Mất hàng trăm triệu đồng vì trò lừa “nâng cấp SIM”

28/02/2022 - 06:00

PNO - Chỉ sau một cuộc gọi chưa đầy ba phút, cô K.N. đã bị mất gần 350 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng. Chiêu trò chiếm đoạt tài sản bằng việc giả danh nhà mạng “nâng cấp sim” không mới, nhưng gần đây có dấu hiệu bùng phát và nạn nhân thường là người lớn tuổi.

Tiền trong tài khoản “biến mất” sau cuộc gọi

Cô L.T.K.N., giáo viên, ngụ phường 14, quận Gò Vấp, TPHCM cho biết, vào ngày 11/2, khi cô đang giảng trên lớp thì có điện thoại gọi đến từ số 0289 996 2626 rất nhiều lần. Nhưng phải đến 17g44, cô K.N. mới nghe máy. Người gọi đến cho biết là nhân viên của Mobifone, liên lạc với khách hàng để kiểm tra và nâng cấp sim lên 4G.

“Tôi tin tưởng là vì người này đọc đúng 100% thông tin cá nhân của tôi. Ngay cả số căn cước công dân tôi vừa đổi người này cũng đọc chính xác. Tôi có nói với người này là sim của tôi đã chuyển lên 4G nhưng anh này nói là hệ thống đang nâng cấp” - cô K.N. thuật lại.

Sao kê đối tượng chuyển 346 triệu đồng từ tài khoản của cô K.N. vào tài khoản người khác
Sao kê đối tượng chuyển 346 triệu đồng từ tài khoản của cô K.N. vào tài khoản người khác

Sau chưa đầy một phút trò chuyện, người đàn ông cho biết là sẽ gửi một mã số đến thuê bao và đề nghị cô K.N. đọc để kiểm tra. Sau đó, cô K.N. thấy một dãy số được gửi về điện thoại và cô đã đọc dãy số đó cho “nhân viên Mobifone”. Cuộc trao đổi giữa cô K.N. và người đàn ông diễn ra vỏn vẹn chưa đầy ba phút.

Điện thoại vừa cúp, cô K.N. nhận được ngay tin nhắn của tổng đài Mobifone với nội dung: “Cảnh báo: Bảo mật mã OTP để tránh lừa đảo chiếm đoạt sim”. Sau một lúc ngẫm nghĩ, cô K.N. nghi ngờ mình bị lừa đảo nên đã truy cập vào tài khoản ngân hàng trên điện thoại nhiều lần, nhưng không thể kết nối. Đến tối, cô ra trụ ATM để kiểm tra tài khoản thì phát hiện 346 triệu đồng đã “biến mất”. Cùng với đó, thuê bao điện thoại của cô cũng không thể thực hiện cuộc gọi đi và nhận cuộc gọi đến. Đến đại lý Mobifone kiểm tra, cô K.N. phát hiện sim điện thoại của mình đã đổi thành eSim MyMobifone. Đối tượng xấu đã chiếm đoạt sim điện thoại của cô và dùng sim này để thực hiện các bước nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của cô.

Được biết, số tiền 346 triệu đồng của cô K.N. đã bị kẻ xấu chiếm đoạt và chuyển cho một người tên L.T.T. có tài khoản tại Ngân hàng MB Bank trong hai lần. Lần thứ nhất, đối tượng thực hiện giao dịch chuyển tiền 300 triệu đồng lúc 19g3 và lần sau chuyển 46 triệu đồng lúc 19g5. Khi biết mình bị tội phạm công nghệ cao lừa đảo, cô K.N. đã đến Công an phường 14 trình báo vụ việc.

Cô K.N. cho biết, cô thường không có nhiều tiền trong tài khoản. Số tiền trên là tiền trợ cấp một lần sau khi cô nghỉ hưu. “Tôi sống một mình, đang ở nhà thuê, nên số tiền trên tôi định dành dụm để lo cho tuổi già của mình, không ngờ đã bị mất sạch sau một cuộc gọi. Hiện tại, tôi vẫn phải đi dạy mới có tiền sinh sống và thuê nhà. Tôi mong công an sớm vào cuộc tìm ra kẻ gian để giúp tôi lấy lại số tiền bị chiếm đoạt” - cô K.N. cầu cứu.

Công an phường 14, quận Gò Vấp cho biết, đã tiếp nhận trình báo của cô K.N. và các đơn vị chức năng đang xử lý.

Không chỉ cô K.N. mà thời gian gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội, rất nhiều người đã cảnh báo về chiêu  lừa đảo nâng cấp sim. Theo các nạn nhân, điểm khác giữa chiêu “nâng cấp sim” với chiêu “mạo danh cơ quan công quyền” là đối tượng đã nắm hầu như tất cả thông tin của nạn nhân. Điểm mấu chốt trong chiêu trò này là đối tượng sẽ thao tác để một dãy số OTP được gửi về điện thoại nạn nhân, chỉ cần cung cấp dãy số này là đối tượng sẽ chiếm đoạt toàn bộ tiền có trong tài khoản ngân hàng.

Cô K.N. trình bày về việc bị lừa mất gần 350 triệu đồng
Cô K.N. trình bày về việc bị lừa mất gần 350 triệu đồng

Chị T.X.A.P., ngụ quận 7, TPHCM, cũng là một nạn nhân, chia sẻ: “Tôi nghĩ đọc một dãy số trên điện thoại cho đối tượng kiểm tra thì không vấn đề gì. Bởi, tôi không cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó, kẻ lừa đảo đã lấy toàn bộ tiền trong ngân hàng của tôi. Đây là chiêu trò tinh vi, chỉ diễn ra trong mấy phút”.

Không chỉ mất tiền, các chuyên gia còn cảnh báo người dân có thể còn bị mắc nợ. Nghĩa là, sau khi đoạt sim, các đối tượng sẽ lấy thông tin người dùng để sử dụng vào việc vay tiền, sử dụng thẻ tín dụng hoặc tham gia chương trình trả sau của ví điện tử. 

Làm gì để tránh mất tiền?

Ông Phạm Đinh Thái Bảo, chuyên gia công nghệ thông tin đang làm việc cho một hệ thống bán lẻ sản phẩm công nghệ ở TPHCM, khẳng định: “Nếu chỉ chiếm đoạt mỗi chiếc sim điện thoại, đối tượng sẽ không làm được. Để lấy được tiền trong ngân hàng, đối tượng phải biết rất nhiều thông tin cá nhân của nạn nhân, đồng thời chiếc sim điện thoại này phải liên kết với ngân hàng, ví điện tử…”.
Theo ông Thái Bảo, mấu chốt trong chiêu trò lừa đảo này là do nạn nhân chủ quan, bị dẫn dụ cung cấp mã OTP, rồi bị chiếm đoạt số điện thoại. Nếu số điện thoại này có liên kết với ngân hàng thì việc kẻ gian chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng là rất dễ, bởi mã OTP để chuyển tiền của ngân hàng được gửi về số điện thoại này.

“Điều cần cảnh báo ở đây là việc để lọt những thông tin cá nhân ra ngoài. Nếu kẻ gian không biết các thông tin cá nhân của nạn nhân thì không thể tạo lòng tin để nạn nhân đọc mã OTP. Tại sao đối tượng lại biết hết thông tin cá nhân của nạn nhân? Bởi vì dữ liệu cá nhân được bán rất nhiều trên mạng. Cùng với đó, nhiều người rất dễ dãi trong việc chia sẻ thông tin cá nhân. Nếu chịu khó tìm trên Facebook của một người nào đó, chắc chắn sẽ thấy hàng loạt thông tin về họ. Thậm chí, có người còn chụp cả căn cước công dân khoe lên mạng” - ông Thái Bảo cảnh báo.

Theo chuyên gia công nghệ thông tin này, để tránh bị lừa đảo, người dân nên nhớ một điều nằm lòng là không được cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai dù đó là mã OTP gì. Trước tình trạng lừa đảo nâng cấp sim, cần đặt mã pin cho sim, điều này có thể thao tác trên điện thoại. Cuối cùng, khi nghi ngờ mình bị lừa đảo thì điều cần làm ngay là liên lạc với ngân hàng để khóa tài khoản, liên hệ nhà mạng lấy lại sim và báo công an ngay nếu đã bị lừa mất tiền.

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) cũng khuyên: Khi có sự cố, người dùng nên liên hệ ngay với nhà mạng để khóa số và lập tức rà soát lại các tài khoản email, ngân hàng... Cùng với đó, người dùng phải luôn đặt chế độ bảo mật hai bước OTP thông qua ứng dụng phần mềm, hạn chế và tránh đặt OTP qua tin nhắn SMS.

Thời gian gần đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) và nhiều nhà mạng đã lên tiếng cảnh báo về chiêu trò lừa đảo nâng cấp sim điện thoại. Mobifone cho biết, với chiêu trò lừa đảo nâng cấp sim, các đối tượng thường chọn những người dùng sim số chưa chuyển đổi 3G sang 4G và có liên kết với thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng. Sau đó, đối tượng giả danh nhân viên nhà mạng gọi điện đến cho nạn nhân thông báo hỗ trợ đổi sim và chiếm quyền sử dụng sim, từ đó chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng. Trước vấn đề này, Mobifone đã triển khai thêm nhiều biện pháp nhằm nâng cao hệ thống bảo mật, chủ động rà soát, đảm bảo lưu trữ và bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng.

Về phía khách hàng, Mobifone khuyến cáo chủ thuê bao nâng cao cảnh giác, cẩn trọng trước những tin nhắn, cuộc gọi bất thường yêu cầu thay sim hoặc nhận ưu đãi. Các thuê bao của Mobifone cần liên hệ trực tiếp với hotline 9090 để xác minh thông tin đối tượng đang liên lạc có thực sự là nhân viên của Mobifone hay không. Khách hàng tuyệt đối không thực hiện các thao tác soạn tin theo cú pháp lạ. Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã PIN, mã OTP…

Đại tá - phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn (chuyên gia tội phạm học) cho rằng, tội phạm công nghệ đang có xu hướng ngày một tinh vi, xảo quyệt và luôn nghĩ ra các chiêu trò mới để chiếm đoạt tài sản của người dân. Do đó, việc chủ động bảo vệ thông tin cá nhân và cảnh giác trước các tin nhắn lạ, cuộc gọi lạ là cách người dân có thể bảo vệ mình. Khi bị lừa, người dân không nên vì mặc cảm hay xấu hổ mà che giấu. Cần đến ngay cơ quan công an trình báo vụ việc để lực lượng chức năng hỗ trợ tìm lại tài sản. 

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI