Đặt sự dịu dàng, chỉn chu trong từng tiết dạy trực tuyến
Chưa năm học nào dù học kỳ 1 đã đi được ½ chặng đường, cô Phạm Thị Cẩm Tứ (GVCN lớp 2/3, Trường TH Cửu Long, quận Bình Thạnh) vẫn chưa thể gặp được 32 học sinh trong lớp mình. Mỗi tiết học cô trò chỉ gặp gỡ nhau qua màn hình.
“Điều phụ huynh lo lắng nhất là con học chương trình mới, SGK mới nhưng lại bằng hình thức online. Để phụ huynh có thể đồng hành hiệu quả trước hết giáo viên phải giúp phụ huynh hiểu cách thức giảng dạy, sự phối hợp, quan tâm đến học sinh trong mỗi tiết daỵ”.
Quan điểm là thế song giáo viên này thừa nhận, để tiết học “cuốn” được học sinh vào lại không phải dễ dàng. Phương thức là một chuyện, bước vào tiết học lại là một chuyện khác. Có thể đang dạy nhưng học sinh than mệt thì phải “đổi gió” qua hoạt động sôi động hơn. Hay thậm chí là sẵn sàng kết thúc sớm tiết học khi nhận thấy học sinh thiếu sự chú tâm.
“Bài giảng online chú trọng tăng tính tương tác, khuyến khích trẻ nêu ý kiến. Không chỉ dừng ở việc cô gọi trò trả lời mà tăng sự tham gia của trẻ vào bài học. Vận dụng tối đa công nghệ thiết kế trò chơi, hoạt động, tạo điều kiện để sản phẩm của trẻ được cả lớp ghi nhận... Nếu thiếu sự chỉn chu, dịu dàng, giáo viên rất khó có thể hạnh phúc”, cô Tứ bày tỏ.
Cô Nguyễn Thị Bích Chi (GVCN lớp 9/4, Trường THCS Vân Đồn, quận 4) cho rằng, để hạnh phúc khi dạy online, giáo viên cần “cởi bỏ” được áp lực về việc chạy theo tiến độ, phân phối chương trình. Thay vào đó hãy lắng nghe, ghi nhận những mong muốn của học sinh về một tiết học trực tuyến lý tưởng để phần nào “chuyển dịch” tương thích.
“Một ví dụ thú vị là khi tôi thực hiện khảo sát học sinh về giờ học trực tuyến, rất nhiều em bày tỏ mong muốn được nghe cô đọc sách, được tham gia vào các trò chơi, giao lưu nhiều hơn với bạn bè... Những ý kiến này của các em giúp tôi thiết kế bài giảng một cách sinh động như thành lập group, câu lạc bộ đọc sách, hoạt động trải nghiệm môn học, sưu tầm và thiết kế các video học tập phù hợp với lứa tuổi các em để đưa vào tiết dạy. Mỗi giờ học trở nên nhẹ nhàng khi cả cô và trò cùng có sự thấu hiểu nhau”, cô Chi nói.
|
Để giáo viên hạnh phúc, không mất lửa khi dạy online phụ thuộc rất nhiều vào môi trường mà nhà trường tạo ra cho giáo viên |
Giáo viên “mất lửa” không phải do dạy online
TS Xã hội học, ThS tâm lý trị liệu Phạm Thị Thuý (giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, Phân viên tại TPHCM) đánh giá, giáo viên dạy trực tuyến “mệt bằng 3 lần dạy trực tiếp” khi phải chuẩn bị nhiều thứ, từ thiết kế đa dạng hoạt động cho đến chuyển đổi giáo án trực tiếp sang trực tuyến. Giáo viên hạnh phúc khi dạy trực tuyến cũng có nhưng số giáo viên cảm thấy “cạn kiệt năng lượng”, “mất lửa” lại nhiều hơn. “Giáo viên không hạnh phúc, gặp khó khăn khi dạy học trực tuyến không phải lỗi tại dạy online mà là do yếu tố con người”, TS. Thuý thẳng thắn.
Chuyên gia này phân tích, dạy trực tuyến là phương thức dạy học mới, đa phần giáo viên chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo, tập huấn trước. Cái khó về sự thiếu cập nhật công cụ làm giáo viên lúng túng với các phần mềm, nhất là giáo viên lớn tuổi.
Cạnh đó là rào cản tâm lý e ngại khi dạy trực tuyến, tâm lý sợ đối diện với màn hình, sợ bị chê bai, phán xét... Nhiều giáo viên không chuẩn bị được tâm lý sẽ dễ cảm thấy mất lửa khi dạy trực tuyến. Các yếu tố tác động như gọi học sinh không trả lời, sự nhiễu loạn xung quanh lớp học cũng làm giáo viên cảm thấy áp lực.
“Để giáo viên hạnh phúc khi dạy học trực tuyến phụ thuộc rất nhiều vào môi trường mà nhà trường tạo ra cho giáo viên. Trong đó, là sự trợ giúp giáo viên như bồi dưỡng, tập huấn dạy học online, thậm chí là hỗ trợ giáo viên về trang thiết bị. Nếu được tập huấn bài bản, hướng dẫn tận tình thì giáo viên sẽ không khó khăn gì...”.
Từ kinh nghiệm tổ chức dạy học online trong nhà trường, cô Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) thừa nhận, để giáo viên dạy học trực tuyến được “trơn tru” đòi hỏi rất nhiều sự bền bỉ và kiên trì từ nhà quản lý cho đến từng thành viên trong nhà trường.
Ở nhà quản lý là sự lắng nghe, cầu thị, tạo môi trường để giáo viên được sáng tạo, chuyển đổi từ phương thức dạy học trực tiếp sang trực tuyến. Với giáo viên là tâm thế linh hoạt, sẵn sàng tiếp cận cái mới, không ngại khó, ngại khổ.
“Việc tập huấn cho giáo viên về các phần mềm dạy trực tuyến trong mùa dịch được nhà trường tổ chức bằng hình thức online. Trong các buổi chia sẻ, ngoài sự góp mặt của chuyên gia, những giáo viên có sự sáng tạo, thiết kế các tiết học thu hút học sinh cũng được nhà trường tạo điều kiện để thầy cô có cơ hội bày tỏ, lan toả làn sóng đổi mới trong nhà trường...”.
Cô Trang nhìn nhận, muốn hạnh phúc khi dạy online, mỗi giáo viên cần nhận thức đúng đắn về vai trò của dạy trực tuyến trong bối cảnh hiện nay. Chỉ khi nhận thức đúng mới có hành động thiết thực. Cái gì mới cũng sẽ dễ gây khó, gây nản. Thế nhưng, nếu tư tưởng giáo viên hiểu rằng đây là trách nhiệm, là công việc của mình để truyền thụ kiến thức đến học sinh trong mùa dịch, mỗi thầy cô sẽ có cách riêng để hạnh phúc, để không “mất lửa”.
Én Bông