Mất hứng với phim “lấy cảm hứng”

15/01/2021 - 06:46

PNO - Những bộ phim “lấy cảm hứng” từ tác phẩm văn học, hoặc từ nhân vật trong văn hóa dân gian, lịch sử, luôn gây chú ý bởi chính sự nổi tiếng của tác phẩm, nhân vật hoặc sự kiện. Nhưng đó cũng là trở ngại đối với các nhà làm phim, vì không phải cái “cảm hứng” nào của họ cũng làm khán giả “cảm” được.

“Lạc trôi” khỏi nguyên tác

Cậu Vàng - bộ phim điện ảnh lấy cảm hứng từ các truyện ngắn của nhà văn Nam Cao - đang gây tranh cãi vì nội dung phóng tác quá đà, không truyền tải được cái hồn của tác phẩm văn học nổi tiếng. Những sáng tạo trong phim có thể kể đến như chuyện vườn nhà lão Hạc có cái giếng nước cổ được thầy bói cho là “long mạch” của làng, nước giếng sẽ giúp người vợ thứ ba của Bá Kiến thụ thai, xuất hiện thêm nhân vật Lê Văn - người yêu cũ của mợ Ba, Cò - con trai lão Hạc - có người yêu tên Cải bị bán làm người ở cho nhà Bá Kiến, Binh Tư bỏ mạng khi giúp mợ Ba với Lê Văn thoát khỏi tay Bá Kiến, "cậu Vàng" đánh nhau cùng chó bergie và trở thành thủ lĩnh của đám chó, Lý Cường bị "cậu Vàng" và đàn chó tấn công đến chết khi hắn cùng đám tay chân đào mộ lão Hạc…

Phim Cậu Vàng lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao gây tranh cãi vì xa rời nguyên tác
Phim Cậu Vàng lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao gây tranh cãi vì xa rời nguyên tác

Tính hiện thực xã hội - yếu tố được đánh giá cao trong những tác phẩm của nhà văn Nam Cao - hoàn toàn bị bỏ qua trong Cậu Vàng. Người xem không biết tại sao lão Hạc phải khổ đến vậy, hay xuất thân của Binh Tư. Phim lấy bối cảnh làng quê nghèo, người dân khổ cực lầm than vì sưu cao thuế nặng, nhưng màu phim tươi sáng, nhân vật thôn nữ còn lộ mặt hoa da phấn, tạo hình lão Hạc, Binh Tư, vợ chồng ông giáo Thứ vẫn có nét hiện đại. 

Trước Cậu Vàng, phim Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu (2017) được nhà làm phim tuyên bố lấy cảm hứng từ truyện thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu - cũng khiến người xem “cạn lời” vì sáng tạo quá đà. Trong phim, biên kịch cho Lục Vân Tiên xuống trần để đi tìm Nguyệt Nga. Trong lúc này, ở hạ giới, Nguyệt Nga đang làm chủ một kỹ viện, nhằm tìm hiểu những nhân vật trong một đường dây buôn người để giúp các cô gái trốn thoát.

Một số phim mà kịch bản lấy cảm hứng từ các nhân vật, tích truyện trong truyện dân gian thì có cải biên “trời ơi” cho nhân vật như Thạch Sanh được sinh ra từ hòn đá (phim Cuộc chiến với chằn tinh) hay Trạng Quỳnh mất hẳn hình tượng thông minh hài hước, mà chỉ thấy một kẻ khôn lỏi chơi xấu (đoạn lấy rắn hù ngựa phương Bắc) hoặc ngờ nghệch đến kinh ngạc (đoạn mắc bẫy ở trường thi mà không biết ứng phó thế nào).

Trailer phim Cậu Vàng:

 

 

 Loay hoay, nửa vời

Không khó để nhận ra cụm từ “lấy cảm hứng” là phương án an toàn để nhà làm phim tự do đưa vào những sáng tạo riêng, nhằm làm mới, tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện, nhân vật. Nhưng làm được điều này không dễ, vì các tác phẩm văn học hay hình tượng nhân vật đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người, bất cứ sự thêm thắt, thay đổi nào cũng gây tranh cãi. Có thể nói so với chuyển thể, việc “lấy cảm hứng” còn nhiêu khê hơn, vì biên độ sáng tạo càng mở, ranh giới sáng tạo càng mông lung, thì thử thách tay nghề của biên kịch, đạo diễn càng cao. 

Việc không dám mạnh dạn viết ra cốt truyện khác, xây dựng hệ thống nhân vật khác mà phải sử dụng câu chuyện, những cái tên nhân vật trong văn học dân gian cũng cho thấy sự tham lam của các nhà làm phim, khi muốn tranh thủ danh tiếng của nguyên tác, nhân vật để PR cho phim. Tuy nhiên, không có giải pháp nào trọn vẹn đôi đường, và hậu quả của sự loay hoay này là phim càng dễ hứng “gạch đá”, vì mọi thứ đều bị nửa vời: vừa xa rời tinh thần nguyên tác, vừa sáng tạo khó coi. 

Dòng phim “lấy cảm hứng” dự báo sẽ còn tiếp tục gây tranh cãi trên màn ảnh với những bộ phim sắp ra mắt, hoặc sắp triển khai như Kiều (lấy cảm hứng từ tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du), Rừng thế mạng (lấy cảm hứng từ những tai nạn mất tích khi đi phượt ở Tà Năng - Phan Dũng), Quỳnh hoa nhất dạ (lấy cảm hứng từ hình tượng nhân vật Dương Vân Nga).

Phim Kiều lấy cảm hứng từ tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du
Phim Kiều lấy cảm hứng từ tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du

Nghệ thuật luôn cần cảm hứng để sáng tạo, và kho tàng tác phẩm văn học hay hình tượng nhân vật trong lịch sử, dân gian Việt Nam là nguồn tư liệu, chất liệu tuyệt vời để làm ra những tác phẩm điện ảnh mang bản sắc Việt. Có điều, tận dụng như thế nào cho hiệu quả, phụ thuộc vào tài năng của nhà làm phim. Xin ghi nhận tấm lòng, tâm huyết của những nhà làm phim khi muốn thực hiện một tác phẩm nghệ thuật mang tính tri ân, tưởng nhớ những tuyệt tác văn học, những nhân vật nổi bật trong lịch sử. Nhưng đừng để việc “lấy cảm hứng” chỉ là sự tùy hứng, khiến sản phẩm ra đời kém chất lượng, bởi điều đó không chỉ gây tổn hại đến nguyên tác, nhân vật, mà còn khiến người xem mất hứng. 

Hương Nhu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI