Mát lạnh bì đá chanh hột é

06/07/2024 - 07:42

PNO - Nước đá chanh hột é thực chất chỉ là… nước chanh, nhưng khác nước chanh.

Món nước mát lạnh ngày hè - Ảnh: Vũ Thư
Món nước mát lạnh ngày hè - Ảnh: Lan Khanh

Tôi lên 6, 7 tuổi mới lần đầu được nếm những thức ăn, thức uống có ướp đá lạnh. Ngon lắm, nhất là vào những ngày hè nóng nực.

Nước đá chanh hột é thực chất chỉ là… nước chanh, nhưng khác nước chanh. Thứ nhất, nước được pha bằng đường đen thắng xi rô chứ không phải đường cát. Xi rô dì Tư đựng trong cái hũ thủy tinh, vàng óng như màu mật ong. Cạnh hũ xi rô có thêm hũ thủy tinh lớn đựng chanh. Những trái chanh muối đã ngả sang màu vàng ủng, ngâm trong nước muối lấp xấp, xếp lớp nhau đầy gần đến miệng hũ. Độc đáo nhất trong dàn nguyên liệu dùng pha món đá chanh hột é chính là cái hũ đựng hột é. Đương nhiên rồi!

Thường những buổi trưa trời quá nóng (có khi do tôi làm việc tốt giúp mẹ, đi học được điểm 10…) mà chờ ông bán kem không thấy, mẹ sẽ cho tôi 5 đồng đi mua bì (bịch) nước đá chanh hột é. Tôi hớn hở chạy bay ra quán dì Tư. Không đợi tôi mở miệng, dì Tư đã tươi cười hỏi ngay: “Đá chanh hột é phải không con?”.

Hỏi cho chắc vậy thôi chứ món khoái khẩu của tôi, mười lần như một, dì Tư còn lạ gì. Nhanh nhẹn, dì mở thùng xốp, lấy tảng đá lạnh nhỏ, rửa qua thau nước cho sạch mùn cưa hoặc trấu (dùng giữ lạnh cho đá); xong dì cho vào túi vải bố, túm miệng kê lên kệ, lật qua lật lại và dùng chày đập bôm bốp cho đá vỡ ra thật nhuyễn. Cho đá vào ly, dì mở hũ múc 2 muỗng xi rô trút gọn lên mặt đá, mở hũ chanh muối cắt miếng chanh to rồi vắt nước vô ly. Đương nhiên phải có thêm nửa muỗng cà phê hột é ngâm nở cho thêm vào rồi khuấy đều.

“Dì cho vô bì để con mang về” - tôi nói. Pha chế xong xuôi, dì Tư nhón lấy cái bịch ni lông mới vành miệng trùm kín miệng ly, xong tay giữ bì, tay bưng ly đá chanh gọn gàng dốc ngược. Nguyên ly đá chanh trôi tuột vô bì, vừa vặn đủ chỗ để dì Tư túm miệng, buộc chặt bằng sợi thun nhỏ xíu.

Đưa tiền cho dì, tôi hớn hở cầm bì đá chanh chạy về nhà. Chưa vội uống ngay đâu, còn phải cầm lăn qua lăn lại trên 2 tay, thi thoảng áp lên đôi má nóng bừng để cảm nhận hơi mát lạnh “đã đời” toát ra từ bì đá chanh kỳ diệu. Xóc xóc cho tan bớt đá, sau đó chậm rãi đưa lên miệng, dùng răng cắn thủng một góc dưới đáy bịch ni lông và… hút chậm rãi từng chút một thứ nước ngọt ngào, lạnh tê, pha vị chanh muối dịu chua măn mẳn, pha hương chanh muối sực thơm.

Cái hương vị thật “đặc chủng”, khó diễn thành lời, bởi nó vẫn là vị chanh, hương chanh, nhưng… không hề giống chanh tươi. Lâu lâu hút nhằm mấy hột é ngâm nở, dùng răng cắn “bụp” từng hạt, lập tức nghe dậy lên cái hương thơm của tinh dầu hạt é hòa trộn trong miếng nước đá chanh ngọt ngào đến mức khiến đứa trẻ cứ lúng búng ngậm hoài, tiếc không dám nuốt.

Mẹ trông cảnh ấy, cười bảo: “Uống mau đi, không nó hết lạnh”. Mẹ làm sao hiểu hết được niềm hạnh phúc níu giữ niềm vui đó. Níu giữ càng lâu, cảm giác hạnh phúc sẽ càng được kéo dài, được nhân đôi nhân ba. Vậy nên bịch đá chanh hột é bao giờ cũng phải uống dè sẻn, chậm rãi hết mức.

Nửa thế kỷ qua rồi, dòng đời xô đẩy gã đàn ông trung niên tôi lang bạt nhiều nơi. Lâu lâu ghé quán cóc vệ đường, vẫn lẩn thẩn kiếm tìm món đá chanh hột é ngày xưa như tìm kiếm tuổi thơ. Nhưng chưa bao giờ gặp lại…

Y Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI