Mặt biến dạng do làm đẹp bằng filler

01/08/2016 - 14:29

PNO - Trường hợp xảy ra mới đây với một cô gái ở Hà Nội khiến không ít chị em giật mình lo sợ về các dịch vụ làm đẹp bằng chất làm đầy (filler).

Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp bị sưng môi, lệch cằm, mũi xuất hiện các cục vón… sau khi tiêm filler.

Nâng mũi, biến dạng cả khuôn mặt

Mới đây, chị Q.A. (24 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) phải nhập viện trong tình trạng sưng tấy toàn bộ phần dưới mặt, mũi và cằm bị gồ lên, biến dạng, đau đớn; mặt nổi đầy mụn... Bệnh nhân cho biết, trước đó, qua người quen là chủ một tiệm spa, chị A. đã đến dịch vụ tiêm filler để nâng mũi, độn cằm. Theo lời tư vấn ban đầu của dịch vụ, sau sáu tháng, filler sẽ tan và sau đó tiêm lại nếu muốn, nhưng sau khi tiêm, chị phải chịu sự biến dạng trên. Bác sĩ (BS) điều trị kết luận, filler không tan, vón cục dưới da dẫn tới hoại tử da, nhiễm trùng, phải chích hút filler và cho bệnh nhân dùng kháng sinh. Tiến sĩ (TS) - BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM cảnh báo: “BV đã xử lý nhiều trường hợp tai biến, biến chứng do tiêm fi ller gây vón cục dưới da, hoại tử da, nhiễm trùng…”.

Filler là vật liệu dạng lỏng hoặc dạng gel, được sử dụng nhiều trong tạo hình - thẩm mỹ để làm tăng thể tích bên trong, thay đổi hình dạng bên ngoài, nâng các chỗ lõm trên bề mặt cơ thể. Hiện nay, filler thường được dùng nhiều trong thẩm mỹ để xóa nhăn (nếp nhăn tĩnh), nâng mũi, cằm, gò má, môi… TS-BS Anh Tuấn cho biết, làm đẹp bằng filler được coi là một thủ thuật mang tính ngoại khoa, ít xâm lấn, nhưng muốn đạt chất lượng, hiệu quả, trước hết phải an toàn.

Mat bien dang do lam dep bang filler
Tại cơ sở T.T., rất nhiều bạn gái trẻ ngồi chờ để chỉnh sửa làm đẹp bằng filler

Muốn an toàn, phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn: BS thực hiện phải được đào tạo về sử dụng filler (được pháp luật công nhận hành nghề, hiểu rõ về giải phẫu, loại filler, kỹ thuật tiêm chích, xử lý được các tai biến, biến chứng…); phải được thực hiện tại một cơ sở hợp pháp với đầy đủ các tiêu chuẩn về vô trùng, thuốc, dụng cụ cấp cứu; loại filler cũng phải được lưu hành hợp pháp và chứng thực bởi các cơ quan chức năng…

Hiện tại, có rất nhiều loại filler lưu hành trên thị trường, có thành phần, thời gian phân hủy, vị trí sử dụng, hãng sản xuất… khác nhau. Các loại filler không có nguồn gốc rõ ràng thường không được kiểm định bởi cơ quan quản lý nên chất lượng không thể biết được, do đó có thể dẫn đến nguy hiểm cho người dùng. Giá các loại filler đó cũng rất khác nhau nhưng không phải “giá cao là thuốc tốt” và ngược lại.

Spa cũng nhận tiêm filler

Thực tế hiện nay, dịch vụ tiêm filler làm đẹp không chỉ được thực hiện ở những nơi được cấp phép có chức năng này, mà nhiều nơi chưa được cấp phép, ngay cả spa cũng “lấn sân”, rầm rộ quảng cáo tiêm filler. Tại cơ sở làm đẹp P.A. trên đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chúng tôi được nhân viên tiếp đón nhiệt tình, giới thiệu đủ loại dịch vụ làm đẹp từ nâng mũi Hàn Quốc, làm gọn cằm, sửa cằm chẻ đến làm má bầu bĩnh, môi trái tim căng mọng, dễ thương… chỉ bằng phương pháp tiêm filler hoặc botox. Báo giá dịch vụ tiêm filler từ 4,5- 5,5 triệu đồng cho từng bộ phận.

Đến cơ sở làm đẹp T.T. (đường 3/2, Q.10, TP.HCM), rất nhiều khách là chị em có độ tuổi khoảng 20-35 đang ngồi chờ làm đẹp. Nữ nhân viên tên L. tiếp chúng tôi bằng bài giới thiệu về mình, L. đưa chúng tôi xem hình của cô trước và sau khi làm đẹp, như được… “lột xác”. Nhìn mặt L., khó mà nhận ra hình cũ trong điện thoại là L. trước đó một năm. Nhìn tôi, L. tư vấn tất tần tật dịch vụ nên làm là: làm mũi S-line, gọt hàm, cắt cánh mũi, bấm mí, tạo môi trái tim… với tổng chi phí gần 150 triệu đồng. Chỉ riêng tiêm filler tạo môi trái tim giá 18 triệu đồng, khoảng 2ml filler.

Để chúng tôi yên tâm, L. vào trong lấy hộp filler nhãn hiệu N. và giới thiệu là hàng Mỹ, bảo đảm trên 12 tháng mới tan. Chúng tôi kêu đắt, cô này thuyết phục: “Giá này mới đảm bảo hàng chất lượng, chị đừng ham giá rẻ vì filler sẽ tan nhanh, tiêm lại tốn thêm tiền và không an toàn. Bên em còn có dịch vụ tiêm filler để làm căng đầy âm môi, nhiều chị làm xong rất thích. Bên em đang có chương trình khuyến mãi giảm giá 10% và nhiều hơn tùy dịch vụ, chị làm luôn đi”…

Thấy chúng tôi ngần ngừ, cô này nói thêm: “Các dịch vụ đơn giản như tiêm filler, xăm, phun thì làm ở đây luôn; còn dịch vụ liên quan đến mổ xẻ, bên em sẽ đưa chị qua BV để BS làm vì có thử máu, gây mê. Nhưng bên em thu tiền trọn gói, chị đồng ý thì đặt cọc trước, em lên lịch hẹn”. Theo quy định, thẩm mỹ viện, spa chỉ là nơi chăm sóc sắc đẹp đơn thuần (can thiệp không xâm lấn), nhưng nhiều nơi vì lợi nhuận, đã quảng cáo và thực hiện quá phạm vi cho phép.

Chỉ kiểm tra khi... có sai phạm

Có quá nhiều loại hình dịch vụ làm đẹp, từ spa, trung tâm thẩm mỹ, thẩm mỹ viện đến BV thẩm mỹ, khoa thẩm mỹ trong BV… khiến người tiêu dùng bối rối, không biết nơi nào làm đẹp an toàn, ưng ý. Thế nhưng, quy trình quản lý các cơ sở làm đẹp hiện nay còn lỏng lẻo.

Trả lời phóng viên báo Phụ Nữ, TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Thanh tra không biết có bao nhiêu thẩm mỹ viện, spa đang hoạt động vì ngành y tế không cấp phép. Thẩm mỹ viện, spa không phải là cơ sở y tế (theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009), giấy phép kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cho phép làm gì thì họ làm trong phạm vi đó. Thanh tra Sở Y tế không đi kiểm tra theo kế hoạch, trừ trường hợp những nơi này vi phạm trong việc quảng cáo khám chữa bệnh, thực hiện thủ thuật y khoa, khi đó họ sẽ bị xử lý về quảng cáo không phép hoặc khám chữa bệnh không phép”.

Nói về việc các cơ sở làm đẹp “dắt khách” qua BV làm đẹp, TS-BS Bùi Minh Trạng cho hay: “Thẩm mỹ viện có thể liên kết với BV, bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào cũng có quyền “giới thiệu” bệnh nhân đến BV khám chữa bệnh. BV là nơi chịu trách nhiệm trong việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Chỉ khi nào thẩm mỹ viện thực hiện việc “khám chữa bệnh” thì họ mới vi phạm”. Chính vì vậy mà các cơ sở mặc sức quảng cáo đủ loại hình dịch vụ làm đẹp không thuộc phạm vi chức năng của mình, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, “tiền mất, tật mang”.

Làm đẹp nói chung và làm đẹp bằng filler nói riêng thường là các phẫu thuật, thủ thuật y khoa, liên quan đến sức khỏe con người, do đó phải hết sức thận trọng, cần suy nghĩ, tìm hiểu kỹ trước khi làm. Cần phải đến khám và thực hiện tại những cơ sở được cấp phép, BS thực hiện phải là những người được pháp luật cho phép hành nghề đúng chuyên ngành, filler có nguồn gốc rõ ràng và được chứng thực lưu hành bởi các cơ quan có thẩm quyền.

TS-BS Nguyễn Anh Tuấn

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI