Marrakesh: Hiệp ước nhân văn vì người khuyết tật

23/09/2023 - 09:56

PNO - Hiệp ước Marrakesh tạo môi trường pháp lý nhằm cải thiện khả năng tiếp cận xuất bản phẩm/nguồn tài liệu quốc tế của người khuyết tật. Điều này tạo ra sự cân bằng và đảm bảo việc bảo vệ quyền tác giả và lợi ích chung cho cộng đồng.

Người khuyết tật thiếu sách ở nhiều lĩnh vực 

Nghiên cứu về thực trạng xuất bản phẩm cho người khuyết tật tại Việt Nam, thạc sĩ Đinh Việt Anh - Phó chủ tịch Hội Người mù Việt Nam - cho biết: sách cho người khuyết tật (gồm các lĩnh vực sách giáo khoa, văn học nghệ thuật, tài liệu nghiên cứu, kỹ năng sống…) hiện chỉ chưa tới 10% tổng số sách xuất bản. Hầu hết ở tình trạng “thiếu một ít”, “rất khan hiếm” và “không có” - theo mức độ đánh giá từ bảng khảo sát. Trong đó, nguồn cung cấp xuất bản phẩm là từ hội người mù (74%), qua internet (39,4%), còn lại là nguồn từ thư viện trường, gia đình…

Một khóa tập huấn sử dụng điện thoại thông minh cho người khiếm thị tại  Thư viện Sách nói Hướng Dương - Nguồn ảnh: thuviensachnoihuongduong.com
Một khóa tập huấn sử dụng điện thoại thông minh cho người khiếm thị tại Thư viện Sách nói Hướng Dương - Nguồn ảnh: thuviensachnoihuongduong.com

“Tiếp cận tri thức thông qua xuất bản phẩm là quyền cơ bản của con người, là điều kiện tiên quyết của sự phát triển hòa nhập và phát huy tiềm năng cá nhân, mở ra cho mọi người cơ hội học tập, việc làm, chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động chính trị - xã hội. Việc thiếu những ấn phẩm ở định dạng dễ tiếp cận đã hạn chế, thậm chí tước đi quyền tiếp cận tri thức của một bộ phận người khuyết tật” - thạc sĩ Đinh Việt Anh nói. 

Lâu nay, cộng đồng người khuyết tật chữ in (từ được các chuyên gia dùng để nói về cộng đồng không thể đọc sách/văn bản in thông thường) chủ yếu tiếp cận xuất bản phẩm qua 2 định dạng phổ biến: sách nói và sách chữ nổi Braille. Chị Đào Thu Hương - cán bộ chương trình “Hòa nhập người khuyết tật”, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) Việt Nam - cho biết: “Một số địa phương như tỉnh Hậu Giang, Long An còn không có sách chữ nổi cho trẻ em lớp Ba, Bốn ở trường hòa nhập. Các em đi học chỉ nghe giảng và các bạn đọc sách. Ở Kon Tum, có trường không có sách chữ nổi. Học sinh chỉ nghe loáng thoáng, không biết đọc, viết, không có thực tế, không thể học cao và phát triển toàn diện”. 

Kinh nghiệm từ các nước

Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm tại các nước, thạc sĩ Đinh Việt Anh đã nêu ra những khuyến nghị - cũng là những bài học cho Việt Nam trong việc thực thi hiệu quả Hiệp ước Marrakesh. Về phía Chính phủ, cần đẩy mạnh cơ chế cấp quyền và thực hiện các hoạt động bảo trợ; xây dựng chuỗi liên kết giữa các thư viện, nhà văn hóa, các tổ chức xã hội nhằm cung cấp đa dạng hóa các loại hình xuất bản phẩm ở nhiều định dạng phù hợp với người khuyết tật. 

Về phía các tổ chức vì người khuyết tật cũng như các nhà cung cấp xuất bản phẩm: vận động chuyển đổi xuất bản phẩm sang định dạng dễ tiếp cận và cung cấp phi lợi nhuận ở một tỉ lệ nhất định; nghiên cứu, chuyển đổi sang hướng xuất bản hòa nhập, đáp ứng nhu cầu xuất bản phẩm của mọi độc giả, trong đó có người khuyết tật.

Một trong những khó khăn lớn trong việc sản xuất định dạng dễ tiếp cận (thể hiện bằng phương thức hay định dạng phù hợp với người khuyết tật chữ in) hiện nay, theo các chuyên gia là kinh phí, kỹ năng và nhân lực. Các đơn vị làm sách, xuất bản chủ yếu phát hành sách in, chưa thể đầu tư thêm chi phí cho xuất bản phẩm định dạng dễ tiếp cận; đồng thời cũng chưa có sự liên kết hợp tác giữa các bên liên quan và phía Nhà nước chưa có bảo trợ tài chính cho việc này.

Trao đổi xuyên biên giới 

Hiệp ước Marrakesh của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) có hiệu lực trên thế giới vào tháng 6/2016 và chính thức có hiệu lực tại Việt Nam vào ngày 6/3/2023. Nội dung chính của hiệp ước: tạo các bản sao dễ tiếp cận, phân phối và truyền đạt/biểu diễn tác phẩm dưới định dạng dễ tiếp cận đến công chúng, xuất khẩu và nhập khẩu các bản sao dễ tiếp cận (bao gồm tải kỹ thuật số) và ngoại lệ liên quan đến các biện pháp công nghệ mà không cần phải xin phép bản quyền. 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất bổ sung điều 25a, Luật Sở hữu trí tuệ về ngoại lệ quyền tác giả dành cho người khuyết tật. Theo đó, người khuyết tật, người nuôi dưỡng/chăm sóc cho người khuyết tật, các tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ được sao chép, phân phối, biểu diễn, truyền đạt tác phẩm xuyên biên giới dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận. Bằng cách đó, phạm vi tiếp nhận và cơ hội tiếp cận xuất bản phẩm cho cộng đồng người khuyết tật chữ in được mở rộng, với sự đa dạng về lĩnh vực và hình thức của các định dạng xuất bản phẩm dễ tiếp cận trên thế giới. 

Một số tựa sách nói cho người khuyết tật, các tựa sách này đã có ở nguồn Hội Người mù Việt Nam
Một số tựa sách nói cho người khuyết tật, các tựa sách này đã có ở nguồn Hội Người mù Việt Nam

Hiệu quả và tác động của Hiệp ước Marrakesh được nhìn thấy từ một số quốc gia: New Zealand đã nhập khẩu hơn 15.000 đầu sách cho người khiếm thị từ Canada, Mỹ cấp ngân sách cho các tổ chức sản xuất và phân phối xuất bản phẩm định dạng dễ tiếp cận, Ấn Độ ra mắt bộ sưu tập sách trực tuyến quy mô lớn… Trước mắt, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước khi hiện thực hóa được những giá trị đáng mong đợi mà Hiệp ước Marrakesh mang lại. Nhưng việc gia nhập hiệp ước và sự bắt tay cùng thực hiện giữa các tổ chức/cá nhân đồng nghĩa với việc gia tăng cơ hội được nâng cao giáo dục, cơ hội việc làm, hòa nhập xã hội và hội nhập quốc tế cho cộng đồng người khuyết tật. 

“Hiệp ước Marrakesh tạo điều kiện tiếp cận xuất bản phẩm nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, bớt đi khâu liên hệ, xin phép chủ sở hữu bản quyền; đồng thời thúc đẩy quá trình liên kết, trao đổi bản sao dễ tiếp cận giữa các tổ chức được ủy quyền, tránh lãng phí nguồn lực” - chị Đào Thu Hương nhìn nhận. Đây cũng chính là giá trị nhân văn của Hiệp ước Marrakesh - một hiệp ước đang được thực thi ở 93 quốc gia, hướng đến cộng đồng người yếu thế. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI