Mắt đau mà không đỏ: Coi chừng bệnh chuyển nặng

25/03/2017 - 21:31

PNO - Triệu chứng chính của bệnh dị ứng mắt (viêm kết mạc) là mắt bị sưng, đỏ, ngứa, tuy nhiên, có nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh nhưng mắt không sưng đỏ nên dễ bị bỏ qua.

Dị ứng kéo dài

Chị Ngọc Thanh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đưa con trai 22 tháng tuổi đến một phòng khám đa khoa gần nhà để khám mắt. Chị cho biết, đã khám đến lần thứ hai mà mắt bé vẫn không khỏi. “Từ sau tết đến giờ, con tôi cứ đưa hai tay lên mắt dụi, nhất là mỗi buổi sáng thức dậy hay sau khi khóc. Khi con dụi thì vùng xung quanh mắt cũng tấy đỏ, nhưng bình thường mắt con không hề bị đỏ hay đổ ghèn.

Tình trạng này cũng không liên tục mà ngày bị, ngày không nên tôi loại trừ bệnh đau mắt đỏ và chỉ nhỏ mắt cho con bằng nước muối sinh lý. Không khỏi, tôi đưa con đi khám, uống thuốc, nhỏ mắt theo toa bác sĩ (BS) kê mà đến nay đã hơn hai tháng, tình trạng của con vẫn thế”, chị Thoa kể. 

Cũng có con gái hai tuổi liên tục dụi mắt, nhưng chị Lan Phương (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), bạn chị Thoa, lại cho biết, sau khi đưa con khám ở BV Mắt TP.HCM, BS kết luận con bị dị ứng mắt và cho thuốc uống kết hợp thuốc nhỏ mắt. Chỉ sau ba ngày, bé đã không còn dụi mắt nữa. Đem thắc mắc này hỏi BS, chị Thoa nhận được câu trả lời: “Dị ứng mắt do nhiều nguyên nhân, nếu bé bị dị ứng mắt do thời tiết thì đành chịu, nhỏ mắt cũng không có tác dụng, chỉ cho con uống thuốc để bớt ngứa”.

Khám lần hai, BS cho bé thuốc chống viêm nhiễm với liều cao, kết hợp thuốc nhỏ mắt, tuy vậy, tình trạng của con chị Thoa vẫn không khỏi khiến chị hoang mang, lo lắng. 

ThS-BS Nguyễn Thành Danh - khoa Mắt BV Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết, thông thường trong ba tháng mùa xuân, trẻ thường dễ mắc bệnh dị ứng mắt (chuyên môn gọi là viêm kết mạc dị ứng), do nhiều nhóm nguyên nhân.

Mat dau ma khong do: Coi chung benh chuyen nang
 

Dị ứng thời tiết hay xuất hiện vào mùa xuân, do phấn hoa nở nhiều, kích thích mắt. Hay khi giao mùa nóng - lạnh, trẻ cũng dễ bị dị ứng mắt, thường đi kèm với viêm mũi dị ứng.

Những nhóm nguyên nhân gây dị ứng mắt thường gặp, gồm: dị ứng do thức ăn như trứng gia cầm, hải sản hay các món ăn lạ mà trẻ ít ăn như rùa, rắn… Lúc này, trẻ bị kích ứng không chỉ ở mắt, nhiều trường hợp còn phù ở môi. Bên cạnh đó, dị ứng mắt từ nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước giếng có nhiều tạp khuẩn. Hay khi trẻ đi bơi, chất sát khuẩn trong hồ bơi dễ làm cho trẻ kích ứng mắt. 

“Một nguyên nhân khác dù ít gặp nhưng BS rất lo ngại là dị ứng do sử dụng thuốc, vì rất nhiều người có thói quen tự ý mua thuốc cho con uống mà không qua khám. Dị ứng do nguyên nhân từ thuốc ít gặp nhưng nguy hiểm nhất. Vì vậy, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc cho trẻ. Khi trẻ bị dị ứng nhẹ hay nặng đều cần đưa đến BS chuyên khoa”, ThS-BS Danh cảnh báo. 

Mat dau ma khong do: Coi chung benh chuyen nang

Khi thấy mắt trẻ có dấu hiệu bất thường như sưng, đỏ cần đưa trẻ đi khám,

không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ

Không tự ý mua thuốc

Theo ThS-BS Danh, bệnh viêm kết mạc dị ứng hầu hết sẽ khỏi sau 24-72 tiếng (1-3 ngày), ít để lại biến chứng nếu điều trị đúng, người bệnh đáp ứng thuốc nhanh. Tính chất lặp lại của bệnh tùy theo tác nhân gây bệnh. Có trường hợp trẻ bị dị ứng do di truyền, mắt không bị đỏ hay sưng nhiều, mà chủ yếu ngứa mắt khiến trẻ dụi mắt nhiều, làm đỏ cả vùng xung quanh mắt. Cần nhỏ nước muối sinh lý rửa mắt cho trẻ thường xuyên. 

Nguyên tắc xử lý bệnh dị ứng mắt là xử lý tức thời: phát hiện tác nhân gây dị ứng (nước hồ bơi hay thuốc…), cần ngưng ngay, không cho trẻ tiếp xúc với tác nhân này. BS khám sẽ chỉ định thuốc kháng dị ứng cho trẻ gồm cả thuốc nhỏ mắt và thuốc uống. Nếu phát hiện nguyên nhân gây dị ứng cho trẻ, như thức ăn (trứng, hải sản…) cần ngưng cho trẻ ăn và phòng bệnh bằng cách giảm cho trẻ ăn các món này, tập cho trẻ ăn từ ít đến nhiều để trẻ thích nghi dần. 

Đáng lo ngại hơn, ThS-BS Danh cho biết, sai lầm thường gặp là nhiều người tự ý mua thuốc cho trẻ dùng và sử dụng thuốc theo toa của người khác, dẫn đến tình trạng dị ứng thuốc gây hội chứng nguy hiểm. Một trong những hội chứng đáng lo là Stevens -  Johnson gây ảnh hưởng đến vùng da, niêm mạc của trẻ, để lại di chứng nặng nề về sau trên cả da, mắt.

“Nguyên nhân gây dị ứng mắt khác nhau, cách điều trị theo đó cũng khác nhau. Vì vậy, mặc dù cùng là viêm kết mạc, nhưng tuyệt đối không dùng thuốc của người này sử dụng cho người kia. Ngoài ra, không lạm dụng kháng sinh tại chỗ vì sẽ gây lờn thuốc”, ThS-BS Danh lưu ý. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI