Mất khứu giác kéo dài hậu COVID-19 có thể do tế bào mũi bị phá hủy

22/12/2022 - 06:54

PNO - Các nhà nghiên cứu cho biết hàng triệu người bị mất khứu giác sau khi mắc COVID-19, có thể có phản ứng miễn dịch bất thường liên quan đến việc các tế bào trong mũi bị phá hủy.

 

Hậu COVID-19, nhiều bệnh nhân vẫn bị mất khứu giác kéo dài.
Hậu COVID-19, nhiều bệnh nhân vẫn bị mất khứu giác kéo dài

Các bác sĩ đã phân tích mô mũi của bệnh nhân mắc COVID-19 và phát hiện ra rằng những người có vấn đề về khứu giác kéo dài, có các tế bào gây viêm nhiễm bên trong lớp niêm mạc mũi mỏng manh, có khả năng quét sạch các tế bào thần kinh quan trọng.

Ít nhất 5% số người bị mất khứu giác khi mắc COVID-19 không phục hồi khứu giác nhanh chóng hoặc hoàn toàn, tương đương khoảng 15 triệu người trên toàn cầu. 

Tiến sĩ Bradley Goldstein - phó giáo sư tại Đại học Duke ở Bắc Carolina cho biết, mô từ niêm mạc mũi chứa các tế bào miễn dịch kết hợp với ít tế bào thần kinh khứu giác. Phản ứng miễn dịch bất thường chỉ thấy ở những bệnh nhân bị mất khứu giác kéo dài hàng tháng trời.

Kể từ khi các bác sĩ nhận thấy nhiều bệnh nhân COVID-19 bị mất khứu giác, họ vẫn chưa rõ liệu vi rút có làm hỏng các tế bào cảm giác trong mũi, vùng não xử lý thông tin khứu giác hay cả hai.

Do đó, họ đã nghiên cứu mô sinh thiết từ niêm mạc mũi của 24 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 9 người đã mất khứu giác trong ít nhất 4 tháng. Kết quả cho thấy tế bào T liên quan đến viêm nhiễm đã xâm nhập vào niêm mạc mũi - nơi tìm thấy các tế bào thần kinh khứu giác. Phản ứng miễn dịch bất thường đã được nhìn thấy mặc dù các bệnh nhân đã khỏi bệnh, nhưng vi rút vẫn tồn tại.

Hiện, các bác sĩ cho biết không có phương pháp điều trị cụ thể và hiệu quả tình trạng mất khứu giác. Để phát triển các liệu pháp điều trị, họ cần hiểu cơ chế sinh bệnh học của vấn đề: cái gì bị tổn thương và bị tổn thương ở đâu.

Minh Hương (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI