Mất hàng chục triệu đồng vì bị shipper giả danh lừa

16/09/2024 - 13:17

PNO - Báo Phụ nữ TPHCM đã có bài viết cảnh báo về nạn giả danh người giao hàng (shipper) để lừa đảo, nhiều nạn nhân đã mất sạch hàng chục triệu đồng trong tài khoản. Gần đây, chúng tôi tiếp tục ghi nhận nạn lừa đảo này vẫn liên tục tiếp diễn.

Vẫn là chiêu cung cấp link giả mạo

Mỗi khi vắng nhà, nghe điện thoại báo nhận hàng, chị Thu Tuyết (quận 3, TPHCM) thường nói shipper nhét đồ vào sân qua khe cửa rồi chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng (chuyển khoản). Lần mới đây, chị làm theo thói quen nhưng bị mất tiền oan.

Chị Thu Tuyết kể, khi nghe shipper gọi điện báo giao hàng trị giá 198.000 đồng, chị không mấy nghi ngờ do có đặt mua 3-4 đơn. Chuyển tiền xong, chị nhận được cuộc gọi của người tự xưng là quản lý khu vực giao hàng. Người này xin lỗi vì shipper gửi nhầm số tài khoản thuộc gói “giao hàng tiết kiệm” dành cho hội viên nên gói cước sẽ tự động kích hoạt, tài khoản ngân hàng của chị sẽ bị tự động trừ 3,5 triệu đồng/tháng; muốn hủy gói này thì phải truy cập vào đường dẫn (link) do anh ta gửi.

Sợ bị trừ tiền, chị Tuyết nhấp vào link thì đó là trang web “Giao hàng tiết kiệm”. Liền đó, chị nhận được điện thoại từ người tự xưng là “bộ phận chăm sóc khách hàng” của Công ty cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm, hướng dẫn các thao tác. Đề phòng rủi ro, trước khi thao tác, chị Tuyết chuyển hết tiền sang một tài khoản khác của mình. Sau khi làm theo hướng dẫn, chị không gọi được các số điện thoại đã gọi cho mình, gọi đến số điện thoại của Công ty cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm thì được biết, công ty không có gói tự động trừ tiền và cảnh báo chị có thể bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Khi về nhà, chị cũng không thấy gói hàng trị giá 198.000 đồng.

Nội dung trao đổi, dẫn dụ của những kẻ lừa đảo với chị Thu Tuyết - Ảnh chụp màn hình
Nội dung trao đổi, dẫn dụ của những kẻ lừa đảo với chị Thu Tuyết - Ảnh chụp màn hình

Trong khoảng 1 tuần qua, phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM nhận được phản ánh của nhiều bạn đọc về kịch bản tương tự, có người nhận được 5 cuộc gọi từ shipper giả trong 2 ngày. Chiêu thức là sau khi nạn nhân thanh toán đơn hàng giả qua tài khoản, bọn lừa đảo sẽ thông báo đã chuyển nhầm vào số tài khoản của công ty bảo hiểm hay một đơn vị nào đó, muốn không bị trừ tiền hằng tháng thì phải vào trang web làm thao tác hủy.

Nhóm lừa đảo còn viện lý do đã gửi nhầm số tài khoản thanh toán cho khách hàng nên công ty yêu cầu phải cầm hàng về để lập biên bản, phạt tiền, tự bỏ tiền túi hoàn lại tiền cho khách hàng và nhờ khách hàng gọi điện cho công ty để “làm chứng”. Do thương người, một số khách hàng gọi điện thoại và bị dẫn dụ thực hiện các thao tác theo “kịch bản lừa” rồi mất hết tiền trong tài khoản.

Cảnh giác để tự bảo vệ mình

Theo ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC, công tác tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), đã có hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam bị tin tặc (hacker) đánh cắp thông tin cá nhân từ tài khoản mạng xã hội và bán chúng cho các cá nhân, tổ chức, trong đó có tội phạm lừa đảo.

Một kẻ lừa đảo dọa sẽ vu vạ người mua “bom hàng” khi nhận thấy người mua cảnh giác, đề phòng - Ảnh chụp màn hình
Một kẻ lừa đảo dọa sẽ vu vạ người mua “bom hàng” khi nhận thấy người mua cảnh giác, đề phòng - Ảnh chụp màn hình

Đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ Giao Hàng Nhanh cho biết, gần đây, công ty liên tục nhận được phản ánh của khách hàng về việc có nhiều đối tượng lấy danh nghĩa, hình ảnh của công ty để thông báo có đơn hàng, báo số tiền, yêu cầu chuyển khoản nhưng khi kiểm tra thì không có đơn hàng nào. Có trường hợp được báo đúng số tiền đơn hàng mà khách hàng đang chờ nhận, sau khi chuyển khoản thì bị thông báo nhầm tài khoản hội viên rồi dẫn dụ vào link xấu.

Theo vị này, đa phần thông tin cá nhân của khách hàng bị lộ do từng đặt mua hàng qua các phiên live stream bán hàng, các trang bán hàng trên Facebook, các sàn thương mại điện tử hoặc từ những hộp hàng do khách hàng thải ra. Cũng có tình trạng nhân viên của công ty này nghỉ việc, bán thông tin của khách hàng cho bọn lừa đảo hoặc chính họ thực hiện hành vi lừa đảo.

Đại diện Công ty cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm xác nhận, công ty cũng tiếp nhận phản ánh của khách hàng về tình trạng mạo danh công ty để lừa đảo. Công ty khuyến cáo, người mua hàng nên kiểm tra kỹ thông tin đơn hàng, đối chiếu với thông tin trên trang web hoặc ứng dụng của công ty, tuyệt đối không nhấp vào các link lạ, các tệp tin lạ, không chia sẻ thông tin cá nhân (mật khẩu tài khoản, mã OTP) cho bất kỳ ai. Khi mua hàng online, người mua không nên cung cấp số điện thoại, địa chỉ giao hàng ở ô bình luận mà nên nhắn tin riêng cho người bán hàng. Khi có cuộc gọi yêu cầu nhận hàng, chuyển tiền, người mua nên đối chiếu thông tin sản phẩm, mã vận đơn và tốt nhất là chỉ chuyển khoản khi đã cầm hàng trong tay.

Công an cảnh báo nhiều nạn nhân bị chiếm đoạt tiền

Trong thông tin cảnh báo phát đi ngày 13/9, Công an huyện Bình Chánh, TPHCM cho biết đã có ít nhất 2 trường hợp trên địa bàn huyện là nạn nhân của hoạt động tội phạm này.

Cụ thể, ngày 11/8/2024, chị D.K.V. (sinh năm 2002) đã chuyển 180.000 đồng tiền mua hàng cho một đối tượng giả danh là shipper vào số tài khoản 0318550742 ngân hàng Eximbank, chủ tài khoản Công ty TNHH TMDV Dieu Thuy. Sau đó, đối tượng giả danh này điện thoại thông báo đơn hàng bị lỗi và gửi đường link cho chị V. đăng nhập để nhận lại tiền đã chuyển. Ngày 12/8/2024, khi chị V. đang làm việc tại đường số 3, khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh thì kẻ lừa đảo gọi điện thoại hướng dẫn làm thủ tục hoàn tiền. Chị V. đã làm theo hướng dẫn, cung cấp mã xác thực 2 lần và phát hiện tài khoản ngân hàng đã bị trừ hơn 20 triệu đồng.

Một nạn nhân nữa là chị N.T.M.S. (sinh năm 1989). Ngày 6/9/2024, trong lúc đang đi làm thì chị S. nhận được cuộc gọi từ một người xưng là shipper, đến giao món hàng chị S. đã đặt. Chị S. đã nhờ người này gửi hàng ở khu vực giao nhận hàng của chung cư. Người giao hàng yêu cầu chị S. chuyển 382.000 đồng vào tài khoản 108876323413 - Vietinbank, tên chủ tài khoản là Luong Tuan Thanh.

Sau khi chị S. chuyển tiền, kẻ lừa đảo lại gọi báo chị S. đã gửi nhầm số tài khoản, liên tục hối thúc chị S. thao tác theo hướng dẫn để được hoàn lại số tiền đã chuyển. Đến chiều, khi đi làm về, chị S. đến khu vực giao nhận hàng của chung cư nhưng không thấy gói hàng. Chị S. đã gọi điện thoại yêu cầu trả lại số tiền 382.000 đồng thì kẻ lừa đảo cung cấp cho chị đường link để truy cập và được hướng dẫn nhận lại tiền.

Khi chị S. bấm vào đường link này thì được liên kết đến tài khoản mạng xã hội có tên “Giao hàng tiết kiệm”. Một người tự nhận là nhân viên chăm sóc khách hàng, yêu cầu chị S. đăng nhập vào ứng dụng (app) ngân hàng Techcombank bằng số tài khoản trên điện thoại của chị, sao chép một dãy số vào mục thanh toán, nhập mã OTP, xác thực khuôn mặt. Sau khi thực hiện các thao tác này, số tiền gần 192 triệu đồng trong tài khoản của chị bị chuyển đi mất. Chị S. hỏi người hướng dẫn thì được người này gửi số tài khoản khác, hướng dẫn chị thao tác để nhận lại số tiền trên. Rất muốn lấy lại số tiền đã mất, chị S. làm theo và mất thêm hơn 38 triệu đồng.

Công an huyện Bình Chánh lưu ý người dân cần nâng cao cảnh giác không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua; không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận; tuyệt đối không bấm vào bất cứ đường link do người lạ gửi. Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường phải dừng giao dịch và báo ngay cho công an xã, thị trấn nơi gần nhất.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI