Mắt giật, miệng nấc liên hồi vì... smartphone

11/08/2017 - 05:00

PNO - Chiều 10/8, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM tổ chức họp báo, cảnh báo về tình trạng gia tăng số lượng trẻ mắc hội chứng rối loạn TIC (máy giật cơ).

Chiều 10/8, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM tổ chức họp báo, cảnh báo về tình trạng gia tăng số lượng trẻ mắc hội chứng rối loạn TIC (máy giật cơ). Theo đó, trong khoảng hai tuần qua, gia tăng đột biến (hơn 50%) số lượng trẻ đến khám về hội chứng này. Trong ngày 10/8, BV đã khám bốn ca bị hội chứng TIC. 

Bé gái T.H. (10 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) bị cận bẩm sinh. Khoảng hai tháng nay gia đình phát hiện mắt của bé nhíu liên tục. Các bác sĩ (BS) BV Nhi Đồng 1 xác định, bé H. bị hội chứng TIC. Cha mẹ bệnh nhi cho biết, những ngày hè vừa qua bé xem ti-vi nhiều, hay mượn điện thoại của bố mẹ chơi game.

Nhiều ngày qua, bé trai N.L. (7 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) cứ nhún vai liên tục. Mẹ bé quát nạt, yêu cầu con “không đùa giỡn”, nhưng càng nói, bé càng nhún vai nhiều hơn. Mãi tới khi đưa con đến bệnh viện khám gia đình mới biết bé mắc hội chứng TIC. 

BS chuyên khoa thần kinh Nguyễn Quang Vinh, BV Nhi Đồng 1 cho biết, TIC là hội chứng rối loạn chức năng có biểu hiện máy giật cơ (cơ mắt, miệng, vai, bụng). Các cơ có thể máy giật đồng thời hoặc luân chuyển (TIC vận động). BV Nhi Đồng 1 từng tiếp nhận nhiều bệnh nhi liên tục phát ra tiếng kêu nấc ở cổ họng (TIC ngôn ngữ). Các bệnh nhi này gặp rất nhiều phiền toái khi đi học hoặc nói chuyện với người đối diện. 

Theo BS Vinh, TIC là một hội chứng cơ năng không rõ nguyên nhân, không xuất phát từ bệnh lý thực thể, khác với các triệu chứng co giật cơ của các bệnh như viêm xoang, viêm não, viêm kết mạc. Tuy nhiên, quá tập trung vào màn hình ti-vi, điện thoại chính là yếu tố thúc đẩy bệnh khởi phát. “Khi chơi game, xem phim hoạt hình, mắt của trẻ phải điều tiết liên tục, não cũng phải tập trung, làm việc nhiều nên dễ dẫn đến mắc hội chứng TIC. Trẻ càng tập trung thì càng dễ khởi phát và tần suất máy giật cơ càng nặng”. 

Các BS BV Nhi Đồng 1 cho biết, hội chứng TIC đã khởi phát thì không điều trị triệt để được, chỉ cố gắng kiểm soát triệu chứng. Điều trị TIC chủ yếu bằng cách tác động về tâm lý cho cả bệnh nhi và gia đình. Tâm lý thoải mái, không căng thẳng, bệnh nhi sẽ ít máy giật hơn.

Đa số phụ huynh rất lo lắng, cho rằng con bị bệnh tâm thần, làm nghiêm trọng vấn đề khiến trẻ thêm áp lực, bệnh tình trầm trọng. TIC không có yếu tố di truyền, không nguy hiểm tính mạng nhưng lại gây ra các phiền toái, ảnh hưởng tới chất lượng sống và khả năng hòa nhập của trẻ. Chỉ khi nào trẻ bị TIC nặng, không thể điều trị bằng liệu pháp tâm lý thì mới dùng thuốc can thiệp.

TIC có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng hay xảy ra đối với trẻ em ở độ tuổi từ 4 - 10. Hiện, mỗi ngày BV Nhi Đồng 1 khám khoảng 60 ca liên quan tới thần kinh, phát hiện 5 - 7 trẻ mắc phải hội chứng TIC.  Khoảng 10% trẻ mắc hội chứng TIC phải trị liệu tâm lý. 

 Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI