Mất kết nối

15/11/2023 - 11:04

PNO - Sợi dây cơ bản nhất là giữa vợ chồng em. Nếu vợ chồng em không thắp lửa lên, mọi chuyện sẽ dần nguội lạnh.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em lấy chồng đã gần 10 năm, có 2 con, có nhà riêng, có công việc ổn định và lương bổng cũng đủ sống. Vợ chồng em đều là người có trách nhiệm. Thời gian sống chung, sự quen thuộc đã khiến tình cảm bình lặng lại, không còn nồng nàn như lúc mới cưới nhưng không ai làm gì có lỗi với người kia.

Nhìn từ bên ngoài, cuộc sống gia đình của em không có gì đáng than phiền. Thế nhưng, em cảm thấy giữa em với chồng ngày càng xa cách, mỗi ngày trôi qua đều gồm những việc đơn điệu giống nhau. Em không thể thay đổi sự đơn điệu đó.

Mỗi ngày, em cứ quay cuồng với giờ giấc cho công việc, cho chuyện học hành của các con… Mọi thứ đều đã định sẵn như một guồng máy không đổi. Thực sự thì em đã chấp nhận cuộc sống là như vậy, cho tới khi biết tin một người bạn thân vừa phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối.

Câu chuyện của bạn khiến em nhìn lại cuộc sống của mình. Em đang có gia đình nhưng kết nối của gia đình em lỏng lẻo đến đôi lúc có cũng như không. Mỗi ngày, ai lo việc đó. Thậm chí có lúc em chở con đi học, con ngồi sau lưng em mà đầu óc chắc để chỗ bạn bè, trường lớp, chỉ mong mẹ tới nơi là chạy tuốt đi.

Chồng em cũng vậy. Anh về nhà nhiều hôm mệt mỏi đến mức không muốn nói chuyện với vợ con. Đã lâu rồi em không còn cố gắng kiếm lý do để nhắn tin hay gọi điện cho chồng. Chẳng lẽ cứ phải có một biến cố bi thảm nào đó xảy ra, như ung thư chẳng hạn, con người mới giật mình nhìn lại để yêu thương nhau? Lúc đó thì đã muộn màng rồi.

Em cứ nghĩ mãi về chuyện này, không biết làm sao để cha mẹ con cái kết nối gần gũi, chặt chẽ với nhau hơn, chứ cứ như hiện giờ, các con ngày càng lớn, ngày càng có thêm những mối quan tâm riêng của chúng, em sợ gia đình sẽ càng lỏng lẻo hơn.

Minh Vy (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Em Minh Vy thân mến, 

Con người hiện đại đang có rất nhiều phương tiện để kết nối với nhau nhưng các phương tiện ấy đa phần được họ sử dụng để kết nối với thế giới bên ngoài: nhiều bạn bè hơn, nhiều người theo dõi hơn, đi xa hơn…

Những kết nối với thế giới bên trong, là nội tâm của mỗi người hay bên trong ngôi nhà của mỗi gia đình, đang bị coi nhẹ. Thậm chí nhiều khi giữa người thân với nhau còn dựng lên những bức tường ngăn cách. Thật may là em đã nhận ra điều đó kịp thời. Với vai trò làm mẹ làm vợ, em có thể sửa lại những kết nối đó.

Sợi dây cơ bản nhất là giữa vợ chồng em. Nếu vợ chồng em không thắp lửa lên, mọi chuyện sẽ dần nguội lạnh. Hãy bắt đầu từ câu chuyện về người bạn em mắc bệnh nặng. Em có thể kể chuyện cho chồng nghe, rủ chồng đi thăm bạn. Những gì tác động đến em có thể cũng sẽ tác động đến chồng em.

Em nên nói chuyện với anh ấy nhiều hơn; đừng ngần ngại thể hiện tình cảm, sự quan tâm, chăm lo. Không cần gọi điện, nhắn tin mỗi ngày hay đi du lịch xa, chỉ cần sắp xếp để vợ chồng có không gian riêng, có thời gian dành cho nhau. Một buổi sáng cà phê, một lần chở vợ đi mua sắm… đâu khó.

Nhiều khi chị em cứ nghĩ mình tự làm được, riết rồi đàn ông sẽ không thấy vai trò của họ. Chuyện nhờ cậy, cùng làm với nhau là một kiểu kết nối chia sẻ, để giữ ngọn lửa của 2 người lớn trong nhà. Từ đó, các con sẽ cảm nhận được, dự phần vào hơi ấm từ ngọn lửa ấy. 

Trò chuyện với các con là việc phụ nữ làm giỏi hơn nam giới. Chỉ cần em để ý, lắng nghe, khơi gợi để các con nói chuyện với mình, đừng tỏ ra quá mệt mỏi và bận rộn đến mức không còn tâm trí nghe những chuyện “vớ vẩn” của bọn trẻ.

Em cũng có thể kể cho các con nghe chuyện của ba, của mẹ, chuyện công việc, giao tiếp bên ngoài. Xét cho cùng, gia đình là kết nối trực tiếp. Đó cũng là những kết nối có sức mạnh lớn nhất. Khơi lên được ngọn lửa này, em sẽ thấy gia đình gắn bó chặt chẽ với nhau hơn. Chúc em thành công. 

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu tôi là người trong cuộc

Quỳnh Trần (Bắc Ninh): Vợ chồng phải luôn gắn bó
Đọc thư bạn mà tôi thấy bóng dáng mình trong đó. Tôi vẫn chẳng thể tìm ra câu trả lời tại sao hôn nhân lại khác tình yêu nhiều đến vậy. Sự khác biệt sau hôn nhân đã từng làm tôi khốn khổ rất nhiều.

Rồi tôi nghĩ, bà mình, mẹ mình ngày xưa cũng sống vui dù họ không hề biết “mất kết nối” là gì. Suy nghĩ ấy giúp tôi nhẹ lòng hơn. Sau đó, tôi đem câu chuyện nhà mình kể với bà nội chồng thì bà nói với tôi rằng dù thế nào, vợ chồng cũng phải gắn bó với nhau.

Bà kể, ngày xưa, ông đi miết nhưng khi ông ở nhà, bà luôn nhường chồng một bước, luôn tỏ ra yếu đuối dựa dẫm ông, luôn nhờ vả ông; thậm chí trong đêm, nếu cần ra sau nhà, bà luôn nhờ ông đi cùng vì sợ. Và tôi nghĩ đó cũng chính là kết nối. 

Tôi về nhà, tập dần những điều đó, lùi lại một chút, không cố gân cổ cãi chồng, tìm cách nói chuyện, đùa giỡn với chồng, hùa theo chồng, khen chồng trước mặt con… Điều này thật khó nhưng cố gắng rồi sẽ thành thói quen. Bạn hãy thử xem.

Hảo Tạ (Quảng Ngãi): Dành năng lượng kết nối lại

Có vẻ như đã từ lâu, vợ chồng bạn cứ để mặc mọi thứ tới đâu thì tới cũng giống như bao cặp vợ chồng chán nhau dần mà chẳng hiểu vì sao. Rồi một điều gì mới mẻ đột nhiên xuất hiện, cuốn phăng mọi thứ… Tôi luôn tin rằng hôn nhân thì phải vui, có vui thì mới đi được với nhau đường dài.

Thôi thì lỡ rồi, bây giờ, bạn cần tìm cách cứu vãn cuộc hôn nhân này trước khi cảm xúc chìm hẳn. Bạn phải tập trung vào năng lượng cảm xúc. Cụ thể là quy định giờ dùng điện thoại, không mang điện thoại vào phòng ngủ; thỏa thuận những câu chuyện vợ chồng có thể nói trong giờ ăn; cùng nhau xem phim, đi cà phê, đi ăn tiệm và kể chuyện xảy ra trong ngày cho nhau.

Đôi khi, tôi còn rủ chồng mình đi spa, chăm sóc da mặt, gội đầu. Hãy chia bớt việc nhà cho chồng. Thỉnh thoảng lén ôm hoặc hôn chồng. Nhờ vậy mà mình có đi đâu vài ba hôm, chồng sẽ nhớ mình.

Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, dùng những chuyện thời yêu nhau làm cớ nhắc nhở. Mong nhà bạn lại vui.

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI