Mất con, tàn phế sau khi bị lừa bán

26/08/2022 - 07:11

PNO - Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, ba chị em Trương Thị H. phải nương tựa vào nhau mà sống khi mẹ dứt áo ra đi, cha mất vì bạo bệnh.

H. phải sớm nghỉ học để đi làm thuê, làm mướn. Năm 14 tuổi, H. được một phụ nữ tên Thủy tiếp cận, vẽ ra viễn cảnh làm công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao ở bên kia biên giới. Nghe bùi tai, H. gật đầu. Khi sang bên kia bên giới, bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc làm vợ, H. mới biết mình bị lừa. 

Không ít lần, H. tìm cách bỏ trốn nhưng thất bại do lạ đường, không rành ngôn ngữ. Sau nhiều năm, khi có bốn mặt con, không chịu nổi cuộc sống tủi nhục nơi đất khách, chị H. cùng đứa con út bỏ trốn về Việt Nam. “Giờ tôi chỉ còn hai mẹ con. Cuộc sống mới cũng khó khăn, nhiều lúc nhớ con lắm, nhưng tôi không dám quay lại bên đó” - chị H. nói.

Hành trình trở về quê nhà của chị Lữ Thị Tím (bản Pủng, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) còn gian nan hơn. Chị kể, năm 25 tuổi, chị được khá nhiều chàng trai để ý do chị thêu ren thổ cẩm giỏi nhất bản. Một kẻ buôn người đã tiếp cận chị, hứa đưa chị sang Viêng Chăn (Lào) làm nghề thêu thổ cẩm nhưng sau đó đã bán chị sang Trung Quốc. Khi biết mình bị lừa, chị Tím tìm mọi cách trốn chạy. Sau nhiều ngày liền băng trong rừng sâu giá lạnh, khi được người dân phát hiện, đôi chân của chị đã tê cứng, phải cắt bỏ.

Chị Tím cho hay: “Mỗi lần sinh hoạt câu lạc bộ phòng, chống nạn mua bán người, tôi đều được Hội Phụ nữ huyện mời kể lại câu chuyện mình bị lừa bán và trốn chạy để chị em các bản trong xã nghe mà cảnh giác”.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh này có 16 trường hợp bị đưa sang Campuchia lao động nhưng mất liên lạc. Hiện đã có chín trường hợp trở về sau khi gia đình phải trả một khoản tiền chuộc từ 45-150 triệu đồng. 

Đại tá Lê Hồng Vương - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh - cho biết đơn vị vừa phối hợp với lực lượng hiến binh và Công an tỉnh Svay Rieng (Vương quốc Campuchia) giải cứu thành công một công dân Việt Nam là H.C.K. khỏi sòng bạc ở Campuchia. 

Ông Hồ Văn Hồng (thứ hai từ trái sang), ở tỉnh Quảng Trị kể chuyện con trai ông bị lừa sang Campuchia  lao động -  ẢNH: THUẬN HÓA
Ông Hồ Văn Hồng (thứ hai từ trái sang), ở tỉnh Quảng Trị kể chuyện con trai ông bị lừa sang Campuchia lao động - Ảnh: Thuận Hóa

Chiều 20/8, bà N.T.K. (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã gọi điện đến Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh nhờ giải cứu con trai của mình là H.C.K. Trước đó, ngày 15/8, H.C.K. truy cập vào Facebook thì thấy trang “Việc làm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” đăng thông tin tuyển dụng của một nhà hàng ở Campuchia gần tỉnh Tây Ninh với mức lương khởi điểm 12 triệu đồng/tháng. Khi nạn nhân liên lạc với bên tuyển dụng qua điện thoại thì được hướng dẫn đến biên giới tỉnh Tây Ninh và Campuchia để nhận việc. Sau nhiều chặng di chuyển bằng đường bộ, H.C.K. và một nhóm thanh niên khác được đưa sang Campuchia. Tại đây, H.C.K. bị quản lý đánh đập do không đáp ứng được yêu cầu công việc nên đã gọi điện về nhà cầu cứu mẹ.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã nhanh chóng chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và các đồn biên phòng xử lý vụ việc. Thông qua các biện pháp nghiệp vụ và quy chế phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia, hai bên đã nhanh chóng xác định được nơi H.C.K. đang bị giam giữ. Chiều 22/8, H.C.K. được lực lượng hiến binh và Công an tỉnh Svay Rieng đưa ra khỏi nơi làm việc tại thành phố Bà Vét - đối diện với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

“Thời gian qua, chúng tôi đã tăng cường trao đổi ngoại giao, phối hợp với lực lượng chức năng nước bạn giải cứu được nhiều công dân Việt Nam. Chúng tôi cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra các đường dây đưa người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới” - đại tá Lê Hồng Vương nói.

Chỉ tính trong sáu tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh đã phát hiện, bắt giữ 313 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép, 20 đối tượng tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép. 

Cảnh giác với chiêu lừa “giúp giải cứu người”

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh, một số nạn nhân kể, sau khi họ bị lừa sang Campuchia, người nhà ở Việt Nam tiếp tục bị các đối tượng xấu lừa với chiêu “giúp giải cứu người”.

Theo đó, kẻ xấu gọi điện cho người nhà nạn nhân, tự xưng là quản lý sòng bạc ở Campuchia, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để chuộc nạn nhân. Sau khi được chuyển tiền, kẻ xấu liền chặn liên lạc và không thả nạn nhân.

Ngoài ra, các đối tượng xấu còn lên mạng quảng cáo rằng có khả năng giúp giải cứu nạn nhân ở Campuchia nhưng sau khi được người nhà nạn nhân chuyển tiền thì nhóm này biến mất. Bà N.K.T. kể, trước khi con bà được Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh giải cứu, bà đã chuyển 100 triệu đồng cho một tài khoản không rõ lai lịch trên mạng để nhờ giải cứu con mình. Sau đó, người này yêu cầu chuyển thêm tiền rồi cho biết không giải cứu được.

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI