Mặt bằng bán lẻ đua nhau thay "áo mới" để vượt khó

27/05/2023 - 10:54

PNO - Mặt bằng bán lẻ ở các trung tâm thương mại đang giảm dần công suất cho thuê. Để cải thiện tình hình, các trung tâm đua nhau cải tạo lại.

Dọc các tuyến đường trung tâm TPHCM như Lê Lợi, Lý Tự Trọng, Đồng Khởi, Hai Bà Trưng... (quận 1, quận 3, TPHCM), không khó để bắt gặp cảnh mặt bằng treo biển cho thuê, sang quán, đóng cửa.

Theo nghiên cứu dữ liệu từ nền tảng công nghệ bất động sản Nhà Tốt (Nhatot.com), số lượng tin đăng cho loại hình mặt bằng kinh doanh (ở tất cả các quận) tại TPHCM tăng khoảng 150% so với thời điểm cuối năm. Điều này cho thấy, tình hình kinh doanh đang tiếp tục diễn biến khó khăn, dẫn đến nhiều chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh buộc phải trả mặt bằng do không thể tiếp tục trả tiền thuê.

Mặt bằng trung tâm TPHCM giờ biến thành nơi để xe, bán hàng rong...
Mặt bằng trung tâm TPHCM vắng khách kéo dài, giờ biến thành nơi để xe, bán hàng rong...

Báo cáo của Bộ phận nghiên cứu Savills TPHCM cho thấy, công suất mặt bằng bán lẻ cho thuê toàn thị trường đạt 92%. Theo thống kê của Savills, ngành hàng ăn uống chiếm 30% diện tích bị bỏ trống, ngành hàng thời trang chiếm 21%, ngành vui chơi giải trí chiếm 20% và ngành giáo dục chiếm 6%. 

Báo cáo cũng cho thấy, một trong những xu hướng đáng chú ý là khách thuê tiếp tục bỏ trống và không gia hạn thêm hợp đồng tại các dự án ở ngoài trung tâm. Theo phân tích của Savills, nguyên nhân chính của vấn đề này đến từ lượng khách qua lại thấp tại những mặt bằng có vị trí thuê không tốt, cùng với đó là chính sách marketing và quản lý không hiệu quả từ chủ đầu tư.

Tầng trệt khu trung tâm thương mại Gigamall (TP Thủ Đức) cũng thưa thớt nhãn hàng
Tầng trệt khu trung tâm thương mại Gigamall (TP Thủ Đức) cũng thưa thớt nhãn hàng

Các trung tâm thương mại tại TPHCM cũng bắt đầu có những thay đổi, nâng cấp, cải tạo để nâng công suất thuê. 

Như trung tâm thương mại Diamond Plaza (quận 1, TPHCM) đã cải tạo nâng cấp và bổ sung thêm 12.800m2 diện tích bán lẻ của trung tâm thương mại và chủ yếu tập trung vào các ngành hàng cao cấp và xa xỉ. 

Tòa
Tòa tháp Bitexco Financial Tower vẫn treo biển nâng cấp

Hay tòa tháp Bitexco Financial Tower (quận 1, TPHCM) thời gian gần đây vẫn vắng lặng. Trước đó, Tập đoàn Bitexco cho biết, tòa tháp Bitexco đang trong quá trình hợp tác với các chuyên gia để nghiên cứu cải tạo, nâng cấp cho phù hợp với định vị tòa nhà từng là biểu tượng của TPHCM. Trong khi đó, trung tâm thương mại Parkson từng là chuỗi bán lẻ đình đám một thời cũng đã phải nộp đơn tự nguyện phá sản.

Mặt bằng bán lẻ cần phải thay đổi

Theo báo cáo của Cushman & Wakefield, thị trường bán lẻ ở TPHCM vẫn không có nguồn cung mới với tổng nguồn cung duy trì 1,05 triệu m2 sàn bán lẻ đang hoạt động. Hiện nay xu hướng cải tạo và tái cơ cấu mặt bằng vẫn còn tiếp diễn tại nhiều trung tâm thương mại với mong muốn nâng cao hiệu suất thuê và cải thiện quy hoạch khách thuê, qua đó nâng cấp và tái định vị trung tâm thương mại. Chính vì vậy, tỷ lệ lấp đầy tăng nhẹ so với quý trước đạt 90% nhưng vẫn thấp so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trung tâm
Trung tâm Diamond Plaza đã phải cải tạo nâng cấp và bổ sung thêm 12.800m2 diện tích bán lẻ của trung tâm thương mại trọng điểm.

Bà Trần Phạm Phương Quyên - Quản lý Bộ phận Cho thuê Bán lẻ Savills Việt Nam đánh giá, hiện nay các nhà bán lẻ và chủ đầu tư trung tâm thương mại tại Việt Nam đang trong giai đoạn thích nghi với những thay đổi mạnh mẽ này và xây dựng những kế hoạch kinh doanh dài hạn hơn.   

Mô hình kinh doanh của Parkson đã thể hiện sự thiếu hiệu quả của mình tại thị trường Việt Nam từ cách đây gần 10 năm. Quyết định này của Parkson không phải là điều quá bất ngờ mà phản ánh đúng tình hình của thị trường bán lẻ hiện tại. Cụ thể, các dự án trung tâm thương mại lúc này không còn quá ưu tiên cho thuê đến các diện tích lớn. Thay vào đó, họ ưu tiên chào thuê đến nhiều sự đa dạng ngành hàng, cung cấp đa dạng trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng tại Việt Nam hơn.

P Parkson Saigon Tourist Plaza tại quận 1, thời kỳ hoàng kim Parkson có đến 10 trung tâm thương mại ở Việt Nam.
Parkson thời kỳ hoàng kim có đến 10 trung tâm thương mại ở Việt Nam nay phải nộp đơn phá sản.

“Những thói quen mua sắm mới ngày càng tác động rõ rệt đến hiệu quả kinh doanh của các thương hiệu, điều này khiến các trung tâm thương mại phải xây dựng chiến lược phát triển dài hơi, lên kế hoạch 3-5 năm để cải tiến mặt bằng hiện hữu, đón chào những thương hiệu quốc tế mới gia nhập vào Việt Nam. Khi một trung tâm thương mại có thương hiệu nổi tiếng mới sẽ tạo ra sức hút và đặc trưng riêng, khiến cho dự án của mình khác biệt so với các đối thủ trong khu vực.” – bà Phương Quyên chia sẻ. 

Để liên tục nắm bắt những thay đổi mới mẻ này, bà Phương Quyên cho rằng, các thương hiệu bán lẻ và chủ nhà nên hợp tác với những đơn vị đại diện uy tín, giúp tối ưu hiệu quả đầu tư.

Bà Marie Hickey - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Bất động sản Thương mại Savills UK - cũng khẳng định việc các không gian bán lẻ đang chuyển mình từ cửa hàng truyền thống sang một không gian để khách hàng trải nghiệm nhiều hơn. Trong bối cảnh số hóa như hiện nay, vai trò của các cửa hàng đang được những thương hiệu định vị lại thành điểm đến kết hợp giữa mua sắm, thư giãn và giải trí. 

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI