Vụ việc xảy ra tại P.Phước Long A, Q.9, TP.HCM khiến một doanh nghiệp lâm vào cảnh khốn đốn gần 10 năm qua.
|
Các cơ quan chức năng trong một lần kiểm tra, xác minh vụ việc |
Chiếm đất bằng thủ đoạn... thuê nhầm
Theo phản ánh của ông Trương Quang Vĩnh, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Kinh doanh nhà Vĩnh Lộc, cách nay khoảng 15 năm, tại P.Phước Long A, Q.9, ông có một thửa đất rộng 26.700m2. Năm 2002, ông san lấp một phần khu đất và xây dựng kho bãi.
Sau đó, Công ty Hàng Hải đến ký hợp đồng thuê 4.000m2. Khoảng hai năm sau, công ty này tiếp tục ký hợp đồng thuê thêm 3.814m2 đất. Đến năm 2007, công ty thuê tiếp 2.500m2, nâng tổng diện tích đất đã thuê lên hơn 10.000m2.
Tuy nhiên, năm 2008, Công ty Hàng Hải bất ngờ gửi văn bản thông báo với ông Vĩnh rằng, vừa phát hiện... thuê nhầm 2.267m2 đất. Phía Công ty Vĩnh Lộc lập tức ra văn bản bác bỏ thông tin này và thu hồi đất.
Công ty Hàng Hải tạo lập một số hồ sơ đo vẽ rồi gửi đơn kiện đi khắp các cơ quan chức năng, nhưng kết quả, không cơ quan nào đồng tình với đòi hỏi vô lý này.
Theo ông Vĩnh, sau đó, Công ty Hàng Hải chuyển sang dùng “luật rừng”, tổ chức nhóm người tràn sang với ý định bao chiếm đất của ông. Lúc này, diện tích đất Công ty Hàng Hải muốn chiếm không dừng ở con số trên nữa mà lên đến 3.719m2.
Nhiều thời điểm, hai bên căng thẳng đến mức suýt xảy ra ẩu đả, nhưng may được lực lượng công an can thiệp kịp thời. Khoảng năm 2010, Công ty Hàng Hải lộ rõ “lòng tham không đáy” khi tiếp tục nâng diện tích xâm chiếm lên đến 6.748m2 đất và gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu được công nhận chủ quyền trên phần diện tích đất này.
Tuy nhiên, qua xác minh, UBND P.Phước Long A và UBND Q.9 đều ra văn bản bác bỏ đơn tranh chấp đất của Công ty Hàng Hải, nhưng công ty này vẫn không từ bỏ quyết tâm lấy số đất trên.
Vụ việc được chuyển đến UBND TP.HCM. Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Thanh tra TP.HCM và nhiều cơ quan chức năng khác được huy động vào giải quyết.
Sau một thời gian dài kiểm tra, xác minh, năm 2014, UBND TP.HCM ra quyết định không công nhận đơn tranh chấp của Công ty Hàng Hải và cho biết đây là quyết định giải quyết cuối cùng của các cơ quan chức năng thuộc cấp TP.
Cứ tưởng mọi chuyện đã xong, thế nhưng, khoảng hai tháng sau, Bộ TNMT tổ chức lực lượng đến TP.HCM kiểm tra, xác minh lại vụ việc và cho kết quả hoàn toàn trái ngược lại kết quả của các cơ quan chức năng của TP.HCM.
Phớt lờ chỉ đạo của phó thủ tướng?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, quá trình kiểm tra, xác minh của Bộ TNMT có nhiều vấn đề chưa thuyết phục. Cụ thể, trong kết quả xác minh, Bộ TNMT nhận định: “Năm 2003, khi Công ty Vĩnh Lộc tiến hành xây dựng hàng rào xung quanh đã lấn vào đất của Công ty Hàng Hải đã giải tỏa, đền bù cho người dân vào năm 1997.
Công ty Hàng Hải đã báo cáo đến chính quyền địa phương tại văn bản số 02 - 03/CV ngày 14/1/2003”. Thế nhưng, theo UBND P.Phước Long A và UBND Q.9, trong thời gian này, họ không nhận được văn bản trên của Công ty Hàng Hải.
Bên cạnh đó, Bộ TNMT còn cho rằng: “Năm 1999, Công ty Vĩnh Lộc sang nhượng phần đất trên bằng giấy tay, không được chính quyền địa phương xác nhận nên không có cơ sở xác định phần đất thuộc về Công ty Vĩnh Lộc". Tuy nhiên, theo hồ sơ chúng tôi có được, việc mua bán, sang nhượng đất trước đây của Công ty Vĩnh Lộc đều được UBND P.Phước Long A xác nhận về diện tích, nguồn gốc, vị trí đất.
Trước kết luận thiếu thuyết phục của Bộ TNMT, ông Vĩnh gửi đơn khiếu nại đến Văn phòng Chính phủ. Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với một số cơ quan chức năng liên quan thanh tra, làm rõ vụ việc. Kết quả, Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc sử dụng đất của Công ty Vĩnh Lộc là có nguồn gốc rõ ràng chứ không như kết luận của Bộ TNMT.
Quá trình sử dụng đất của Công ty Vĩnh Lộc trước đây cũng không có tranh chấp. Cuối cùng, Thanh tra Chính phủ khẳng định: kết luận giải quyết của Bộ TNMT là không chính xác, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận kết quả giải quyết của UBND TP.HCM.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Công ty Hàng Hải có dấu hiệu tạo dựng hồ sơ giả. Cụ thể là cung cấp văn bản số 02-03/CV để Bộ TNMT sử dụng làm cơ sở giải quyết vụ việc không chính xác. Trong quá trình làm việc với các cơ quan chức năng, Công ty Hàng Hải có dấu hiệu báo cáo thiếu trung thực, có dấu hiệu làm trái quy định của luật Đất đai...
Tháng 11/2016, vụ việc đã được Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tháng 2/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 896/VPCP gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ TNMT, UBND TP.HCM cho biết, Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý với kiến nghị trên của Thanh tra Chính phủ, đồng thời đề nghị Bộ TNMT điều chỉnh kết quả thanh tra trước đây theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ trước ngày 1/3/2017.
Tuy nhiên, theo ông Vĩnh, đến nay, Bộ TNMT vẫn chưa chịu điều chỉnh kết quả thanh tra thiếu chính xác của mình. “Gần 10 năm qua, tôi đi đòi công lý, nhiều công việc của doanh nghiệp bị ngưng trệ, nhiều thời điểm gần như tê liệt hoàn toàn. Nay vụ việc đã được làm sáng tỏ, nhưng Bộ TNMT trước đây làm sai lại cố tình trì hoãn vụ việc khiến doanh nghiệp chúng tôi tiếp tục kéo dài thêm khó khăn, không biết đến bao giờ mới được yên ổn làm ăn” - ông Vĩnh than.
Chỉ là vụ việc tranh chấp dân sự giữa hai đơn vị nhưng phải đến phó thủ tướng vào cuộc chỉ đạo mới được giải quyết dứt điểm. Nhưng khi vụ việc đã được làm rõ, cơ quan làm sai là Bộ TNMT lại chậm sửa sai, khiến vụ việc kéo dài, gây thêm thiệt hại cho người dân.
Với những thiệt hại, tổn thất do các cơ quan này gây ra, ai sẽ đền bù cho người dân?
Phan Trí