Mất 25 cuốn sách cổ quý giá tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm

21/12/2022 - 14:08

PNO - Trong số sách bị mất có “Toàn Việt thi lục” do nhà bác học Lê Quý Đôn biên soạn; “Việt âm thi tập” do nhà sử học Phan Phu Tiên biên soạn.

Ngày 21/12, Phòng Thư tịch học (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (đơn vị chủ quản Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đã xác nhận việc mất 25 cuốn sách cổ quý giá tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Cả 2 đơn vị này đều đang tìm kiếm, kiểm tra nên không thông tin chi tiết sự việc.

Một trang Toàn Việt thi lục - Ảnh: NVCC
Một trang của Toàn Việt thi lục - Ảnh: NVCC

Trước đó, ngày 20/12, Phó trưởng phòng Văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm - tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã thông tin trên mạng xã hội việc “25 cuốn sách cổ, quan trọng của văn hiến dân tộc biến mất khỏi kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, ngày 15/7, trong cuộc họp hội đồng khoa học và các cán bộ chủ chốt của viện, bộ phận kiểm kê thông báo mất 29 cuốn sách. Sau đó Viện tìm được 4 cuốn. 25 cuốn vẫn chưa có thông tin kể từ đó đến nay.

Ông Nguyễn Xuân Diện cho biết, trong số 25 cuốn sách bị mất, có Toàn Việt thi lục do nhà bác học Lê Quý Đôn soạn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ 10/11 bộ, và bị mất 4 cuốn thuộc 3 bộ khác nhau. Việt âm thi tập - tập thơ ghi lại âm thanh của nước Việt, là tập thơ đầu tiên của nước ta do nhà sử học Phan Phu Tiên biên soạn (Thị ngự sử Chu Xa kế tục biên soạn). Độc bản Việt âm thi tập đã biến mất.

Trong danh sách này, còn có 2 cuốn địa chí ghi chép địa lý, cương vực, bờ cõi rất quý…

Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm được Nhà nước giao quản lý là tài sản quốc gia quý giá, kế thừa các kho sách cổ mà Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tập được.

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, với kho sách cổ, tất cả cán bộ trong Viện hay khách đến nghiên cứu đều chỉ được đọc bản sao; và chỉ viện trưởng mới có quyền cho phép đưa sách cổ ra khỏi kho.

M.Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI