Phòng, chống bạo lực gia đình: 10 năm loay hoay:
Ngày 1/7/2018 tới là tròn 10 năm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực. Thế nhưng trong thực tế, sau cánh cửa của nhiều gia đình, vẫn liên tiếp vang lên những tiếng kêu cứu xé lòng.
Nhiều vụ bạo lực gia đình chưa được xử lý đến nơi đến chốn, không ít vụ vẫn còn trong bóng tối, nạn nhân vẫn phải cắn răng chịu đựng từng ngày. Luật có, nhưng từ luật đến đời sống hãy còn một khoảng vênh.
Bàn tròn pháp luật, góp ý cho Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hy vọng góp những ý kiến, giải pháp để Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung luật này.
|
Bài 1: "Mất kiểm soát" số hiệu thống kê về bạo lực gia đình?
Mười năm thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PC BLGĐ), hiện không có con số thống kê chính xác về bạo lực gia đình trên cả nước. Điều ngược đời ấy là thực tế đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), cơ quan được giao trách nhiệm chính về PC BLGĐ, xác nhận.
Ông Khuất Văn Quý - Phó vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH-TT-DL - cho biết, không có thông tin về việc báo cáo này, bởi kiểm tra ở các địa phương, không nơi nào đưa nội dung PC BLGĐ vào báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp như khoản 5, điều 3 Luật PC BLGĐ quy định.
|
Chị L.T.N. bị chồng nhốt suốt đêm trong nhà, đánh đập bằng dây điện y như thời trung cổ. Khi xuất viện, chị đã trốn khỏi nhà ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi vì… sợ chồng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. |
Ai che giấu tội phạm
Lấy chồng, có hai con - một trai một gái. Gia đình khá giả, con cái đỗ đạt. Ai cũng thấy chị Văn Minh Nguyệt(*) thật may mắn, viên mãn. Cho đến một đêm, các con chị Nguyệt chở mẹ đến bệnh viện đa khoa Cái Bè cấp cứu, vì bị anh Tấn, chồng chị đánh đến chấn thương sọ não. Đến lúc này, cha mẹ chị mới biết con mình đã no đòn của người chồng vũ phu suốt 5 năm.
Hơn 5 năm trước, thấy anh Tấn có biểu hiện lạ, chị Nguyệt theo dõi và phát hiện các tin nhắn mùi mẫn của Tấn trong điện thoại với… cô bạn thân của Nguyệt. Nguyệt chụp lại màn hình làm bằng chứng, thì bị Tấn đập nát điện thoại.
Tấn nói chỉ là nhắn tin trêu đùa nhau và dọa: “Còn ghen bóng ghen gió vậy, coi chừng ăn đòn”. Nguyệt tiếp tục theo dõi, tìm thấy chứng cứ… và ăn đòn thật. Khi thì vài bạt tai, khi thì vài cú đá hay mấy cái đấm. Nhưng Nguyệt giấu nhẹm, dặn các con không được nói ra ngoài, phần vì hy vọng Tấn tỉnh ngộ mà quay về với vợ con, phần vì sĩ diện, sợ thiên hạ cười chê.
Nguyệt cắn răng chịu đòn, nhìn Tấn bán dần đất đai cha mẹ cho để có tiền vui chơi. Các con Nguyệt đã lớn, năn nỉ mẹ bỏ nhà đi, thuê nhà trọ để mẹ con sống với nhau. Nhưng Nguyệt sợ nếu mẹ con cùng đi thì Tấn sẽ rước nhân tình về. Giờ bị Tấn nắm tóc, đập đầu vào tường đến bất tỉnh, phải đi cấp cứu, không biết liệu Nguyệt đã… tỉnh ra chưa?
Dù sao, chị Nguyệt cũng có 15 năm hạnh phúc trong hôn nhân. Còn chị Phương Thủy (Q.12, TP.HCM) thì ngay thời kỳ tiền hôn nhân đã bị ăn đòn vì bỏ về giữa chừng khi Ngạc - chồng chị đang nhậu với bạn bè.
Đó là bữa tiệc nhỏ để Ngạc giới thiệu Thủy với nhóm bạn thân, nhưng cứ dây dưa mãi, trong khi Thủy mệt mỏi, muốn về để mai đi làm, Ngạc không cho. Thủy phải ngồi chịu trận giữa đám bạn đã say bét nhè của Ngạc. Hết chịu nổi, Thủy đứng dậy từ biệt, vừa ra đến ngõ, Ngạc đuổi theo, xán cho Thủy bạt tai đủ năm ngón in lên gò má.
Ngay ngày cưới, Ngạc đã bộc lộ tính gia trưởng, bắt Thủy ăn mặc, trang điểm, chi tiêu mọi việc theo ý mình. Thủy vừa ý kiến hay phản đối là Ngạc lừ mắt, giơ nắm tay lên. Thủy đành nín lặng. Một năm sau, Thủy mang thai. Bị thai hành, Thủy hay cáu gắt, không nhịn được chồng, thế là Ngạc đánh Thủy thẳng tay… đến sẩy thai. Đến lúc này, ba mẹ Thủy mới biết những gì con gái mình phải chịu đựng.
|
Ảnh minh họa |
Ông bà đưa Thủy về nhà chăm sóc. Ngạc qua năn nỉ, quỳ lạy ba mẹ vợ. Thủy lại xiêu lòng, nhưng ba mẹ Thủy rất tức giận, quyết không cho về. Thủy lại nói: “Con vì danh dự của ba mẹ và cả gia đình mình nên sẽ cố gắng thêm lần nữa. Hy vọng anh ấy biết lỗi mà thay đổi”. Ba Thủy kêu cả hai vợ chồng ra nói: “Ba mẹ không cần cái danh dự, sĩ diện hão mà cần con có hạnh phúc thực sự và an toàn tính mạng.
Bất cứ hành vi bạo lực nào nếu có xảy ra nữa, là con gái ba phải quay về và chấm dứt cuộc hôn nhân này”. Ngạc cũng dập đầu thề không tái phạm. Nhưng chỉ nửa năm sau, ba mẹ Thủy lại phải… đi nuôi Thủy trong bệnh viện, vì bị Ngạc đánh sẩy thai lần thứ hai.
Điều đáng nói là cả Nguyệt và Thủy dù chịu đòn lâu như vậy nhưng không chị nào chịu trình báo với công an, chính quyền địa phương. Thương tật trên người được các chị lấp liếm “do tai nạn”… Cứ như vậy, vụ việc chìm trong bóng tối.
Chị Nguyệt còn cho biết, ngay lần đầu bị chồng đánh, chị đã tìm đến công an xã cầu cứu nhưng được vị trực ban mời về: “Chuyện vợ chồng, đóng cửa dạy nhau”. Chị ấm ức: “Không phải tôi không kêu cứu, nhưng cứ nghĩ có lên xã cũng bị mời về…”. Thực tế, có không ít vụ việc BLGĐ không được can thiệp đến nơi đến chốn, khiến nạn nhân… nản.
Những điều khoản luật cần xem lại
Việc các chị bị chồng mắng chửi, đe dọa, gọi điện cầu cứu, trình báo công an, chính quyền thì nhiều, nhưng ghi nhận và vào sổ xem đó như một vụ BLGĐ rất ít. Trong quá trình xác minh thư kêu cứu của nạn nhân bị BLGĐ tại một quận của TP.HCM, một cán bộ tư pháp từng nói với chúng tôi: “Quan điểm chung là hòa giải. Tại cơ sở, quan trọng nhất là hóa giải, chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có…”. Điều đó cho thấy vì sao con số thống kê về tình trạng BLGĐ vênh như hiện tại.
Theo ông Khuất Văn Quý, không chỉ do quy định pháp luật chưa chặt chẽ nên các địa phương lơ là, khiến không thể thống kê con số về các vụ BLGĐ mà còn bởi rào cản từ định kiến xã hội, quan niệm về bình đẳng giới sai lệch ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều người đã tạo nên thực trạng này.
|
Ảnh minh họa |
Ông Quý cho rằng, Luật PC BLGĐ phải xem xét lại từ khái niệm. Theo luật, “BLGĐ là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Khái niệm này rất khó hiểu, thế nào là “có khả năng” gây tổn hại.
Hơn nữa, luật không quy định về khái niệm “mâu thuẫn, tranh chấp” dẫn đến những cách hiểu khác nhau khi xử lý vụ việc BLGĐ; khó phân biệt sự giống và khác nhau giữa BLGĐ với mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình. Chính vì nhận thức không đồng nhất nên từ việc ghi nhận vụ việc (cũng là cách cập nhật số liệu) đã không chính xác, nói chi đến quan điểm để giải quyết, xử lý.
Đồng tình với quan điểm này, bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cho rằng, thực trạng “mất kiểm soát” số liệu thống kê về BLGĐ hiện nay chủ yếu vẫn là do ý thức chấp hành pháp luật nói chung và các chính sách, pháp luật liên quan đến công tác gia đình của một bộ phận người dân chưa cao. Đồng thời do tâm lý e ngại, giữ thể diện của bản thân và gia đình nên khi có BLGĐ xảy ra, nạn nhân (đa phần là phụ nữ) thường chịu đựng.
Bà Thanh nói: “Những trường hợp tìm đến trình báo công an xã, tư pháp xã khá ít lại không liên lạc với cán bộ phụ trách công tác gia đình nên ngay từ cấp xã đã gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt thông tin, để giải quyết kịp thời. Một số vụ việc BLGĐ diễn ra liên tục trong thời gian dài, thậm chí gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mới báo chính quyền địa phương. Hơn nữa, nhiều vụ việc được trình báo lại không được quan tâm giải quyết rốt ráo. Việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư chưa được UBND cấp xã quan tâm như quy định tại khoản 3, điều 17, Luật PC BLGĐ.
Quy định áp dụng biện pháp “cấm tiếp xúc” theo điều 20 của Luật PC BLGĐ còn mơ hồ, khó thực hiện vì nội dung về ba điều kiện của điều luật này còn mâu thuẫn, chồng chéo nhau. Việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi BLGĐ theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP không triển khai được đến cùng, vì nhiều đối tượng gây bạo lực là người tạm trú, không chấp hành việc xử phạt, cũng không có biện pháp chế tài như cấm đi khỏi nơi cư trú và bắt buộc nộp phạt…”.
“Có thể nói, các quy định pháp luật còn những “kẽ hở” khiến nhiều nạn nhân của BLGĐ chưa thật sự tin tưởng vào sự can thiệp của chính quyền địa phương. Tình trạng che giấu hành vi vi phạm luật vì thế cũng trở nên thường xuyên”, bà Thanh nhận định.
Nghi Anh
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.