Mất chồng vì chỉ thích đặt đồ ăn bên ngoài

24/01/2022 - 06:42

PNO - N.T.U., một cô gái trẻ, đẹp và là thạc sĩ kinh tế, làm việc cho một tập đoàn xây dựng. Vậy mà cô lại là người “bị” chồng, anh N.V.T. viết đơn khởi kiện yêu cầu được ly hôn.

Ngày tòa mời lên làm việc, cô U. nói: “Tôi không hiểu tại sao chồng tôi muốn ly hôn. Tôi thấy tôi không làm gì lỗi lầm với anh ta, nên tôi không đồng ý ly hôn”. Thế nhưng, người đàn ông đang chung sống với cô, tuyên bố một câu xanh rờn: “Dù có giết tôi chết tôi cũng không thể quay lại sống với cô”. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Anh trình bày: “Vợ tôi xinh đẹp, có trình độ, có công việc tốt kiếm được nhiều tiền hơn tôi, nhưng cô ấy đối xử với gia đình chồng, nhất là với mẹ tôi rất tệ. Cô ấy coi thường gia đình nhà chồng, cãi nhau tay đôi với mẹ tôi. Biết con dâu hay gọi đồ ăn về nhà, và cũng ít ăn cơm cùng chồng con, nên mẹ tôi khuyên cô ấy chịu khó sau khi tan làm về nhà nấu ăn. Vậy mà cô ấy to tiếng: “Mẹ có biết thời đại này là thời đại nào không? Đâu cần phải nấu nướng làm gì cho mệt, chỉ cần có tiền, có tiền và ấn nút enter là giải quyết xong mọi việc. Bà nấu ăn làm gì cho mệt rồi ngồi đó mà kêu, than vãn”.  

Vì chuyện này mà mẹ tôi buồn rồi bị ngã bệnh. Tôi đã nhiều lần góp ý với cô ấy, nhưng cô ấy không nghe và tiếp tục hỗn láo với mẹ tôi với nhiều lời nặng nề. Đáng lẽ cô phải nhìn nhận được cái sai của mình để sửa chữa, khắc phục, nhưng cô ấy vẫn cứng đầu nói mẹ chồng lạc hậu.

Trong phiên hòa giải, sau khi nghe chồng giãi bày và “kể tội”, T.U. đưa ra rất nhiều lý lẽ để bảo vệ cho quan điểm của mình. Cô nói: Mẹ chồng tôi không già lắm, nhưng rất cổ xưa, bà khó tính, hay nhắc nhở con cháu đủ thứ chuyện và muốn con cháu làm theo ý mình. Bà chỉ muốn con cháu phải ăn hoàn toàn ở nhà để tiết kiệm tiền và đảm bảo vệ sinh. Mà nếu được như vậy thì tôi phải chu toàn, đi chợ, nấu ăn… 

Tôi không thích vào bếp mỗi ngày, tôi phải đi làm kiếm tiền. Có tiền chỉ cần gọi đồ ăn về nhà là xong, cần gì nấu ăn rồi dọn dẹp cho mệt. Cúng giỗ, ngày tết… làm gì phải thức khuya dậy sớm chuẩn bị thức ăn, chỉ cần chuyển khoản là có đủ thứ trong nhà. Tôi muốn tự do thoải mái theo suy nghĩ của mình và được làm theo những gì mình thích. Chồng tôi thì lại hay nghe lời mẹ, bực quá tôi mới phản ứng với mẹ chồng. Mà chồng tôi không bênh vợ, lại còn xông vào bạt tai tôi”. 

Hai vợ chồng tiếp tục những lời kể tội nhau, không ai chịu nhìn nhận cái sai mà tìm cách sửa chữa, hàn gắn tình cảm vợ chồng… Họ mới cưới nhau được hai năm. Cô vợ vì niềm vui kiếm tiền nên chưa muốn có con. Thời gian đầu, vợ chồng đưa nhau đi khám phá ẩm thực khắp nơi, nhưng bà mẹ chồng dù ở tận ngoài miền Bắc vẫn lo lắng cho con trai, và khi vào thăm con bà đã khuyên bảo con dâu… Vậy là gia đình nhỏ của cặp đôi trẻ bùng nổ.

Vị thẩm phán lắng nghe cả hai vợ chồng và kiên nhẫn bày tỏ quan điểm: “Tôi luôn nghĩ, dù thời xưa hay thời nay đối với người Việt Nam chúng ta thì bữa cơm gia đình là biểu tượng của sự gắn bó, yêu thương và sum họp. Sau một ngày làm việc, học tập, bữa cơm gia đình  không chỉ để ăn mà còn là nơi để các thành viên quây quần, trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện trong ngày, động viên nhau… Từ đó mọi người xích lại gần nhau và thương yêu nhau hơn. Hình ảnh gia đình ngồi quây quần bên nhau để ăn cơm, trò chuyên vui vẻ cho thấy sự hạnh phúc, hòa hợp”. 

Tuy nhiên, những lời chân tình của vị thẩm phán vẫn không lọt tai cô vợ trẻ, cô vẫn cho rằng cô luôn đúng, cô muốn được làm những việc theo ý mình… vì cô là cô gái của thời đại 4.0 - có tiền và có công nghệ thì cái gì cũng giải quyết được…
Vị thẩm phán vẫn kiên nhẫn cho rằng, cả hai hãy cùng cho nhau cơ hội, nếu có tiền, nên đầu tư cái bếp thật đẹp, thật nhiều tiện ích để giảm vất vả cho người nấu, rồi chồng cùng vào bếp để vợ không cảm thấy quá tải…  

Thế nhưng, ông chồng lại lắc đầu: “Bây giờ, tôi cảm thấy chán nản, nhiều tháng nay chúng tôi đã sống ly thân và cô ấy cũng đã chuyển về nhà mẹ ruột sinh sống. Nói thực lòng tôi cũng không còn tình cảm gì với cô ấy vì bị ám ảnh từ cách cư xử của cô ấy đối với mẹ tôi”.

Sau ba lần hòa giải không thành, hai vợ chồng trẻ ấy đã quyết định thuận tình ly hôn. Cả hai bước ra khỏi tòa không ai nhìn mặt ai, cũng không thể hiện cảm xúc buồn bã, đau khổ như những cặp vợ chồng khác. 

Không biết sau cuộc hôn nhân này cô gái có rút ra được bài học gì cho bản thân không? Liệu sau này ở bến đỗ bình yên mới cô có thay đổi quan điểm sống? Có thay đổi cách đối xử với mẹ chồng, với gia đình chồng hay cô vẫn muốn sống theo ý chí của cô và tiếp tục với quan điểm phụ nữ chỉ cần đi làm, kiếm tiền mọi việc đã có dịch vụ giải quyết? 

Hoa Trà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI