Mark Zuckerberg đề nghị chính phủ các nước giúp kiểm soát nội dung internet

31/03/2019 - 14:30

PNO - Mới đây, Mark Zuckerberg, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Facebook, đã có động thái đáng chú ý khi lên tiếng đề nghị các cơ quan quản lý và các chính phủ tăng cường vai trò trong việc kiểm soát nội dung internet.

Trong một thư ngỏ đăng trên tờ Washington Post, Zuckerberg cho biết trách nhiệm giám sát nội dung độc hại là quá tầm tay của riêng từng công ty.

Mark Zuckerberg de nghi chinh phu cac nuoc giup kiem soat noi dung internet
Mark Zuckerberg muốn có một bộ quy tắc chung mà tất cả các công ty công nghệ phải tuân theo - Ảnh: AFP

Ông kêu gọi xây dựng các luật mới liên quan đến bốn lĩnh vực: "Nội dung độc hại, tính toàn vẹn của bầu cử, quyền riêng tư và tính di động của dữ liệu".

Ý kiến của Zuckerberg được đưa ra hai tuần sau vụ nghi phạm tấn công thảm sát thánh đường Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand, đăng livestream hành động man rợ của y lên Facebook.

Ông trùm Facebook viết: "Các nhà lập pháp thường nói với tôi rằng chúng ta có quá nhiều quyền lực đối với ngôn từ và tôi thực lòng đồng ý với họ". Ông cho biết Facebook đang "tạo ra một cơ quan độc lập để mọi người có thể kháng cáo quyết định của Facebook" về những gì được đăng và những gì bị gỡ xuống.

Ông cũng mô tả một bộ quy tắc mới mà ông muốn thấy sẽ được các công ty công nghệ tuân theo. Ông nói, các quy định mới phải tương đồng cho tất cả các website, để có thể dễ dàng ngăn chặn "nội dung độc hại" lan truyền nhanh chóng trên các nền tảng truyền thông xã hội.

Mark Zuckerberg muốn gì?

Những nội dung ông Zuckerberg muốn nói bao gồm:

• Các quy tắc chung tất cả các trang web truyền thông xã hội cần tuân thủ, quy tắc này do các cơ quan thứ ba thực thi nhằm kiểm soát sự lây lan của các nội dung độc hại.

• Tất cả các công ty công nghệ lớn ba tháng một lần phải công bố báo cáo minh bạch, đặt báo cáo này ngang tầm với báo cáo tài chính.

• Luật pháp cần mạnh tay hơn trên khắp thế giới để bảo vệ sự toàn vẹn của các cuộc bầu cử, với các tiêu chuẩn chung cho tất cả các website đang hoạt động. Luật liên quan đến bầu cử không chỉ áp dụng cho các ứng cử viên và bầu cử, mà còn giải quyết các "vấn đề chính trị gây chia rẽ" khác. Cần có các tiêu chuẩn mới để kiểm soát cách các chiến dịch chính trị sử dụng dữ liệu để nhắm mục tiêu cử tri trực tuyến.

• Cần thêm nhiều quốc gia áp dụng luật riêng tư, như Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Liên minh châu Âu, có hiệu lực vào năm ngoái.

• Một "khuôn khổ chung toàn cầu" có nghĩa là các luật này cần được tiêu chuẩn hóa trên toàn cầu, thay vì khác biệt đáng kể tùy theo từng quốc gia.

• Xóa bỏ các quy tắc về người chịu trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của người dùng khi họ chuyển dữ liệu từ dịch vụ này sang dịch vụ khác.

Thư ngỏ của ông trùm Facebook - cũng sẽ được công bố trên một số tờ báo châu Âu - xuất hiện khi mạng xã hội này phải đối mặt với các chất vấn về vai trò của nó trong vụ bê bối Cambridge Analytica xung quanh việc lạm dụng dữ liệu trong các chiến dịch bầu cử.

Facebook cũng đã bị chỉ trích vì không ngăn chặn được sự lan truyền các đoạn video xả súng sát hại 50 người Hồi giáo đang cầu nguyện ở thành phố Christchurch. Video được phát trực tiếp lên trang Facebook của kẻ tấn công vào ngày 15/3, trước khi nó được sao chép 1,5 triệu lần.

Thư ngỏ của ông Zuckerberg không nêu tên cụ thể những sự cố trên.

Mark Zuckerberg de nghi chinh phu cac nuoc giup kiem soat noi dung internet
Facebook phải đối mặt với những lời chỉ trích vì đã không xóa đoạn phim kẻ tấn công ở thành phố Christchurch phát trực tiếp - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, trước đó Facebook đã thông báo họ đang xem xét hạn chế đối với việc phát trực tiếp livestream sau vụ tấn công ở thành phố Christchurch. Hôm 28/3, Facebook tuyên bố cấm các nội dung quảng bá chủ nghĩa dân tộc trắng và chủ nghĩa ly khai trên trang web của mình. Ngày 29/3, Facebook bắt đầu dán nhãn quảng cáo chính trị trên Facebook ở các nước EU, cho thấy ai là nhà quảng cáo, họ đã trả bao nhiêu tiền và họ nhắm mục tiêu vào ai.

Zuckerberg chia sẻ: "Tôi tin rằng Facebook có trách nhiệm giúp giải quyết những vấn đề này và tôi mong được thảo luận với các nhà lập pháp trên toàn thế giới".

Hoàng Diệu (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI