc sông để tìm xác em Nguyễn Minh Tâm, học sinh lớp 12, ngụ khu dân cư số 2, thị trấn Mộ Đức, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi.
edf40wrjww2tblPage:Content
Trên bờ, bà ngoại của em khóc ngất. Ba bỏ nhà ra đi, mẹ phải lê đôi chân bị bệnh khớp vào Sài Gòn kiếm sống, nuôi con, nên hai anh em Tâm sống với ông bà ngoại. Căn nhà cấp 4 cũ nát nằm cô lẻ giữa đồng nước mênh mông. Đã hai ngày không nước uống, lương thực, họ phải dằn lòng co cụm chờ nước rút. Nhìn em và ông bà đói phờ phạc, Tâm nói với ngoại: “Ngoại cho con lấy ghe đi mua mì gói”. Chưa kịp can ngăn, thì ông bà đã nghe tiếng cháu kêu cứu. Bà Trần Thị Hồng, bà ngoại Tâm phóng ra ngay, bất chấp dòng nước chảy xiết, nhưng không kịp, Tâm đã bị dòng nước hung dữ cuốn xoáy mất tăm, đến khoảng 15g30 ngày 17/11 mới tìm thấy xác.
VTV ghi nhận việc xả lũ và nguy cơ gây ngập vùng hạ du
Cảnh tượng ấy chỉ là một trong vô vàn những tang thương mà người dân miền Trung đang trải qua trong đợt lũ lịch sử này. “Tôi đã gần đất xa trời, chưa bao chừ thấy lũ lớn nhanh như ri”. “Kinh hoàng, nhanh không thể tưởng, trong vòng một giờ mà nước ngập hai mét”. “Quá kinh. Ban ngày mà chạy không kịp, nói chi ban đêm, đồ đạc bỏ lại hết, giữ được thân là quý”. Những lời nói có nội dung tương tự nhau từ Bình Định đến Thừa Thiên - Huế, khi những người dân dưới họng thủy điện phải hứng chịu nước lũ tràn về. Làm sao chịu nổi khi 15 thủy điện đồng loạt xả nước cộng với mưa to. Tích tắc hàng triệu dân, hàng triệu ngôi nhà bị nhấn chìm trong biển nước, bị núi lở vùi lấp. Con số chết, mất tích, thương vong, sập nhà, mất tài sản, cứ tăng dần lên. Trâu, bò, heo, gà nổi lềnh bềnh. “Những đợt xả lũ trước, phía thủy điện đều thông báo, nhưng đợt này họ không nói chi hết, chúng tôi trở tay không kịp, thiệt hại quá nặng nề”. Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Bích Sinh, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, Quảng Nam. Đêm 16/11, họ phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, bởi chỉ sau năm phút, nước đã ngập nhà. “Nước đổ đùng đùng, nhanh quá chừng, chạy quýnh cả chân” - bà Võ Thị Hòa nói.
Dân Hòa Vang, TP. Đà Nẵng chạy lũ bở hơi tai, hàng ngàn nhà dân bị lũ nhấn chìm. “Sáng 16, ngập hết rồi, chính quyền mới nhận được thông tin các thủy điện xả lũ” - một lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang nói. Cô giáo Lê Thị Lựu, Trường THCS Mỹ Hòa (Đại An - Đại Lộc, Quảng Nam), đã mở cửa cứu hai người hàng xóm khi lũ bất thần ập vào, bàng hoàng kể: “Lúc đó chừng 10g đêm 15/11, tôi đang ngồi trong nhà thì thấy khoảng 40m đường nhựa bung toác lên, nước cuộn dữ dội, nhựa đường bắn tung lên cả mét. Ngó bên kia đường, thấy hai người đang bám cột mốc báo lũ kêu la chới với, tôi mở cửa để họ vào nhà tránh trú. Dữ dội. Quá bất thường. Chưa bao giờ chúng tôi thấy kinh khiếp như rứa”.
Lũ rút chậm, bùn ngập ngụa, trâu bò heo chết chưa kịp dọn, đường giao thông vỡ toác. Không may mắn như người khác, dọn được ít đồ rồi chạy, do có công việc gấp nên khi nước lũ bắt đầu tràn về, anh Phạm Văn Sanh ở Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi không có nhà, chỉ còn vợ là chị Lê Thị Huyền với đàn con chống chọi lũ. Trở về, toàn bộ lúa, gạo gần sáu tạ, ba con heo... đã bị nước lũ cuốn trôi. Anh Sanh nói: “Chúng tôi biết lấy gì sống đây?”. Tại huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi vẫn còn hơn 3.000 hộ bị cô lập ở các xã Sơn Cao, Sơn Linh và Sơn Nham. Ông Đặng Thứ (54 tuổi) ở xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh, nói: “Khủng khiếp. Năm 1999, cao lắm chỉ chừng 1m thôi, có đâu dữ dằn thế này. May mà bà con chạy kịp, bỏ hết tài sản”. Đồ dùng, bàn ghế, quần áo, chăn màn bị vùi dưới những lớp bùn ngổn ngang, vương vãi khắp nhà. Anh Trần Văn Sương, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh chỉ vào đống bùn, ở đó có xe máy, ti vi, như được hóa trang. “Tôi có ba con nhỏ, chỉ còn biết cách bồng con chạy. Quần áo, sách vở của con hư hết rồi, tiền đâu mà sắm đây”. Học sinh chết, mất áo quần, sách vở, hai cô giáo ở Kon Tum bị lũ cuốn trôi. Ngày 20/11 sắp đến, với học sinh và giáo viên vùng lũ, chỉ có bùn non trong phòng học chưa dọn sạch chứ làm gì có hoa mừng ngày Nhà giáo.
Nhà sập, của cải trôi theo biển nước, nhiều người dân ở Tuy Phước, Bình Định đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất
Huyện Nam Trà My của Quảng Nam, hầu hết các xã vùng cao bị cô lập do sạt lở, sập cầu treo, nhưng hiện tại nguồn lương thực dự trữ tại các xã không còn do năm nay Nam Trà My chưa nhận được viện trợ từ cấp trên. Ở kho dự trữ trung tâm huyện đang có hơn 10 tấn gạo nhưng không thể chuyển lên được vì tắc đường.
Rồi đây, người dân Tây Sơn, Bình Định sẽ phải nhớ đến… chết người cảnh họ dắt díu nhau lên nóc nhà, cành cây tránh lũ. Tại UBND huyện Tây Sơn, những cuộc gọi cầu cứu dồn dập, liên tục. Ở Phú Xuân (thị trấn Phú Phong, Tây Sơn) khi lũ đến có hơn 100 người dân phải lên nóc nhà, ngọn cây. Thoát ra được vùng lũ, người đàn ông tên Tâm đứng trước tiền sảnh UBND huyện Tây Sơn chỉ biết gào thét, ngoài kia người thân, hàng xóm của anh chìm dần trong nước. Anh Tâm nghẹn lời: “Bất lực, nửa ngày trời xoay xở nhưng không thể nào tiếp cận được mọi người ở trong vùng lũ. Chúng tôi nhìn thấy, nghe thấy họ kêu gào thất thanh, khóc khản đặc cả giọng mà không làm gì được”. Cũng thời điểm đó, ngay tại đó, Phó văn phòng UBND huyện Tây Sơn Nguyễn Thị Thống gục khóc trên bàn trực điện thoại trước những cuộc gọi cầu cứu của người dân trong mưa gió.
1g30 ngày 16/11, toàn thôn Liêm Trực (phường Bình Định, thị xã An Nhơn) bị nhấn chìm trong lũ. Cả ngàn người dân thôn Liêm Trực co ro trên những nóc nhà. Nước xiết, mạnh không một phương tiện nào có thể đi vào vùng lũ Liêm Trực ngay lúc đó. Anh Nguyễn Doãn Châu (32 tuổi, thôn Liêm Trực), kể: “Sau 30 phút, một biển nước dâng lên ngập đầu người, toàn thôn Liêm Trực chỉ còn một màu đục ngầu nước lũ. Trước đó, gia đình tôi vẫn đang ngủ, mới dợm chân xuống giường đã thấy nước lênh láng. Cả nhà tất tả leo lên tủ, bàn rồi lên nóc nhà. Ngồi trên nóc nhà nhìn con nước lên, không có một thứ gì có thể bấu víu lúc đó. Sợ hãi vô cùng!”. Người già, trẻ con ở Liêm Trực một phen hoảng loạn. Mọi thứ quá nhanh, quá bất ngờ, không ai kịp trở tay. Chị Nguyễn Thị Xoa, nức nở: “Ba phi lúa, đàn gà 20 con là vốn liếng còn lại của mẹ con tôi mà lũ vào cướp đi hết. Nước ùa về như trút, chẳng kịp chạy tháo thân nói gì đến của cải. Mẹ góa, con côi dắt nhau qua nhà hàng xóm tá túc để giữ được cái mạng là may rồi”. Già trẻ gọi nhau í ới trong đêm chạy lũ, chẳng ai kịp giữ lại chút gì. Bà Lê Thị Vĩnh Cửu (75 tuổi, thôn Liêm Trực), nghẹn ngào: “Con đau nằm viện, lũ lên, một mình thân già này chống chọi. May có bà con lối xóm đưa lên chỗ cao, cái thân này mới sống sót. Từ đêm qua đến giờ (đêm 15 ngày 16/11), may còn miếng bánh tráng sượng cầm hơi”.
Ngổn ngang, hoang tàn sau cơn lũ lịch sử
Người trong vùng lũ bị cô lập, kẻ ở ngoài đứng ngồi không yên. “Tâm trạng đâu còn để làm việc, bố mẹ già anh đang kẹt giữa vùng nước lũ. Hai người già yếu ngồi trên nóc nhà, nước lũ dâng lên không biết làm sao. Một hàng xóm cạnh nhà bố mẹ vừa bị lũ cuốn đi mất”, một đồng nghiệp của chúng tôi thảng thốt nói. 650 nhà dân bị ngập với cả ngàn người bị cô lập trong biển nước ở Liêm Trực, nhưng vào lúc cao trào đó, lực lượng cứu hộ chỉ đưa được 38 người mắc kẹt ra vùng an toàn. Số còn lại chỉ biết ngồi thấp thỏm trên những mái nhà, nhánh cây.
Dỡ ngói, đưa mẹ và con lên mái ngồi chờ cứu hộ, thoát chết gang tấc trong cơn lũ, anh Dương Đông Phong (thị trấn Phú Phong, Tây Sơn), nở nụ cười như mếu: “Lũ lớn quá, lại ùa về cả đêm, sức người không biết làm sao mà chống đỡ. Một ý nghĩ duy nhất trong tôi lúc đó phải cứu được mẹ già, con thơ. Bất chấp mưa gió, tôi đu lên nóc nhà tháo ngói, đưa mọi người lên nóc. Khủng khiếp quá, kinh hoàng quá, sinh mạng con người sao mà nhỏ bé trước thiên tai”.
Người dân không hề xa lạ với lũ, thậm chí có kinh nghiệm được đổi bằng xương máu bao đời, nhưng phen này, kinh nghiệm cũng bó tay trước cú giáng bất ngờ khi… ông thủy điện nổi giận, chứ không chỉ ông trời. Dân Đại Lộc, Quảng Nam báo động lũ bằng đánh kẻng. Dụng cụ thời nguyên thủy hiện diện giữa buổi hiện đại, để tự cứu mình. Dân chết, mất tài sản, huề cả làng, không ai chịu trách nhiệm, bởi chuyện đó nói bao nhiêu năm nay, từ họp ở xã thôn đến Quốc hội, cuối cùng cũng chỉ cho vui. Câu thơ của nhà thơ Thanh Thảo nghe đắng lòng: “Kẻ nuôi lũ để kiếm tiền, dân chạy lũ trối chết”.
Sáng 17/11, tại Hội An, một du khách châu Âu nói: “Thật đáng lo ngại nhưng tôi vô cùng khâm phục người dân nơi đây. Nhìn thấy cảnh nước lũ bao quanh và người kê dọn vật dụng trong nhà sau lũ mới thấy sự kiên trì và khả năng chịu đựng, sống chung với thiên tai”. Một lời khen đáng quý, nhưng với dân vùng lũ, nếu họ nghe được, hẳn không thể không có chút cay đắng!