Masala chai - thức uống quốc dân 'lên mâm' quốc tế

08/08/2017 - 09:54

PNO - Cũ người, mới ta - đó là cách Masala chai đã được biết đến rộng rãi với tên gọi chai latte, mang hương vị cùng giá trị nghìn năm của mình đi chinh phục cả thế giới.


Đọc lướt qua thực đơn của một số cửa hàng cà phê ở Sài Gòn, cả thương hiệu trong nước lẫn quốc tế, từ quy mô lớn đến nhỏ, người ta sẽ chợt dừng lại một chút trước một “anh bạn” lạ lùng mang tên “Chai Latte”. 

Đây không phải là một món uống mới toanh do một tay pha chế giàu trí tưởng tượng nào đó tạo ra, mà đã có tuổi đời lên đến hàng nghìn năm, bắt nguồn từ vương quốc Ấn Độ cổ đại hùng mạnh khắp khu vực Nam Á kéo dài đến tận thế kỷ XXI, nơi Masala chai (tên gọi đầy đủ của món trà truyền thống Ấn Độ) xuất hiện tràn ngập các quán cà phê ở Mỹ. 

Chai không phải là một sáng kiến của thời hiện đại. Nó có thể được xem là một trong những sản phẩm của người Anh. Vào cuối thế kỷ XIX, người Anh thành lập các đồn điền trà ở Ấn Độ, đến đầu thế kỷ XX, họ chuyển sang bán trà cho người Ấn. Trà thường xuyên được tặng miễn phí trong các nhà máy, cũng từ đó, thị trường tiêu thụ trà bắt đầu nhen nhóm. 

Masala chai  - thuc uong quoc dan  'len mam' quoc te
 

Trên thực tế, Mahatma Gandhi - người anh hùng dân tộc của Ấn Độ - đã từng tỏ thái độ cực kỳ tức giận trước thói quen uống trà được hình thành trong cộng đồng người Ấn, bởi ông cho rằng đó là “một thực tế mang tính thực dân”. Nhưng sau thế chiến thứ hai, bằng một cách nào đó, người Ấn Độ gần như quên rằng trà chính là một phát minh của người Anh, thậm chí còn trở thành một thức uống tinh hoa của Ấn Độ. 

Cũng từ “thức uống của thực dân” này mà xã hội Ấn Độ được phân chia thành các tầng lớp khác nhau dựa trên cách uống trà. Theo đó, những tầng lớp ưu tú của Ấn Độ có khuynh hướng uống trà lá đắt tiền, được ngâm trong nước nóng, không uống kèm sữa hay đường. Đối với những người dân nghèo và tầng lớp lao động, một cốc sẽ bao gồm trà, đường và sữa. Sữa là nguồn cung cấp dinh dưỡng, giúp no lâu, còn đường cung cấp năng lượng cho các hoạt động lao động tay chân có phần nặng nhọc. Bên cạnh đó, người ta còn nêm thêm một ít “gia vị” vào cốc masala chai để tăng công dụng phòng và chữa bệnh. 

Thế rồi, vượt ra khỏi biên giới Ấn Độ, masala chai vươn ra thế giới, tiếp cận với phương Tây từ những năm 1960, khi các nhà thám hiểm quay về cố hương và mang “của lạ” theo. Nhưng mãi đến những năm 1990, khi Starbucks tung ra phiên bản chai đầu tiên thì thức uống này mới bắt đầu được người phương Tây chú ý. Tuy nhiên, để đưa một sản phẩm từng bị cho là “thức uống của những người nghèo và tầng lớp lao động ở Ấn Độ” vào thực đơn của một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới không phải là chuyện dễ dàng. Nhiều cuộc tranh luận sôi nổi về việc có nên gọi chai là “latte” chứ không phải là trà (tea), bởi từ “latte” sẽ gây nhầm lẫn cho khách hàng cũng đã xảy ra. 

Bổ dưỡng, khẩu vị lạ, được chính “ông hoàng” Starbucks “lăng xê” là thế, nhưng trên thực tế, masala chai không mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho các cửa hàng cà phê. Vì đồ uống có sữa mang lại lợi nhuận ít hơn cà phê đen hay trà chứa một lượng sữa rất ít. Sữa là một loại nguyên liệu khá tốn kém. Nhưng masala chai vẫn “sống”, nhờ vào thực tế rằng, các chuỗi cửa hàng cà phê đang có xu hướng tìm cách tiếp cận một đối tượng rộng hơn: không phải ai cũng uống được hoặc thích uống cà phê. Hoặc nếu phải ghé tiệm cà phê nhiều hơn hai lần, người ta cũng không muốn lựa chọn của mình xoay quanh các loại cà phê. Từ đó, chai latte bỗng dưng trở thành ưu tiên hàng đầu. 

Cũ người, mới ta - đó là cách Masala chai đã được biết đến rộng rãi với tên gọi chai latte, mang hương vị cùng giá trị nghìn năm của mình đi chinh phục cả thế giới.  

 Vĩnh Trinh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI