Trong vô số những mẩu video xuất hiện mỗi ngày trên mạng, các video review phim nổi lên như một trào lưu. Tuy nhiên, việc review phim vô tội vạ này đang gây ra tác động tiêu cực đến người xem và nhà sản xuất phim.
Xem một bộ phim mất 10 phút
Sau khi xem một bộ phim hay, mới, người ta thường có tâm lý muốn giới thiệu tác phẩm vừa xem với người khác, cũng như chia sẻ những cảm xúc về phim. Nhiều video review phim ra đời với mục đích đó. Thông thường, các video sẽ nghiêng về giới thiệu tác phẩm, và đưa ra những đánh giá cảm nhận cá nhân về bộ phim. Ngoài giọng đọc, phần hình ảnh trong video thường là các cảnh phim trích từ trailer hoặc ảnh đã được đoàn phim dùng trong chiến dịch quảng bá phim.
Có thể nói, sự nhiệt tình của những người làm video review phim này đã phần nào giúp khán giả tiết kiệm thời gian, vì không phải ai cũng có thể theo dõi hết các phim mới. Do đó, các clip này là cơ sở để những ai sắp xem cân nhắc, chọn lựa, để coi có đáng dành thời gian để trải nghiệm không. Chưa kể mỗi video review là một đánh giá, cảm nhận khác nhau, tạo nên góc nhìn phong phú, đa dạng về bộ phim - một điều khá thú vị, kích thích người chưa xem càng tò mò.
|
Các video review phim nhưng thực chất là video tóm tắt phim, vừa vi phạm bản quyền vừa tạo ra thói quen xem phim không tốt |
Tuy nhiên nếu các video review phim chỉ dừng ở mức độ đưa ra những đánh giá tổng quan, nêu lên cảm nhận riêng, thì không có gì đáng nói, nhưng đã bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều các video review phim theo kiểu tóm tắt phim, làm giảm đi sự hứng thú của người xem với tác phẩm.
Với độ dài trên dưới 10 phút, những video này kể lại tường tận các diễn tiến từ đầu đến cuối (recap), kèm theo việc cắt ghép những cảnh quay trong phim. Thay vì mất 90 phút hoặc hơn để xem phim, thì theo dõi các video review, người xem chỉ mất chục phút là nắm hết cốt truyện, số phận nhân vật. Thậm chí có video review kể tuốt những tình tiết quan trọng của những phim mới ra mắt, mà không có dòng chữ cảnh báo người xem về việc sẽ tiết lộ nội dung.
Một hiện tượng đáng lo ngại khác là việc cung cấp sai thông tin khi review, và bị người xem “bóc phốt”. Chẳng hạn một tài khoản tóm tắt phim hoạt hình đang hot Luca đã khiến nhiều người bức xúc để lại bình luận: “Có coi phim không mà review như đúng rồi thế?”, “Review sai hết phim rồi”.
“Quá nhanh quá nguy hiểm”
Ẩu như review phim truyền hình
Nắm bắt tâm lý người xem nôn nóng muốn biết các diễn tiến tiếp theo của các phim truyền hình đang hot hiện nay, nhiều tài khoản cũng ăn theo làm video review phim theo kiểu huyên thuyên suy diễn không có căn cứ.
Chẳng hạn một clip review tập 56 phim Hương vị tình thân đưa ra thông tin gây sốc: bà Xuân ở quê nghèo khó đã bị người tình ruồng rẫy khi đang có thai Long, sau đó lên thành phố làm việc ở công ty ông Khang và được ông yêu lấy làm vợ. Rồi bà Dần đòi xét nghiệm ADN Long, phát hiện Long không phải là cháu nội đích tôn nên đuổi bà Xuân và Long ra khỏi nhà. Long nhường hết gia sản cho Huy, rút lui cùng Nam quy ẩn.
Tất nhiên, những ai xem xong tập 56 của phim phát sóng ngày 6/7 đều rõ nội dung tập phim trên không hề giống video review đề cập.
Tương tự, khi phim Cây táo nở hoa mới phát tập 40 thì đã có các clip review tập phim 41, 42, 43 đưa ra những nội dung giật gân như anh Ngọc qua đời, Báu cắn răng lấy Phước làm chồng… Đương nhiên các thông tin này đều sai bét!
|
Sự xuất hiện của các video tóm tắt phim núp bóng review phục vụ nhu cầu lười xem phim của một bộ phận khán giả, đã gây tác hại không nhỏ cho những người làm phim và cả những tín đồ nghiện phim. Nhà sản xuất Vũ Phượng (hãng Red Ruby Entertainment, đã tham gia làm phim Người bất tử, Ròm, Trạng Tí…) cho biết: “Các video tóm tắt phim gây ra nhiều tác động không tốt đến nhà sản xuất và khán giả. Chúng làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của khán giả, vì một đoạn clip ngắn thì không thể truyền tải đầy đủ nội dung, hình ảnh hay định dạng tác phẩm. Khi nội dung gốc không được bảo đảm, làm trải nghiệm của khán giả không được tốt, dẫn đến uy tín của nhà sản xuất bị ảnh hưởng, vì người xem tưởng những gì trong video đó đề cập đến từ nhà sản xuất, chứ đâu biết đã bị cắt ghép, sai lệch ra sao.
Thêm nữa, các video review đạt ba, bốn triệu lượt người xem, nghĩa là bộ phim mất đi cơ hội bán vé cho số người này. Tất cả sẽ tạo ra thói quen xem phim tiêu cực, khiến các nhà đầu tư cũng ngần ngại không muốn bỏ tiền làm phim. Đây cũng là hành vi xâm phạm bản quyền nghiêm trọng, vì cho dù các phim đã được chiếu trên nền tảng mạng hay trên truyền hình sau khi ra rạp, thì người xem cũng không được sử dụng hình ảnh để cắt xén, biên tập vô tội vạ khi không được phép của nhà phát hành, nhà sản xuất”.
Có thể thấy sau nạn vi phạm bản quyền đến từ các trang phim lậu, giờ đây các nhà làm phim còn phải đau đầu với các tài khoản video review phim. Nhiều tài khoản không chỉ tóm tắt phim cũ, mà còn chăm chăm review các phim mới ra lò để “câu view”.
Sự nhanh nhạy của họ phần nào giảm đi hứng thú xem phim, vì mấy ai còn hào hứng muốn xem khi đã biết trước hết cốt truyện, tình tiết. Một bộ phim mất rất nhiều thời gian, công sức của cả một tập thể mới hoàn thành, nhưng giờ được tóm gọn trong mươi phút, chắc chắn người xem không thể cảm nhận hết cái hay, cái đẹp của tác phẩm.
Tại Nhật, vừa qua, cảnh sát tỉnh Miyagi đã bắt ba người gồm hai nam, một nữ vì cáo buộc vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, do đã tự ý cắt ghép cảnh phim, đăng trên YouTube. Tại Việt Nam, chuyện vi phạm bản quyền trong trường hợp này vẫn chưa được quan tâm, và đó là tình trạng thực sự đáng lo ngại.
Hương Nhu